Đại học Luật TP.HCM: Xứng danh trung tâm đào tạo Luật lớn nhất phía Nam
Trải qua chặng đường 20 năm phát triển, Trường Đại học Luật TP.HCM đã và đang khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp luật lớn nhất khu vực phía Nam.
Trường xưa, lớp cũ, ai mà không nhớ. Nhưng với nhiều thế hệ sinh viên của trường Đại học Luật TP.HCM, họ luôn tự hào về cái nôi đào tạo tri thức của mình. Với họ, Đại học Luật TP.HCM là một thương hiệu giáo dục uy tín, chất lượng, nơi “sản sinh” ra nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư đẳng cấp. Thực tế, xã hội cũng đã ghi nhận điều đó!
Đáp ứng yêu cầu đào tạo trong điều kiện mới
Trước khi được thành lập với tên gọi Trường Đại học Luật TP.HCM vào năm 1996, tiền thân của trường đó là 2 cơ sở đào tạo luật: Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM và Khoa Luật – Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường Đại học KHXH&NV – thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM).
Theo đó, ngày 30/3/1996, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 1234/GD-ĐT thành lập Trường Đại học Luật TP.HCM trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM trên cơ sở sát nhập Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM
Ngày 10/10/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 118/2000/QĐ-TTg về việc thay đổi tổ chức của Đại học Quốc gia TP.HCM. Theo Quyết định này, Trường Đại học Luật tách khỏi Đại học Quốc gia TP.HCM thành Trường Đại học Luật TP.HCM trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Trường Đại học Luật TP.HCM có trụ sở chính tại số 2-4 Nguyễn Tất Thành, P.12, Q.4 và cơ sở 2 tại số 123 Quốc lộ 13 P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Trong suốt 20 năm qua, nhà trường đã có những bước phát triển nhanh, mạnh mẽ về quy mô và chất lượng đào tạo, cơ cấu tổ chức ngày càng vững mạnh với lực lượng cán bộ giảng viên liên tục được bổ sung, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo trong điều kiện mới.
Từ 5 chuyên ngành đào tạo chính, 18 bộ môn cấp Khoa, thời gian qua nhà trường đã liên tục phát triển, mở rộng các chuyên ngành đào tạo và các đơn vị chức năng. Đến nay nhà trường có 7 Khoa và 1 Bộ môn trực thuộc với 5 chuyên ngành đào tạo về Luật. Đồng thời, Nhà trường chuyển từ trường đào tạo đơn ngành sang đào tạo đa ngành bằng việc mở thêm ngành và thành lập thêm Khoa Quản trị, Bộ môn Anh văn pháp lý với ngành Quản trị-Luật, Quản trị Kinh doanh và Ngôn ngữ Anh. Quy mô đào tạo hiện nay của Trường là khoảng 8.000 sinh viên hệ chính quy và 10.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học
Đội ngũ cán bộ giảng viên đã phát triển nhanh chóng cả về chất và lượng. Sau 20 năm, số lượng CBGV đã tăng lên gấp 3 lần và số CBGV có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đã tăng lên gấp 17 lần so với năm 1996. Đến tháng 8/2015, Nhà trường có tổng cộng 368 cán bộ, giảng viên với 258 giảng viên và 110 cán bộ quản lý .Trong đó, nhà trường hiện có 1 Giáo sư, 12 Phó giáo sư, 39 Tiến sĩ và 137 thạc sĩ (1 giảng viên cao cấp, 35 giảng viên chính và 221 giảng viên).
Nỗ lực cống hiến để thực hiện thành công sứ mạng cao cả
GS.TS.NGƯT Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, nhà trường nhận thức rằng, đào tạo không chất lượng, không đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu của các ngành kinh tế, quản lý Nhà nước... là lãng phí nguồn lực xã hội và của chính người học. Đối với đơn vị sử dụng lao động, việc sử dụng những sản phẩm giáo dục đại học kém chất lượng không chỉ là sự lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Đối với nhà trường, chất lượng đào tạo chính là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển, uy tín, thương hiệu của Trường trong xu thế cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường giáo dục đại học. Chính vì thế, công tác giáo dục, đào tạo luôn luôn được xem là ưu tiên hàng đầu trong công tác của trường.
Từ triết lý giáo dục đó, 20 năm qua, nhà trường đã từng bước xây dựng chương trình và tiến hành đào tạo luật ở đủ các cấp độ. Nhà trường đã đào tạo hàng chục ngàn cử nhân Luật, hàng ngàn thạc sĩ Luật và nhiều tiến sĩ Luật, góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân sự cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, trường học, văn phòng luật sư…
Tính đến năm 2015, nhà trường đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với trên 20 trường đại học và các tổ chức quốc tế của nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Từ các thỏa thuận hợp tác này, nhà trường và các trường đối tác đã thiết lập các quan hệ hợp tác song phương thông qua những chương trình liên kết đào tạo, các hoạt động trao đổi học thuật, hội thảo quốc tế và các chuyến công tác của các đoàn chuyên gia, giảng viên và sinh viên.
