Chuyện về cô giáo lấy tiền túi thưởng cho học trò

(Dân trí) - Nổi tiếng là giáo viên "chịu chơi" vì thường xuyên thưởng tiền cho học trò, cô Dư Thị Lan Hương còn làm học sinh "phát sốt" với rất nhiều chiêu thức hài hước giúp giảm sự căng thẳng trong học tập và cả trong quan hệ thầy trò.

Cô Dư Thị Lan Hương, giáo viên thỉnh giảng, Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TPHCM là người gây sốt cho cộng đồng mạng trong thời gian qua với những chiêu trò thưởng tiền cho học trò. Cô được học sinh ví von là cô giáo giàu nhất hành tinh, "chịu chơi" nhất Vịnh Bắc Bộ... khi thưởng tiền trực tiếp cho học sinh trong nhiều tình huống.

Cô Dư Thị Lan Hương thưởng tiền cho học sinh

Trước kỳ nghỉ Tết năm vừa rồi, màn lì xì "Đừng để tiền rơi" của cô Hương y như thể chương trình "thách thức danh hài". Cô Hương ngồi ở ghế, cầm từng tờ tiền thả tự do trên bàn, học sinh xếp hàng rồi lần lượt "chộp" tờ tiền lì xì cô vừa thả xuống. Em nào bắt được thì xem như được lì xì tờ tiền nào, em nào bắt trượt thì... mất phần. Màn lì xì được chia sẻ với tốc độ "chóng mặt", đưa đến rất nhiều tiếng cười cho người xem.


Cô Lan Hương (ngoài cùng bên phải) cùng học trò.

Cô Lan Hương (ngoài cùng bên phải) cùng học trò.

Có những giờ học, cô Lan Hương thông báo công khai học sinh nào trả lời đúng câu hỏi sẽ được cô thưởng tiền. Hay mới đây nhất, cô Hương lại "bạo tay" thưởng cho học sinh đạt bài kiểm tra từ 6,5 điểm từ 10.000 - 20.000 đồng/bài tùy lớp. Học sinh cười như được mùa nhưng sau đợt thưởng này, nhiều người rỉ tai nhau... cô Lan Hương "phá sản".

Sau những màn thưởng tiền gây sốc, cô Lan Hương "nổi" như cồn trên mạng xã hội, học sinh khắp nơi không khỏi xuýt xoa về cô giáo "nhà người ta". Đổi lại, cô Hương cũng đón nhận không ít phản ứng không đồng tình với việc cô thưởng tiền, cho rằng như vậy là làm hư học trò, phản giáo dục, làm các em nhìn sai lệch về động lực học tập đúng nghĩa.


Cô Dư Thị Lan Hương (bên phải) được học trò gọi là danh hài.

Cô Dư Thị Lan Hương (bên phải) được học trò gọi là "danh hài".

Đón nhận những góp ý nhưng bản thân cô Hương xác định, việc mình làm không thể tất cả mọi người sẽ đồng tình, có cái nhìn, quan điểm giống mình. Chuyện thưởng tiền với cô là để đưa đến niềm vui, không khí tươi vui trong lớp học, quan hệ thầy trò để các em xem việc học một cách nhẹ nhàng hơn.

Hơn nữa, cô đã về hưu, đi thỉnh giảng có đồng ra đồng vào... mà không tiêu bao nhiêu, nhu cầu cuộc sống đơn giản nên cô có chút tài chính san sẻ với học trò.

"Tôi không hợp với sự đạo mạo"

Hơn nữa, thưởng tiền cũng chỉ là bề nổi, gần 35 năm đứng trên bục giảng, cô Hương bày ra rất nhiều chiêu trò trong tương tác với học sinh.

Có những lúc học sinh đi trễ, khi các em bước vào lớp, cô Hương cho cả lớp đứng dậy chào đón cùng hát vang: "Đêm khuya âm u nghe tiếng than...". Có những lúc cảm nhận thấy học sinh bị áp lực học tập, thấy một số em tinh thần uể oải, cô cho cả lớp đứng dậy, cùng hướng về phía cô cùng ca: "Học sinh chứ đâu phải trâu bò mà ngồi học hoài...". Sau đó cả lớp vỡ òa khi cô tuyên bố, hôm nay sẽ không xét bài về nhà, để dành... tiết sau.

Cô Hương cũng bày tỏ, bây giờ học trò không thiếu thốn về vật chất, có điều kiện học tập tốt hơn, vấn đề của các em là ở tinh thần, tâm lý. Vì thế làm sao để các em có thể có thể thoải mái, bộc bạch nỗi lòng để người lớn kịp chia sẻ, ngăn chặn những nông nổi nguy hại của học sinh mới là điều quan trọng nhất.

Cô cũng hay chơi trò chuộc tội cho học sinh. Em nào phạm tội gì đó thì... cứ lẳng lặng vào Facebook của cô âm thầm kể thì được xóa tội rồi lặng lẽ mà sửa sai. Học sinh không bị hoảng loạn, còn giáo viên cũng không phải căng thẳng, buồn rầu.

"Tôi rất hiếm khi mời phụ huynh lên gặp chỉ để "méc tội" các em. Phụ huynh họ bận đã đành nhưng gọi để "méc" thì thường chỉ làm tình hình các bên thêm căng thẳng hơn", cô nói.


Về hưu nhưng vẫn tích cực đi thỉnh giảng tại các trường, cô Hương (bên phải) gom góp tài chính tham gia nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện.

Về hưu nhưng vẫn tích cực đi thỉnh giảng tại các trường, cô Hương (bên phải) gom góp tài chính tham gia nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện.

Cô Lan Hương thừa nhận, mình không hợp với hình ảnh một người thầy gồng mình tỏ ra đạo mạo, nghiêm khắc trước học trò. Cá tính của cô là sự hài hước, sự chân tình, cô được thể hiện đúng con người mình trước học trò. Khi cô trò vui là vui hết cỡ nhưng khi đã vào giờ học cô trò nghiêm túc, hợp tác với nhau.

Cô Dư Thị Lan Hương đã về hưu nhưng vẫn đi "đánh thuê" khắp nơi, lấy tiền thưởng học trò và đặc biệt đã gần 60 tuổi, cô vẫn tràn đầy năng lượng trong các bài giảng, trước học trò và cả trong cuộc sống. Rất dễ bắt gặp cô Hương ngồi nói chuyện với một người bán vé số, đi thăm các bệnh viện, viện dưỡng lão...

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục