Đừng để học sinh nghĩ việc học nghề là không cần thiết nữa

(Dân trí) - Trước băn khoăn việc bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ có thể làm các em học sinh sẽ nghĩ việc học nghề không còn cần thiết nữa, nhiều lãnh đạo Sở GD cho rằng, đúng là có thể xảy ra vấn đề này.

Vì vậy, ngành giáo dục cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh, nhà trường và học sinh thấy được ý nghĩa của việc tiếp cận giáo dục nghề nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố và đang lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Trong đó, đáng chú ý là sẽ bỏ quy định cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ giáo viên, phụ huynh và những nhà quản lý giáo dục.


Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố sẽ không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố sẽ không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp.

Tạo động lực để học sinh biết ý nghĩa của học nghề

Đánh giá về chủ trương cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện trong nhiều năm qua, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ cho rằng, đó là chính sách nhằm khuyến khích học sinh tiếp cận với một số nghề nghiệp qua đó giúp các em biết được sở trường cũng như năng khiếu hoặc niềm đam mê ở một số lĩnh vực. Khuyến khích học sinh học nghề phổ thông góp phần thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS. Cộng điểm khuyến khích không phải mục đích của việc dạy học nghề phổ thông.

Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại, điểm cộng khuyến khích dần trở thành mục tiêu chính so với việc tìm hiểu nghề, học nghề của học sinh. Cũng chính vì vậy mà chất lượng giáo dục nghề trong trường phổ thông thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề bất cập. Vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố sẽ không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp.

Trước băn khoăn việc bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ có thể làm các em học sinh sẽ nghĩ việc học nghề không còn cần thiết nữa, bà Thắm cho rằng, đúng là có thể xảy ra vấn đề này. Vì vậy, ngành giáo dục cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh, nhà trường và học sinh thấy được ý nghĩa của việc tiếp cận giáo dục nghề nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, danh mục giáo dục nghề trong nhà trường phải có sức hút, bám sát nhu cầu xã hội. Các địa phương cũng cần quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư về đội ngũ giáo viên dạy nghề. “Nếu chúng ta thực hiện được các việc này, dạy nghề trong trường phổ thông sẽ tự khắc “hút” học trò, các em sẽ tìm học một cách hứng thú chứ không phải học để được cộng điểm như hiện nay” - Bà Thắm cho hay.

Bỏ điểm thi nghề không phải bỏ hết các chính sách ưu tiên khác

Theo ông Lê Ngọc Bữu, Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, việc không cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh lớp 10 là chủ trương hợp lý nhằm tạo sự công bằng trong thi cử.

Cũng giống như thi THPT Quốc gia, các thí sinh đã thi bằng năng lực của mình và kết quả là thực chất, không cộng điểm nghề mà chỉ có chính sách ưu tiên. Thi tuyển vào lớp 10 cũng nên tham khảo và áp dụng theo. Bỏ cộng điểm thi nghề không có nghĩa là bỏ hết các chính sách ưu tiên khác. Vì thế cần phải hiểu tường minh về vấn đề này.

Bỏ cộng điểm thi nghề sẽ giúp các trường THPT tuyển sinh được những học sinh có chất lượng thực chất hơn, đúng với năng lực của các em hơn. Bởi thực tế, cũng đã có những trường hợp vì được cộng điểm này nên đã tìm cách để con em mình có điểm, nhằm tạo "hồ sơ đẹp" cho con.

Điều này đã làm biến tướng mục tiêu của việc dạy - học nghề, thi nghề bậc THCS. Phụ huynh, học sinh học và thi nghề chỉ vì mục đích để được cộng điểm chứ không vì mục đích hướng nghiệp.

Ngoài ra, cộng điểm thi nghề cùng với một số điểm cộng khác sẽ làm khó cho công tác phân luồng sau THCS, bởi hầu hết các em học sinh sẽ tiếp tục học THPT. Do đó, nếu bỏ được cộng điểm thi nghề sẽ góp phần thực hiện công tác phân luồng được tốt hơn. Đồng thời sàng lọc được những học sinh có chất lượng và có khả năng tiếp tục học ở bậc cao hơn.

“Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thẳng, nhìn thật vào thực tế, cái gì không còn phù hợp thì cần điều chỉnh, sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ, đơn cử như cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh lớp 10” - Ông Bữu nhấn mạnh.

Trung Thông