Hết lòng vì sự nghiệp trồng người của vị Chủ tịch Hội Khuyến học

(Dân trí) - Xuất thân từ một nhà giáo, trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông không chọn cuộc sống an nhàn của người về hưu mà tình nguyện về nhận công việc chăm lo cho học sinh và sinh viên nghèo được tiếp tục đến trường. Đó là ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Khuyến học An Giang.


Ông Đặng Hoài Dũng

Ông Đặng Hoài Dũng

Còn nhớ, những ngày đầu ông Đặng Hoài Dũng về nhận công việc mới trong lúc Hội Khuyến học cấp huyện mà đặc biệt là Hội khuyến học cấp xã gặp rất nhiều khó khăn về công tác tổ chức, về nhân sự và các điều kiện hoạt động khác.

Trước tình hình đó, công việc đầu tiên ông Dũng tiến hành là xây dựng Đề án 01 về “Củng cố tổ chức và hoạt động Hội khuyến học tỉnh An Giang giai đoạn 2011 – 2015”, tranh thủ với Cấp ủy và UBND tỉnh thống nhất và quyết định phê duyệt đề án, xem đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác khuyến học.

Để đề án nhanh chóng đi vào cuộc sống, ông Dũng đã trực tiếp đi xuống cơ sở, gặp gỡ từng đồng chí lãnh đạo để tranh thủ sự hỗ trợ trong việc củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức. ông lắng nghe những khó khăn vướng mắc của từng cấp Hội để có những biện pháp tháo gỡ.

Ông đề xuất với UBND tỉnh để có những quyết định tăng thêm nguồn kinh phí hoạt động cho Hội cấp huyện và cấp xã, có mức trợ cấp hàng tháng cho Chủ tịch Hội cấp xã bằng 01 tháng lương cơ sở v.v.. Nhờ vậy, từ ngày đề án ra đời đến nay, Hội khuyến học cấp Tỉnh và cấp Huyện ổn định, có biên chế, có những cán bộ chuyên trách vừa tâm huyết vừa có điều kiện hoạt động lâu dài và có nhiều kinh nghiệm.

Hội khuyến học cấp xã được rà soát, xác lập tư cách pháp nhân, sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh, gọn, phù hợp với điều kiện của địa phương. Các chi hội khóm ấp, trường học tuy mới hình thành và đi vào hoạt động nhưng đã đạt được những hiệu quả ban đầu.

Ông Dũng đặc biệt chú trọng công tác liên kết phối họp với nhiều tổ chức, cơ quan và đơn vị. Tham gia Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang với tư cách Phó chủ tịch không chuyên trách, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới với tư các là thành viên …với mong muốn có tiếng nói để mọi người hiểu nhiều hơn về công tác khuyến học, để xác định vị thế của Hội khuyến học trong đời sống xã hội.

Không chỉ vậy, ông đã tranh thủ với các cơ quan truyền thông để có thêm nhiều bài viết về những tấm gương sáng trong công tác khuyến học khuyến tài ở cơ sở. Tranh thủ với từng tổ chức đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...

Duy trì mức quỹ khuyến học mỗi năm từ 10 - 12 tỷ đồng

Vị Chủ tịch Hội Khuyến học mong muốn tạo sự đồng thuận của Ông, Bà, Cha, Mẹ trong việc chăm lo việc học cho con cháu, đặc biệt là không cho con em bỏ học giữa chừng – Một hiện trạng xã hội mà ông – Với tư cách của một người làm giáo dục và trên hết là trách nhiệm của Chủ tịch Hội đang rất quan tâm và luôn trăn trở.

Theo đó, ông Dũng đã liên kết với Hội đồng hương An Giang tại TPHCM để vận động, hỗ trợ cho Sinh viên nghèo của An đang học tại thành phố… Kết quả là những nỗ lực của ông đã được đền bù, hoạt động khuyến học đã được lồng ghép vào nhiều hoạt động khác, công tác Hội trong những năm gần đây chưa bao giờ đơn độc bởi có một lực lượng xã hội đang cùng đồng hành và hỗ trợ, từng bước tạo ra một sinh khí mới hơn nhiều so với trước đây.


Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đặng Hoài Dũng trao học bổng Tôn Đức Thắng cho các em học sinh vượt khó học giỏi (Ảnh: Báo An Giang)

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đặng Hoài Dũng trao học bổng Tôn Đức Thắng cho các em học sinh vượt khó học giỏi (Ảnh: Báo An Giang)

Ngoài việc duy trì và khai thác một cách tốt nhất các nguồn học bổng truyền thống do người tiền nhiệm để lại, Ông không quản ngại khó khăn, kiên trì vận động từng doanh nghiệp và mạnh thường quân để có nguồn tiền cho chương trình “Tiếp bước đến trường” và hình thành thêm nguồn học bổng mang tên “Hội khuyến học” để hỗ trợ cho những HSSV nghèo bị sót lại từ các nguồn học bổng khác.

Ông Dũng đã tranh thủ từng Bác sỹ ở các bệnh viện mang về từng triệu đồng để nâng cao mức học bổng Y khoa Nguyễn Văn Hưởng từ 02 triệu đồng lên 06 triệu đồng mỗi năm cho 01 SV nghèo. Chương trình “Tiếp bước đến trường” là một hoạt động mới do ông đề xuất, sau 05 năm thực hiện đã hỗ trợ tiền và dụng cụ học tập cho hàng chục ngàn lượt học sinh nghèo có thêm điều kiện bước vào năm học mới.

Trong những năm gần đây, với phương châm “đa dạng và linh hoạt trong công tác vận động”, ông đã duy trì mức đóng góp cho Quỹ khuyến học cấp tỉnh mỗi năm từ 10 đến 12 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với 05 năm trước đó.

Với bản thân mình, ông dành dụm, chắt chiu từ đồng tiền trợ cấp ít ỏi của chức danh Chủ tịch Hội để đóng góp trên 100 triệu đồng trong những năm qua. Sau khi tổ chức tang lễ cho mẹ, ông dành toàn bộ tiền phúng điếu gần 150 triệu đồng cho Quỹ khuyến học tỉnh và Quỹ khuyến học phường theo ý nguyện của Bà. Ông còn trực tiếp đỡ đầu cho 01 sinh viên nghèo trong suốt những năm học Đại học.

Là một Chủ tịch Hội, biết chịu khó và lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, chủ động đề xuất và tham mưu tốt với Cấp ủy và Ủy Ban, kiên trì và tận tụy trong công tác xây dựng Hội… Ông Đặng Hoài Dũng đã không ngừng nổ lục phấn đấu, dành hết tâm huyết của mình để đóng góp công sức trong quá trình hình thành và phát triển của Hội khuyến học tỉnh nhà.

Gia Bảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm