Hình ảnh thầy giáo vượt rừng “lấy” học sinh trở lại lớp vào đề thi thử THPT quốc gia

(Dân trí) - Ngay sau khi câu chuyện cảm động thầy Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa, Gia Lai) được lan tỏa, ngày 10/3, tấm lòng thầy Dậu được đưa vào làm ngữ liệu cho đề thi thử THPT quốc gia của Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng.

Nội dung đề thi thử THPT quốc gia của trường THPT Lộc Phát yêu cầu: “Những ngày đầu tháng 3, dòng tâm sự buồn trên Facebook của thầy Ninh Văn Dậu - giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) về việc thầy đã không thể giữ học trò của mình ở lại trường khiến nhiều người xúc động.

Thầy Ninh Văn Dậu đã viết: “Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy em về”.

Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tấm lòng của thầy Ninh Văn Dậu”.

Trao đổi với PV Dân trí vào sáng 11/3, thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát cho biết, câu chuyện và hình ảnh đẹp của thầy Dậu trong những ngày qua đã khiến nhiều người xúc động.

Đề thi môn Ngữ Văn của Trường THPT Lộc Phát (ảnh Nguyễn Hoàng Chương)
Đề thi môn Ngữ Văn của Trường THPT Lộc Phát (ảnh Nguyễn Hoàng Chương)

Do vậy, thầy đã đưa ra ý tưởng đưa hình ảnh của giáo viên Dậu vào đề thi thử THPT quốc gia và yêu cầu tổ Ngữ Văn của nhà trường cùng bàn bạc và nhất trí cao. Và cô Võ Thị Kim Loan, tổ trưởng tổ Ngữ Văn chính là tác giả của đề Văn này.

“Sở dĩ tôi đưa ra ý tưởng này bởi hình ảnh của thầy Dậu đẹp quá nên tôi muốn nó được nhân rộng và lan tỏa không chỉ trong học sinh mà trong cả các giáo viên. Trong khi nhiều hình ảnh chưa đẹp thời gian qua xảy ra trong học đường thì hình ảnh thầy Dậu như dòng nước mát nhân lên niềm tin. Tôi rất tâm đắc với điều đó và khi đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các giáo viên bộ môn”, thầy Chương cho biết.

Trao đổi thêm với PV Dân trí, thầy Chương cho hay, để chuẩn bị cho buổi thi này, chúng tôi đã đăng tải toàn bộ các bài viết liên quan đến việc làm của thầy Dậu lên website của nhà trường và thông báo để các em cùng đọc.

“Tôi theo dõi hàng ngày thì thấy, phản hồi của các em về câu chuyện này rất tích cực. Các em làm bài hào hứng”, thầy Chương nói.

Cũng theo thầy Chương, đây là lần thứ 2 nhà trường đưa ngữ liệu thời sự vào đề thi để tăng độ “mở” cho các em. Tuy nhiên theo ông, việc đưa ngữ liệu mở vào đề thi không nên quá phá cách mà phải đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng, phải chọn lọc sự kiện và dành phần điểm thích hợp cho các câu hỏi dạng này trong một đề thi THPT quốc gia.

Cụ thể, ở trong câu hỏi liên quan đến hình ảnh đẹp của thầy Dậu, theo thầy Chương, nhà trường dành 2 điểm/tổng số 10 điểm của đề thi để phù hợp hơn với trình độ của các em.

Hình ảnh thầy Dậu luồn rừng lên rẫy vận động Gôl về đi học gây xúc động mạnh
Hình ảnh thầy Dậu luồn rừng lên rẫy vận động Gôl về đi học gây xúc động mạnh

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, học sinh Ksor Gôl vì nhà nghèo, đông anh chị em nên đã bỏ học lên rẫy cạo mì (sắn) kiếm sống.

Thầy Dậu đã nhiều lần đến nhà cũng như vượt đường rừng gần 20km để lên rẫy thuyết phục em tiếp tục theo đuổi con chữ. Nhờ nỗ lực của thầy giáo Dậu, Gôl đã trở lại trường và chính thức đi học vào ngày 9/3.

Được biết, thầy Ninh Văn Dậu sinh năm 1981, quê ở Yên Mô, Ninh Bình, tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn năm 2005 sau đó tình nguyện vào Gia Lai làm thầy giáo.

Hoàn cảnh gia đình thầy Dậu khá khó khăn. Thầy Dậu là con cả trong gia đình có 4 anh chị em, mẹ lại đang bị ung thư. Hiện thầy Dậu vẫn sống trong khu tập thể của trường và chưa lập gia đình nhưng thầy vẫn nhận 4 học sinh làm con nuôi để giúp đỡ các em trong học tập.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)