Học sinh lớp 12, khoan bàn chuyện theo đuổi nghề yêu thích

(Dân trí) - Xác định nghề yêu thích không phải là việc có thể làm trong “một sớm, một chiều”, có khi cả đời người mới biết được. Vậy học sinh lớp 12 phải làm gì khi đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề để học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT? Liệu có phải xác định ngay nghề yêu thích để chọn học cho trúng?

Từ những trải nghiệm của bản thân và xem xét trường hợp của nhiều người, tôi thấy thông thường học sinh lớp 12 chọn ngành học vì những lý do sau:

1. Bản thân thích ngành đó.

2. Chọn bừa vì không thích ngành nào cụ thể cả.

3. Chọn vì thấy ngành đó vừa tầm/điểm thấp.

4. Bạn bè chọn ngành đó nên chọn theo.

5. Chọn ngành đó theo ý muốn của gia đình

6. Chọn ngành đó vì “có cửa” xin việc sau này (có người nhà, người quen xin việc cho).

7. Xét lực học thấy không đủ điểm đỗ nên đăng ký vậy chứ không hy vọng đỗ.

Như vậy, các em chọn ngành học vì rất nhiều lý do. Trong 7 lý do chọn ngành nói trên thì chỉ có 1 lý do liên quan đến sở thích cá nhân. Mà kể cả khi chọn ngành nào đó vì thích (có năng khiếu, sở trường…) thì rất có thể cũng chỉ là cảm tính, đến khi thực sự vào làm việc trong ngành đó mới thấy không hợp và lại chuyển nghề.

Như vậy, đối với học sinh lớp 12, nếu quá đặt nặng vấn đề chọn ngành nghề yêu thích thì sẽ gây áp lực lớn cho các em. Có em có thể băn khoăn rằng: Nếu lỡ mình không chọn đúng ngành nghề yêu thích thì sau biết làm sao?

Học sinh lớp 12 trường THPT Trưng Vương, TPHCM hoàn thành khâu nộp hồ sơ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Lê Phương)
Học sinh lớp 12 trường THPT Trưng Vương, TPHCM hoàn thành khâu nộp hồ sơ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Lê Phương)

Tôi có thể khẳng định ngay với các em rằng, không có một điều gì là cố định cả. Không phải rằng một khi đã chọn ngành nào đó thì ngành đó sẽ gắn bó với các em trong suốt quãng đời còn lại. Chính trong quá trình đi làm và va vấp mà dần dần chúng ta mới khám phá ra được rốt cục là mình thích làm nghề gì. Đấy là chưa kể thậm chí kể cả khi làm được công việc yêu thích rồi, có thành công nhất định, nhưng sau một thời gian, chúng ta có thể lại thấy mình hợp hơn với nghề khác, rồi chúng ta đổi nghề và thành công hơn nữa. Đó là việc rất bình thường trong cuộc đời con người, không phải là một sự gì ghê gớm, bất bình thường.

Giống như nhà triết học và thần thoại học người Mỹ Joseph Campbell (1904-1987) miêu tả việc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích như là “cuộc hành trình của người anh hùng”. Chúng ta gặp thử thách, đạt mục đích, và rồi lại gặp thử thách mới để bước vào cuộc chiến mới và giành chiến thắng. Theo đuổi mục đích là một việc kéo dài suốt cuộc đời.

Do vậy, đối với học sinh lớp 12, việc chọn ngành yêu thích có lẽ không phải là việc trọng tâm. Việc trước mắt các em cần tập trung là ôn luyện kiến thức cho kỹ, tập làm theo các đề mẫu và căn giờ làm bài đúng như khi ngồi trong phòng thi để rèn bản lĩnh thi cử.

Các em cũng cần xác định lực học của mình, đây là bước quan trọng để chọn ngành mà mình có khả năng đỗ.

Để có thể chọn ngành học, nếu em nào đã xác định được thích ngành nào thì chọn lựa các trường có điểm của ngành đó phù hợp với lực học của mình (bằng việc tham khảo điểm chuẩn của ngành đó ở các trường trong vài năm gần đây để so sánh).

Với những em chưa xác định thực sự thích ngành nào, thì có thể “khoanh vùng” những ngành mình thấy “tạm ưng”, và rồi cũng theo bước như trên, xem xét điểm chuẩn của ngành đó ở các trường trong vài năm gần đây để so sánh mức điểm.

Học sinh tại TPHCM đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2017. (Ảnh: Lê Phương)
Học sinh tại TPHCM đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2017. (Ảnh: Lê Phương)

Có thể các em thấy băn khoăn vì năm nay thi THPT quốc gia theo hình thức mới với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Dù hình thức bài thi thay đổi, nhưng một điều luôn luôn đúng là “dễ người dễ ta, khó người khó ta”. Vậy nên một khi các em xác định được lực học của mình ở tầm nào, và nhất là sau này khi đã có điểm thi, thì các em sẽ thấy tự tin hơn để chọn ngành học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT.

Nói như chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo người Mỹ John C. Maxwell thì việc học là một tiến trình, không phải là một sự kiện. Do vậy, tôi nghĩ rằng, nếu các em có đỗ đại học và rồi tốt nghiệp đại học, thì đó cũng chỉ là các bước trong tiến trình học hỏi để có một cuộc đời hoàn thiện, chứ không phải là lúc có thể “ung dung” chấm dứt các nỗ lực học hỏi.

Để chọn nghề, các em có thể tham khảo lời khuyên mà giáo sư, nhà tâm lý Tal Ben-Shahar nhận được từ giáo sư môn Tâm lý học của mình và ông đã chia sẻ lại trong cuốn sách “Hạnh phúc hơn” (NXB Tổng hợp TPHCM):

“Khi chọn con đường cho mình, trước tiên bạn hãy chọn những điều mình có thể làm, rồi mới đến những điều mình muốn làm. Sau đó, giảm bớt những lựa chọn bằng cách tập trung làm những điều mình thật sự muốn làm. Cuối cùng, hãy chọn những điều bạn thật sự, thật sự muốn làm - và hãy làm những điều đó”.

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Chọn ngành, chọn nghề

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm