Bạn đọc viết:

“Con bạn chỉ bé bỏng một thời”

(Dân trí) - “Con bạn chỉ bé bỏng một thời. Và khi cánh cửa cơ hội đó khép lại, chúng sẽ vĩnh viễn đóng chặt…”. Tôi tình cờ đọc những câu chữ ý nghĩa ấy trong một bài viết trên báo Dân trí. Lời nhắn nhủ ấy của nhà cố vấn, nhà văn Robin Sharma có chút nào lay động tâm hồn bạn khi nghĩ về những thiên thần nhỏ của mình?

Một buổi sáng cuối tuần, tôi cùng mấy người bạn đưa bọn trẻ đi nhà sách và dừng chân ở khu vực tô tượng, rải tranh cát. Mấy nhóc tì tầm 4, 5 tuổi mê mẩn ngắm nghía, chọn lựa những bức tượng thạch cao trắng tinh và những bức tranh nhiều đường nét. Rồi cả một thế giởi sắc màu mở ra trong đôi mắt trong veo, tinh khôi, sáng tạo.

Bé con nhà tôi chọn một bức tranh cát về nàng tiên cá giữa đại dương với vài chú cá bơi lội, điểm xuyết thêm san hô, rong rêu, ốc sò. Mặc dù đã định hình màu sắc cho những họa tiết trong tranh nhưng con bé vẫn không ngừng bàn luận cùng mẹ: nàng tiên cá sẽ có màu chủ đạo hồng nhạt hay vàng tươi, nước biển xanh lơ hay sáng tạo một tí thành xanh lá, con ốc không có màu nâu nên thay bằng màu đỏ,…

Những ngón tay bé xíu tỉ mỉ bóc từng mảnh giấy dán, thỉnh thoảng con gái chu miệng nhờ mẹ bóc giúp vì “Miếng này khó quá hà!”. Đôi tay khéo léo cầm chiếc thìa nhỏ xúc cát đủ màu cẩn thận rải vào từng họa tiết. Tiếng xuýt xoa và nụ cười rộn vang không dứt bên trò chơi nhỏ. Rồi cuộc chuyện trò giữa ốc biển và san hô, lời dặn dò của nàng tiên cá, sự rong chơi của mấy chú cá nhỏ… đều được hai mẹ con tưởng tượng và phác họa. Những buổi sáng cuối tuần của chúng tôi đều được dệt bằng những kỷ niệm ý nghĩa, quý giá.

Các em nhỏ đang trang trí cho những bức tranh cát. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Các em nhỏ đang trang trí cho những bức tranh cát. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Đưa con đi chơi, đó là một niềm vui lớn của con trẻ. Nhưng không phải bố mẹ nào cũng sẵn sàng chơi cùng con, hòa mình vào niềm vui thích trẻ thơ.

Đối diện với mẹ con tôi là cô bé khoảng 4 tuổi đang loay hoay với bức tranh cát lấm lem của mình. Cô bé khổ sở bóc từng miếng giấy dán dính liền nhau, vụng về lóng ngóng xúc thìa cát và rải lung tung trên bức tranh. Mẹ cô bé đang ngồi bên cạnh nhưng chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại lướt phây. Mỗi lúc nhì nhèo nhờ sự trợ giúp của mẹ, cô bé ấy chỉ nhận được cái liếc mắt gượng ép và câu trả lời nhát gừng từ mẹ mình.

Ở góc bàn bên kia là một cậu bé tuổi mẫu giáo đang cầm quyển truyện tranh về Bu Bu lật giở từng trang một. Cậu bé liên tục quay sang nhờ mẹ đọc và cũng liên tục nhận được lời hứa hẹn “Tí nữa, mẹ đang nghe điện thoại!”. Một “tí nữa” ấy của người mẹ đã kéo dài gần một tiếng đồng hồ với vài cuộc gọi cho nhiều người bạn. Câu trả lời “Đang chở thằng bé đi chơi” của chị ấy được lặp lại vài lần. Tôi nghĩ đúng là chị ấy đang chở con đi chơi, còn chơi cái gì và thế nào là việc của riêng con!

Giữa cuộc sống hối hả và bộn bề này, người lớn đôi khi mặc định việc kiếm tiền và chu toàn cuộc sống vật chất cho con là trách nhiệm của mình. Vì vậy, lắm lúc người ta bỏ quên, đánh rơi nhiệm vụ chăm lo đời sống tinh thần con trẻ.

Guồng quay công việc cuốn con ngươi đi, đi mãi. Thời gian dành cho con cái ít ỏi, nghèo nàn dần dần. Và khoảng cách giữa bố mẹ cùng con cái cũng lớn dần, đến lúc nào đó chẳng thể lấp đầy.

Chúng ta than vãn bọn trẻ bây giờ khó bảo, khó dạy. Chúng ta tức giận đến điên cuồng trước những lời nói, hành động khác thường, khác người. Chúng ta thở dài bất lực tìm cách kéo cái đầu con ngẩng lên và đôi mắt con rời màn hình di động. Chúng ta trăn trở tìm tiếng nói đồng điệu giữa các thế hệ…

Có bao giờ ta tự nhìn lại mình? Ta đã yêu thương con đúng cách? Ta đã dành bao nhiêu thời gian cho con? Ta biết con cái cần gì nhất ở bố mẹ không? Ta tường tận sở trường và sở đoản của con chưa?...

Hãy nhìn cái cách bố mẹ giao con cho iPad quản, còn mình thì “buôn dưa lê” cùng đám bạn bên tách cà phê! Hãy xem lũ trẻ nỉ non đòi smartphone , bố mẹ nhanh chóng gật để tiện làm việc riêng! Hãy ngắm những bé con chơi với đống đồ hàng đắt tiền một cách im lặng còn bố mẹ say sưa lướt “phây”! Hãy nhìn bàn ăn, mâm cơm gia đình thời hiện đại với những chiếc điện thoại thông minh tích tích liên tục, lấn lướt cả tiếng chuyện trò, hỏi han…

Thế đó, bảo sao trẻ chẳng có thói quen say thế giới ảo, mê trò chơi điện tử?! Bảo sao bố mẹ và con cái ngày càng xa cách, khó gần, chẳng dạy nổi?!

Bởi vậy, những ông bố bà mẹ biết dành thời gian cho con là một điều đáng quý. Nhưng khoảng thời gian đó có thật sự chất lượng không, đó chính là mấu chốt của vấn đề!

Yêu thương chính là dành thời gian cho con, cùng con tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời, vun đắp và làm đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ! Và xin hãy nhớ: “Con bạn chỉ bé bỏng một thời…”.

Thanh Ny

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm