GS Ngô Bảo Châu: Nên hướng nghiệp cho học sinh qua trải nghiệm thực tế
(Dân trí) - Giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng sáng nay 26/4, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ cảm nhận công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông còn khá sơ sài, và sắp tới sẽ tổ chức các câu lạc bộ hướng nghiệp cho học sinh thông qua trải nghiệm thực tế.
Theo đó, trả lời sinh viên về định hướng hoạt động sắp tới của “Vườn ươm tài năng”, GS Ngô Bảo Châu cho biết sẽ mời những người bạn của mình là những người thành công ở những lĩnh vực khác nhau tham gia các khóa hướng nghiệp ngắn ngày cho học sinh phố thông.
Cùng với các buổi trò chuyện về chuyên ngành, các em học sinh sẽ được hướng dẫn tham quan trải nghiệm thực tế từng công việc như đến bệnh viện tìm hiểu về nghề y, đến các tòa soạn để tìm hiểu về nghề báo..., và sẽ có các bài thực hành nhỏ để học sinh có những cảm nhận rõ ràng hơn về từng nghề nghiệp, có phù hợp với năng lực và sở thích của mình hay không để chọn lựa ngành học trong tương lai.
“Tôi nghĩ là công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay khá sơ sài. Học sinh chọn lựa ngành nghề theo cảm giác nhiều hơn. Nên hướng nghiệp cho học sinh thông qua những trải nghiệm thực tế” - GS Châu nói
Tại buổi giao lưu, rất nhiều câu hỏi đã được các cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường đặt ra được GS Ngô Bảo Châu trả lời, chia sẻ trực tiếp.
Trả lời câu hỏi của các sinh viên sư phạm về việc làm sao một người thầy có thể phát hiện được những học sinh, sinh viên tài năng và hỗ trợ các em phát triển, GS Châu nói ông chưa có câu trả lời cho câu hỏi này.
Tuy nhiên, GS Châu chia sẻ, khi tham gia công tác đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh những năm gần đây, ông có hướng dẫn một người mà ban đầu không có thể hiện gì xuất sắc nhưng rất chịu khó, và tin rằng người này sẽ thành công.
GS Ngô Bảo Châu tặng hoa chúc mừng các sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng vừa đoạt giải trong kỳ thi Olympic Toán học
“Tôi ban đầu nhận lời hướng dẫn nghiên cứu sinh này chỉ vì thấy cậu ta là một người thú vị, và nghĩ rằng làm việc, trao đổi với người này thì sẽ thoải mái. Ban đầu, cậu ta không có thể hiện gì xuất sắc về tư duy logic, sự thông minh.
Nhưng trong cả quá trình, tôi nhận thấy đây là một người rất chịu khó, có thể mày mò một công thức Toán học hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời mà không thấy nản và đã có được thành công.
Tôi tin là cậu ta sẽ là một nhà Toán học thành công trong tương lai. Cho nên, một tài năng thành công bên cạnh những tố chất như tư duy nhạy bén, thông minh, thì tố chất xã hội như sự cởi mở, tinh thần cầu thị cũng rất quan trọng”- GS Châu kể câu chuyện về một nghiên cứu sinh để nói lên cách nghĩ về việc phát triển một tài năng.
Khi một sinh viên hỏi về những điểm yếu của sinh viên Việt Nam, GS Châu chia sẻ rằng theo cảm nhận của ông thì sinh viên trong nước còn khá thụ động so với các sinh viên nước ngoài, và so với cả sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài.
Trong khi ở nước ngoài thì sinh viên rất chủ động trong việc học, có thể tự mình xây dựng một chương trình học tập riêng với sự hướng dẫn có chừng mực chứ không “cầm tay chỉ việc” của các giáo sư. Còn ở trong nước thì thực tế có những sự kiện, hội thảo cần thiết bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, thì nhà trường, thầy giáo trưởng khoa phải gọi đến thì các sinh viên mới tham gia, chứ sinh viên chưa chủ động tìm tới.
GS Châu tiếp tục đề cao tầm quan trọng của việc học sinh, sinh viên cần được sớm trang bị kỹ năng sống, những hiểu biết, kiến thức xã hội nhất định để có được nền tảng nhân văn vững chắc bên cạnh kiến thức học thuật.
Theo GS Châu, một nhà nghiên cứu như ông không chỉ có tập trung vào Toán học và không phải lúc nào cũng làm việc một mình. Mà Toán học mở ra một cánh cửa để ông có thể gặp gỡ những người khác. Chẳng hạn như ông gặp gỡ những người cùng niềm đam mê Toán học, chia sẻ về những điều mà mình đã lao tâm khổ tứ để tìm ra.
Và có người lắng nghe, chia sẻ với mình như thế là hạnh phúc. Và để mở rộng thế giới của mình, gặp gỡ nhiều người hơn, những người có những hoàn cảnh sống khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, cách nghĩ, văn hóa khác nhau thì phải có sự chuẩn bị, tìm hiểu để tìm được một tần số, một “bước sóng” chung. Điều này giúp cho một người có thể thích ứng được với nhiều hoàn cảnh, nhiều công việc, ngành nghề khác nhau.
Khánh Hiền