Cần tiêu chí sàng lọc chất lượng đào tạo Y - Dược

(Dân trí) - “Chúng ta không phân biệt công tư, các trường đều có quyền đào tạo Y - Dược. Tuy nhiên, đây là ngành đặc biệt, có tác động đến sinh mệnh của một con người. Máy móc sai sót có thể sửa nhưng sai sót với sinh mệnh của con người thì không bao giờ bù đắp được nên càng phải cẩn trọng”.

Trên đây là chia sẻ của một số chuyên gia khi nhận xét về việc điểm chuẩn của các trường Y năm nay chênh lệch nhau quá lớn. Thậm chí cùng ngành Y đa khoa nhưng có những trường chênh nhau đến 9 điểm.

Y khoa là ngành đặc biệt

Nhận xét về việc tại sao từ trước tới nay, điểm chuẩn vào Ngành Y khoa luôn giữ ở mức rất cao, GS. TS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế cho biết, đào tạo ngành Y rất đặc biệt, nhất là Ngành Bác sĩ đa khoa. Vì vậy, điểm chuẩn vào ngành này rất cao.

Trong khi đó, một số trường ngoài công lập lấy điểm chuẩn vào ngành Y khoa quá thấp là không nên. Đồng ý tất cả các trường đều được phép đào tạo nhưng theo GS Thành, phải trên cơ sở đạt được các tiêu chuẩn của một trường Y do đặc trưng đào tạo của trường này rất phức tạp, với 3 khối kiến thức: Khối kiến thức cơ bản; Khối kiến thức Y học cơ sở và Khối Y học lâm sàng. Riêng khối Y học lâm sàng, sinh viên cần cả bệnh viện thực hành để tác nghiệp.

“Do đó, một số trường lấy điểm chuẩn chuyên ngành Y quá thấp thì nên nghĩ lại. Đành rằng trong thi cử, việc các trường có điểm chuẩn chênh nhau một vài điểm là có thể xảy ra. Tuy nhiên, chênh lệch điểm chuẩn chuyên ngành Y- Dược giữa các trường đến hàng chục điểm thì không nên”, GS Thành cho hay.

Giờ thực hành của SV Y khoa
Giờ thực hành của SV Y khoa

Trong suốt cuộc trao đổi, GS nhắc đi nhắc lại nhiều lần với chúng tôi: “Chúng ta không phân biệt công tư, các trường đều có quyền đào tạo. Tuy nhiên, đây là ngành đặc biệt, có tác động đến sinh mệnh của một con người. Máy móc sai sót có thể sửa nhưng sai sót với sinh mệnh của con người thì không bao giờ bù đắp được nên càng phải cẩn trọng”.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều năm qua, những trường như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Huế hoặc ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh... vẫn luôn giữ mức điểm chuẩn nhất định để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.

“Tôi đã từng làm trong ngành Y 30 năm và nhiều năm làm công tác đào tạo. Trong thời gian làm nghề, tôi thấy cùng với đức tính chăm chỉ, những em có điểm đầu vào cao, việc tiếp thu kiến thức rất dễ dàng. Thí dụ một em giỏi toán, giỏi hình học không gian, việc hình dung bộ cơ trong cơ thể người sẽ dễ dàng hơn những em khác.

Những em này, sau khi ra trường, từ việc hành nghề đến tiếp tục đào tạo lên cao ở nước ngoài cũng đều dễ dàng và thành công bởi các em đáp ứng được rất nhiều kĩ năng quan trọng về chuyên môn, ngoại ngữ... Một người có đầu vào tốt, họ ý thức được hành vi và cách tác nghiệp tốt, sẽ hạn chế được sai sót hơn các trường hợp khác”, ông nói.

Sau khi ra trường phải thi chứng chỉ hành nghề

Ngay sau khi câu chuyện về Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ công bố đào tạo Ngành Y và nhiều trường đào tạo tràn lan chuyên ngành này, NGND. PGS TS Trần Quang Phục, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược Hải Phòng khá bất bình.

Ông cho rằng, riêng trong ngành đào tạo Y dược phải được sự thẩm định của ngành y. Đặc biệt là cơ sở thực hành có đảm bảo hay không vì đào tạo ngành y, cơ sở thực hành phải chuẩn. Đấy là chưa nói đến đội ngũ giảng dạy có đáp ứng được hay không.

Ở các trường công lập, phía sau họ có rất nhiều các bệnh viện lớn. Chẳng hạn ĐH Y Hà Nội thì có bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức. ĐH Y dược Thái Bình thì có bệnh viện tỉnh. Vì thế, nhiều người lo ngại, các trường dân lập đào tạo ngành Y, cơ sở thực hành sẽ như thế nào.

Một ca điều trị bệnh nhân
Một ca điều trị bệnh nhân

Một lãnh đạo Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho hay, theo khảo sát trước đây của trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều em loanh quanh 20 điểm cũng không bị tụt lại nếu em đó biết cố gắng. Vì thế, việc lấy điểm đầu vào thấp không thể kết luận em học sinh đó sau này sẽ có đầu ra kém.

Tuy nhiên, chất lượng nhân lực rất ảnh hưởng bởi môi trường đào tạo. Theo lãnh đạo này, chẳng hạn một em có điểm đầu vào chỉ khoảng 7 điểm/môn nhưng biết cố gắng, nhà trường đào tạo tốt, trong 6 năm học họ vẫn đủ năng lực học rất tốt. Tuy nhiên nếu một em có đầu vào cao nhưng trường đào tạo chưa tốt, chưa chắc học sinh đó trở thành được bác sĩ giỏi.

Trả lời câu hỏi hiện nay, nhà nhà đều đào tạo Ngành Dược, trường nào cũng muốn có chuyên ngành đào tạo Y khoa vì ngành “hot”, GS Thành nhận định: Đúng là rất quan ngại. Hiện nay trên thế giới, các trường có đào tạo Y khoa không nhiều, quy định đào tạo ngặt nghèo. Vì thế, các nhà quản lý cần nhìn ra các nước xem họ đào tạo ra sao để đáp ứng phần nào chất lượng đào tạo ngành Y Dược trong nước.

Đáng ra những người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải ý thức được việc tác nghiệp trên cơ thể con người rất nguy hiểm, không hề đơn giản. Nhưng vì đào tạo còn thiếu mà các trường cố lấy đầu vào thấp thì rất nguy hiểm. Nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết họ phải nâng cao đầu vào cũng như chất lượng giảng dạy.

“Tôi nghĩ, hiện nay, nhà nhà đều muốn đào tạo Y khoa nên cần bộ tiêu chí sàng lọc. Trong thời gian tới, mô hình đào tạo Y khoa của Việt Nam sẽ có thay đổi để phù hợp với các nước phát triển. Trong đó, có một điều rất quan trọng là sau khi đào tạo 6 năm ra, các em phải hành nghề 1 năm ở đơn vị nào đó rồi thi chứng chỉ hành nghề quốc gia.

Chứng chỉ này được thiết lập ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Sau đó, các em mới được tiếp tục làm việc. Các em có thể học đâu cũng được nhưng cuối cùng vẫn phải qua cuộc thi này để sàng lọc, nếu không sẽ rất khó”, GS Thành nói.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)