Cô bé mồ côi mơ ước bảo vệ trẻ em vùng cao
Trẻ em vùng cao là nhóm yếu thế, ít được giáo dục giới tính, không có kỹ năng đối phó với nạn xâm hại tình dục… Đó là những lý do mà cô bé mồ côi Chấu Thị Tảo (người dân tộc Mông), học sinh lớp 10 Văn Trường THPT chuyên Lào Cai chọn làm đề tài nghiên cứu khoa học và đạt giải cao.
Dù khó khăn vẫn không gục ngã
Là 1 trong hơn 100 gương mặt học sinh tiêu biểu năm 2015 vừa được Bộ GDĐT vinh danh, em Chấu Thị Tảo ghi dấu ấn nhiều nhất bởi bảng thành tích “khủng” cùng với những dòng trích ngang lý lịch... đẫm nước mắt.
Không những phải nghỉ học, chị em Tảo còn thường xuyên bị mẹ kế đánh đập, chửi mắng. Tảo chia sẻ: “Đó là những ký ức buồn, em không thể nào quên được. Có lần, vì được cho mấy quyển vở mới, 2 chị em hào hứng sang nhà bác gần đó để học. Mẹ kế đi làm về thấy thế đã đánh cho 2 chị em một trận, chị gái còn bị mẹ đánh gãy cả chân”.
Tảo sinh ra ở một xã nghèo thuộc huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhà có 3 chị em. Năm em mới được 2
Tảo là một học sinh nhỏ bé nhưng có nghị lực rất lớn. Dù hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng em luôn lạc quan, mạnh mẽ và có nhận thức cuộc sống sâu sắc hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh - chủ nhiệm lớp 10 văn Trường THPT chuyên Lào Cai
tuổi thì mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo, khi đó em trai dưới Tảo mới được 1 tháng tuổi. Từ đó 3 chị em ở với bà nội và bố, cuộc sống vô cùng khổ sở, thiếu thốn.
Bà nội Tảo hàng ngày phải bế em trai Tảo đi khắp nơi để xin sữa. Ít lâu sau, bố Tảo lấy vợ mới. Tưởng rằng 3 chị em Tảo sẽ được đỡ đần, chăm sóc, nhưng mẹ kế lại không có một chút tình cảm nào với 3 chị em. Thời gian sau đó, mẹ kế bắt chị em Tảo phải nghỉ học để nhà ở làm nương, rẫy. Mỗi ngày, khi các bạn í ới rủ nhau đến trường, Tảo lại ứa nước mắt theo chị lên nương, rẫy để trỉa ngô, cấy lúa, hái rau rừng, nhặt củi…
Đến năm 2007, bố Tảo cũng đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Người mẹ kế bỏ đi, 3 chị em Tảo ở cùng bà nội, cuộc sống khó khăn bữa no, bữa đói. Rất may sau đó, trong một đợt rà soát đối tượng của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai, Tảo và em trai đã được đưa về sống tại trung tâm này (chị gái em vì đã quá 12 tuổi nên không được nhận).
Bé nhưng... “có võ”
Học chậm mất 2 năm so với lứa tuổi, lại không thạo tiếng phổ thông, Tảo đã phải vất vả mất cả một học kỳ mới có thể hòa nhập với các bạn. Nhưng không vì vậy mà em bị tụt lại. Nhờ cố gắng của mình, nhiều năm liền Tảo đã đạt danh hiệu là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 8, Tảo tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học lứa tuổi trung học và đoạt giải Nhì cấp tỉnh. Điều đáng nói, đề tài mà em làm nghiên cứu khá gai góc và động chạm đến vấn đề nhạy cảm ở vùng cao: “Thực trạng và giải pháp vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.
Nói về lý do chọn đề tài “khó nhằn” này để nghiên cứu, Tảo cho biết, em là học sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh sống lại rất khó khăn, nên em hiểu rõ trẻ em ở vùng cao rất thiếu những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước vấn nạn này. Những năm gần đây cũng đã có rất nhiều vụ xâm hại trẻ em vùng cao xảy ra gây nhức nhối dư luận.
Vì mới là học sinh lớp 8 nên Tảo phải nhờ cô giáo giúp đỡ xin tài liệu, số liệu và tiếp cận với các nhóm đối tượng thuộc phạm vi nghiên cứu từ phía công an. Sau nghiên cứu của mình, Tảo đã đưa ra hàng loạt các giải pháp rất thiết thực như: Tăng cường giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh tại trường học; tạo các diễn đàn, tọa đàm, giao lưu với lực lượng công an tại chính trường học để giúp học sinh có cách xử lý khi gặp người lạ, chỉ có một mình, có nguy cơ bị xâm hại… 3 trường trung học ở Lào Cai sau đó đã áp dụng mô hình này rất thành công.
Nhờ cố gắng của mình, năm học vừa qua, Tảo đã đoạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn văn và đỗ vào Trường THPT chuyên Lào Cai – ngôi trường mơ ước của nhiều học sinh trong tỉnh.
Theo Dân Việt