Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng:
Cần đánh giá khách quan công tác triển khai mô hình trường học mới
(Dân trí) - Mô hình trường học mới (VNEN) coi trọng yêu cầu tự học, thể hiện tư duy mới về phương pháp dạy học. Tuy vậy, trong đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 khóa XIV, việc triển khai dự án này trong thời gian qua còn chủ quan, nóng vộị, chưa bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục.
Chưa bám sát thực tiễn địa phương
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí đánh giá của Chính phủ về những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế của việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2011-2012 đến nay và phương hướng chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Mô hình trường học mới coi trọng yêu cầu tự học, tự quản của học sinh, thể hiện tư duy mới về phương pháp dạy học, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của học sinh.
Tuy vậy, việc triển khai dự án trong thời gian qua còn chủ quan, nóng vộị, chưa bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục, chưa giải quyết đầy đủ các yêu cầu cần thiết khi triển khai mô hình như: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, sách giáo khoa và tài liệu học tập, do vậy hiệu quả triển khai mô hình còn hạn chế.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo tổng kết, đánh giá đầy đủ và khách quan công tác triển khai mô hình trường học mới, từ khâu xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện và kết quả đầu ra của dự án; phân tích, đánh giá sâu sắc ưu điểm, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, rút kinh nghiệm, từ đó chắt lọc và phát huy những nhân tố tích cực của mô hình này.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học, rút kinh nghiệm từ việc triển khai mô hình trường học mới để áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến với bước đi và cách thức thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Không ép buộc địa phương triển khai VNEN
Trước đó, trong báo cáo Bộ GD&ĐT vừa gửi Quốc Hội về mô hình trường học mới, sau 03 năm triển khai dự án, Bộ GD&ĐT thừa nhận, đây là mô hình đổi mới giáo dục đồng bộ, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện trong nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai VNEN tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, mặc dù mới triển khai nhưng dự án đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các nhà tài trợ trong nhóm các đối tác phát triển giáo dục tại Việt Nam. Lãnh đạo các địa phương được thụ hưởng Dự án quan tâm đến việc đổi mới giáo dục, ủng hộ và trách nhiệm trong chỉ đạo tổ chức triển khai Dự án.
Tuy nhiên, do thời gian triển khai dự án ngắn, phạm vi triển khai rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước với trình độ quản lý và tổ chức không đồng đều ở các cấp khác nhau nên trong thời gian đầu Dự án gặp phải một số khó khăn nhất định trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục theo Sổ tay hướng dẫn đối với cấp trường.
Mô hình trường học mới phải triển khai đổi mới đồng bộ, trong khi điều kiện áp dụng tại một số trường học ở Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ dẫn tới hiệu quả chưa được như mong muốn.
Việc áp dụng mô hình chưa linh hoạt và chưa phù hợp với điều kiện của một số địa phương; việc triển khai nhân rộng đối với các trường học không thuộc danh sách thụ hưởng của Dự án là chưa phù hợp.
Trên cùng một địa bàn, các trường triển khai mô hình VNEN xen kẽ với các trường không triển khai, một mặt tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa khi trường thực hiện tốt mô hình VNEN, ngược lại sẽ tạo ra dư luận và ảnh hưởng tiêu cực khi trường thực hiện mô hình VNEN gặp trở ngại hoặc không thành công.
Một số cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về mô hình VNEN, việc thực hiện còn lúng túng.
Công tác truyền thông, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh chưa kịp thời, đầy đủ nên chưa tranh thủ được sự ủng hộ, tham gia của chính quyền, cộng đồng và cha mẹ học sinh trong quá trình triển khai.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra 3 giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
Thứ hai, đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Thứ 3, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Mỹ Hà