Giao phó con cho nhà trường, bố mẹ bù đắp bằng… tiền

(Dân trí) - Phụ huynh bận rộn, thiếu thời gian nên giao phó con cho nhà trường dẫn đến những bất ổn trong việc giáo dục con trẻ. Nhiều bố mẹ vẫn cho rằng con hư tại… nhà trường vì thời gian con ở trường lớp nhiều hơn ở với mình.

Nhiều vấn đề trong giáo dục con trẻ được đề cập tại chuyên đề “Dạy con theo lối nào” dành cho phụ huynh vừa diễn ra diễn ra tại Trường THCS - THPT Đức Trí, TPHCM do PGS. TS Lê Nguyên Phương - Chủ tịch Liên hiệp Phát triển Học đường Thế giới làm báo cáo viên.

Con hư là tại nhà trường?

Quay cuồng với công việc và các mối quan hệ xã hội, rất nhiều phụ huynh có chung tình cảnh kiệt quệ thời gian dành cho con. Thế rồi, họ dùng đến vật chất để thể hiện sự quan tâm đến con, có người còn xem đó như một sự bù đắp cho việc khi thiếu thốn tình cảm của cha mẹ.

Phụ huynh trăn trở về việc giao phó toàn bộ việc dạy con cho trường học
Phụ huynh trăn trở về việc giao phó toàn bộ việc dạy con cho trường học

Tình yêu thương con được nhiều gia đình thể hiện bằng những lần vội vã đi mua sắm cho con bộ quần áo hàng hiệu, những đôi giày đắt tiền. Hay là những ngày cuối tuần, nhiều đứa trẻ xúng xính được bố mẹ dẫn đến những nhà hàng sang trọng, những quán ăn nhanh thời thượng… để rồi có khi cả tuần, cả tháng bố mẹ con cái không có một bữa ăn sum họp gia đình, không kịp hỏi han nhau một lời, thậm chí đâu kịp nhìn thấy mặt nhau.

Ở đô thị, đang có một bộ phận không nhỏ những đứa con quá đầy đủ hoặc dư thừa về vật chất nhưng cô đơn, cô độc và bất ổn về tâm lý, đời sống và hành vi khi thiếu thốn tình cảm của người thân.

Đưa những trăn trở này tới buổi chuyên đề, một ông bố đặt câu hỏi: Việc bố mẹ bù đắp về vật chất cho con và trao trách nhiệm dạy con cho nhà trường có phải là vấn đề đáng báo động hay không?

Bỏi không ít bố mẹ vẫn tự tin với những gì mình đang làm vì con, cho rằng trách nhiệm của mình là đến tháng tiền học phí của con không chậm một khắc, nhà trường thông báo khoản gì đóng ngay không lăn tăn. Họ lo lắng về mặt tiền bạc, về vật chất để không thua kém bạn bè cũng như chuẩn bị sẵn một khối tài sản để lại cho đứa trẻ.

Còn việc dạy dỗ con hàng ngày, thời gian của trẻ ở nhà trường nhiều hơn ở gia đình. Trẻ học hai buổi, có em học bán trú ăn uống luôn tại trường hay theo mô hình nội trú ăn uống ngủ nghỉ nhà trường lo hết nên với nhiều phụ huynh, con hư tại… nhà trường, giáo viên hoặc to tát hơn là tại xã hội.

Đừng chỉ lo cho con chiếc áo đẹp

Trước thực trạng này và cụ thể là trước trăn trở của vị phụ huynh đặt câu hỏi, PGS. TS Lê Nguyên Phương cho hay, đúng là rất nhiều bố mẹ hiện nay tập trung đến việc lo cho con ăn phải ngon, mặc phải đẹp, một năm đi chơi vi vu vài ba lần… là một vấn đề đáng báo động.

TS Lê Nguyên Phương cho rằng cha mẹ Việt đang quá quan tâm đến chiếc áo đẹp, miếng ăn ngon trong việc nuôi dạy con
TS Lê Nguyên Phương cho rằng cha mẹ Việt đang quá quan tâm đến chiếc áo đẹp, miếng ăn ngon trong việc nuôi dạy con

Đừng chê trách nhà trường, đừng chê trách thầy cô vì giáo viên bây giờ còn hàng trăm công việc khác và lương giáo viên chúng ta đều biết là rất thấp thì làm sao có thể phó thác, làm sao lại trao hết gánh nặng trong việc nuôi dạy trẻ cho thầy cô. Thêm nữa, không một ai có thể làm thay vai trò của cha mẹ đối với con.

Theo TS Lê Nguyên Phương, dạy tâm quan trọng hơn dạy thân. Tại sao bố mẹ lại phải quá quan tâm đến việc làm sao để con phải mặc áo quần đẹp hơn, đắt tiền hơn, phải ăn món ngon hơn mà có khi ăn ngon mặc đẹp bây giờ có khi lại lắm hại, lắm bệnh tật hơn. Với chuyện ăn mặc, đứa con chỉ cần đủ, có thiếu chút không sao. Thỉnh thoảng ăn ngon mặc đẹp thì đứa trẻ cần cảm nhận được đây là công khó của bố mẹ bỏ ra”, ông Phương nói.

Thay vì dành thời gian, dồn sức lo cho con khối tài sản về tiền bạc, bố mẹ cần dành thời gian cho đứa trẻ, dành thời gian để học hỏi, để có kiến thức, kỹ năng cho chính mình trong việc dạy con.

Có hai xu hướng trong giáo dục con khá phổ biến hiện nay, một là kèm cặp, nghiêm khắc, hà khắc với con theo lối áp đặt truyền thống bố mẹ nói gì mày phải nhất nhất nghe theo. Và một bộ phận không nhỏ lại chiều chuộng, cung phụng con một cách thái quá tâm lý bù đắp quá khứ, mình trước khổ rồi giờ không để con khổ, mình bị kìm kẹp rồi nhất quyết không kìm kẹp con. Ông Phương cho rằng việc việc thiếu chừng mực, giới hạn, cái gì cũng quá trong việc dạy con, bố mẹ đã gieo khổ đau cho con. Thế nên trước khi dạy con, bố mẹ phải nhận ra chính mình và phải giải phóng cho mình trước.

Một vấn đề mà TS Lê Nguyên Phương quan tâm trong giáo dục con trẻ cả trong gia đình và nhà trường hiện nay là các em còn rất hạn chế trong việc phát triển tư duy. Nhà trường ít chú trọng đến phát triển tư duy học sinh mà nặng về “nhồi nhét” các kiến thức về diện tích, chiều dài, chiều ngang, các số liệu về dân số… toàn những thứ lên mạng tìm cái là ra ngay. Trong khi đầu óc con người là để lý luận, để tư duy chứ không phải để học thuộc, để nhồi nhét.

TS Lê Nguyên Phương tỏ ra tiếc nuối khi nhiều học sinh, sinh viên người Việt học rất giỏi nhưng các bạn lại khó khăn để phát triển vì thiếu tư duy hợp lý, tư duy chiến lược.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)