Từ năm 2011 đến nay, nhà trường đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận về hợp tác nghiên cứu mà điển hình là việc tổ chức các hội thảo quốc tế hàng năm với quy mô lớn, chất lượng cao, có sức ảnh hưởng lớn đến giới học thuật trong nước và quốc tế. Hàng loạt các hội thảo quốc tế về góp ý sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992 đã được tổ chức như “Chế định kinh tế và chế định văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992. Những giá trị và nhu cầu sửa đổi, bổ sung”; “Hội nghị giới thiệu Hiến pháp sửa đổi năm 2013”, Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”; Hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”.
Trải qua chặng đường 20 năm phát triển, Trường Đại học Luật TP.HCM đã và đang khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp luật lớn nhất khu vực phía Nam. Với những thành tích đạt được, Trường Đại học Luật TP.HCM, Đoàn trường, Công đoàn Nhà trường đã nhận nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen, danh hiệu khen thưởng xứng đáng của cơ quan Đảng và Nhà nước.
“Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ chính trị của Trường, tập thể lãnh đạo, giảng viên và cán bộ công nhân viên Trường Đại học Luật TP.HCM đã, đang và sẽ đoàn kết, nỗ lực cống hiến để thực hiện thành công sứ mạng cao cả của mình, đúng như nội dung của thông điệp của Trường với xã hội: sáng tri thức, vững công minh”, GS.TS.NGƯT Mai Hồng Quỳ nói.
Công Quang
Chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đại học Luật TP.HCM:
1/ Chạy bộ đồng hành “Đường chạy ULAW”Thời gian: 07h30 – 09h00, ngày 19/3/2016. Địa điểm: Khu Phú Mỹ Hưng, Quận 7.
Đối tượng tham gia: Lãnh đạo Nhà trường, khách mời, sinh viên, cựu sinh viên. Dự kiến 5000 người tham gia.
Nội dung: (Quãng đại chạy từ 3-5km với cung đường: Công viên Cảnh Đồi -> Đường N1 -> Hà Huy Tập -> Nguyễn Cao -> Tôn Dật Tiên -> Công viên Cảnh Đồi).
2/ Ngày hội việc làm – hướng nghiệp – Tư vấn tuyển sinh: ULAW CAREER DAY 2016.
- Thời gian: từ 07h30 – 22h00, ngày 27/3/2016 (Chủ nhật). Địa điểm: Khuôn viên Trường Đại học Luật TP.HCM (cơ sở Bình Triệu), số 123, Quốc lộ 13, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM.
2.1. Tọa đàm chuyên đề “Câu chuyện nghề Luật - Hướng nghiệp, giao lưu với các đơn vị tuyển dụng và các cựu sinh viên thành đạt” theo khối ngành việc làm chiếm tỉ trọng sinh viên làm việc nhiều nhất.
- Buổi sáng (08h-11h30): Câu chuyện nghề Luật số 3:
- Buổi chiều (13h30-16h30): Câu chuyện nghề Luật số 4:
Địa điểm: Hội trường D101.
2.2. Tọa đàm chuyên đề về “Kỹ năng, phương pháp học ngoại ngữ”.
Thời gian: Từ 10h00 – 11h30. Địa điểm: Giảng đường D501.
2.3. Tổ chức cho Cựu sinh viên tham quan trường và bố trí hội trường cho cựu sinh viên giao lưu, họp mặt (nếu có).
Thời gian: cả ngày. Địa điểm: khuôn viên trường tại 2 cơ sở.
2.4. Tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông.
Thời gian: 08h00 – 11h30. Địa điểm: Sân trường và các bàn tư vấn.
2.5. Gian hàng tuyển dụng – Giới thiệu sản phẩm
Thời gian: 08h00 – 12h00. Địa điểm: Sân trường và các bàn giới thiệu.
2.6. Hoạt động Phỏng vấn thử
Thời gian: 13h00 – 17h00.Địa điểm: Giảng đường E 301 – 304.
2.7. Các trò chơi – hoạt động giao lưu tại sân trường
Thời gian: 08h30 – 11h00. Địa điểm: Sân trường.
3. Chương trình Gala gặp mặt giữa Lãnh đạo Nhà trường với các thế hệ cán bộ, giảng viên và đại diện các thế hệ Cựu sinh viên
Thời gian: 16h30 – 20h30. Địa điểm: Sân trường cơ sở Bình Triệu.
4. Hội trại truyền thống “Hội trại ULAW”
Thời gian: Từ ngày 19 – 20/3/2016. Địa điểm: Khu Phú Mỹ Hưng, Quận 7.
5. Triển lãm ảnh “Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh 20 năm hình thành và phát triển”
Thời gian: Từ ngày 25 – 29/3/2016. Địa điểm: Tại 2 cơ sở và Hội trường Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh.
6. Hội thao Chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường
Thời gian: 12 – 20/3/2016.
7. Hội thảo “Đào tạo sau Đại học 20 năm sứ mệnh, thành tựu và phát triển”
Thời gian: 26/3/2016. Địa điểm: Tỉnh Vĩnh Long.
8. Hội thảo “Trường Đại học Luật TP.HCM, 20 năm phát triển và hội nhập”
Thời gian: 28/3/2016. Địa điểm: Cơ sở 2 Nguyễn Tất Thành, Quận 4.
9. Lễ mitting Kỷ niệm 20 năm thành lập Trường, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thời gian: 29/3/2016. Địa điểm: Hội trường Thành Ủy