Bạn đọc viết:

Giáo viên đánh giá và xếp loại hiệu trưởng đã thật sự khách quan?

(Dân trí) - Nhìn chung, quy trình đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là rất chặt chẽ, nghiêm túc, đầy đủ. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là kết quả đánh giá, xếp loại đã thật sự khách quan và thực chất hay chỉ mang tính hình thức?

Theo thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2009, và thông báo số 630/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 16/2/2012 V/v hướng dẫn đánh giá, xếp loại phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông và phó giám đốc Trung tâm GDTX. Tất cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ở các trường phổ thông sẽ được giáo viên tại các trường đánh giá, xếp loại vào cuối năm học theo hướng dẫn của hai văn bản trên. Kết quả này xem là một trong các căn cứ để cấp trên công nhận khen thưởng với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.

Có thể nói việc ban hành Thông tư 29 và Thông báo số 630 đã hướng dẫn rất đầy đủ, chi tiết việc đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Bên cạnh, hai văn bản trên của Bộ GD&ĐT cũng nêu ra quy trình các bước của việc đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Theo đó, để việc đánh giá, xếp loại diễn ra đúng yêu cầu thì Ban giám hiệu sẽ lên lịch thông báo cụ thể để tất cả giáo viên biết về thời gian, ngày giờ… Đến buổi đánh giá, xếp loại sẽ có tất cả giáo viên, đại diện đầy đủ các đoàn thể trong nhà trường, như Chi bộ, công đoàn, nữ công, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thanh tra trường học tham gia. Các lực lượng này vừa đánh giá lại vừa theo dõi buổi đánh giá có đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Thông tư 29 và Thông báo 630 hay không.

Và theo hướng dẫn của hai văn bản trên, khi đánh giá hiệu trưởng bao gồm 3 tiêu chuẩn với 23 tiêu chí thì phó hiệu trưởng sẽ chủ trì, với các bước, đầu tiên thông qua quy trình đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, kế đó hiệu trưởng sẽ đọc bản tự đánh giá và tự cho điểm bản thân. Sau khi nghe hiệu trưởng tự đánh giá xong, tất cả giáo viên chính thức trong trường sẽ góp ý, cho điểm và xếp loại hiệu trưởng. Đến phần phó hiệu trưởng thì hiệu trưởng sẽ chủ trì và cũng thực hiện theo quy trình như hiệu trưởng. Tuy nhiên, phiếu đánh giá, xếp loại phó hiệu trưởng sẽ không có một số tiêu chí như phát triển đội ngũ, quản lý tài chính…

Nhìn chung, quy trình đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là rất chặt chẽ, nghiêm túc, đầy đủ. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là kết quả đánh giá, xếp loại đã thật sự khách quan và thực chất hay chỉ mang tính hình thức. Mặc dù trong phiếu đánh giá, xếp loại thì giáo viên có thể ghi hoặc không ghi tên của mình.

Theo đó, đa số giáo viên vì muốn được “an toàn” cho bản thân và họ cũng chẳng quan tâm cho lắm việc đánh giá và xếp loại này. Nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đánh giá bao nhiêu điểm và xếp loại gì chăng nữa thì họ cũng đều đưa tay đồng ý. Và thường rất ít có ý kiến phản đối lại với việc tự đánh giá và xếp loại của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Vì sao giáo viên lại ít mặn mà đối với công tác đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như vậy?

Thứ nhất, không nói ra thì ai cũng hiểu rằng quyền sinh sát nằm trong tay các vị hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Bởi giáo viên luôn nghĩ “nếu hai sếp vui, được cấp trên khen thưởng thì mình cũng được vui lây”. Qua đó, lỡ có việc gì thì sếp cũng sẽ “tạo điều kiện” về phân lịch dạy hoặc đánh giá sẽ nhẹ nhàng hơn.

Thứ hai, cha ông ta đã dạy “tai vách mạch rừng” hay “bụi tre có lỗ tai nghe”. Trong một Hội đồng Sư phạm có rất nhiều người, lỡ như đánh giá, xếp loại hai sếp theo hướng hạ thấp xuống, lỡ có ai đó biết và “vui miệng” nói ra thì coi như xong. Chắc chắn, ít nhiều sẽ bị hai sếp “chiếu tướng” khi đó thì rất khó mà ăn nói với các sếp.

Vì vậy, tất cả giáo viên đều vì công việc, vì miếng cơm manh áo, vì cần câu cơm của gia đình mình nên phần lớn đều chiều theo bản tự đánh giá, xếp loại của sếp trưởng, sếp phó. Và đều đồng ý 100%. Cho nên kết quả đánh giá cuối năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phần lớn đều là kết quả đẹp - hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Qua đó để thấy, mặc dù việc ban hành Thông tư 29 và Thông báo số 630 của Bộ GD&ĐT là rất đúng đắn. Nó giúp có quy trình, căn cứ trong việc đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Đồng thời giúp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải phấn đấu trong công tác điều hành mọi hoạt động của nhà trường được tốt hơn, nhằm đưa chất lượng giảng dạy của trường ngày càng đi lên, giúp đào tạo ra những thế hệ học trò ngày càng chăm ngoan, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống, trở thành người công dân tốt…

Nhưng nhìn chung công tác đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Thông tư 29 và Thông báo 630 theo quy trình như trên thì vẫn còn mang tính hình thức là chủ yếu. Dẫn đến kết quả đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hàng năm chưa khách quan, thực chất cho lắm.

Mong ngành GD&ĐT cần thay đổi hình thức, cách đánh giá và xếp loại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để công tác này ngày càng khách quan, thực chất hơn, tránh mang tính hình thức, qua loa chiếu lệ như hiện nay. Đừng để kết quả sau cùng làm cho người được đánh giá và cả người đánh giá cũng cảm thấy áy náy, không hài lòng. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của nước nhà ngày càng phát triển hơn. Đáp ứng mong muốn của tất cả nhân dân cả nước.

Trung Thạnh