Cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới

(Dân trí) - Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về những điểm mới trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra xin ý kiến xã hội.


Bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Chương trình được xây dựng theo hướng mở, có lợi cho người học

Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này có nhiều điểm mới, cụ thể dự thảo đã phân rõ ràng giáo dục thành hai giai đoạn cơ bản (giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp); đồng thời thêm một số môn học ở các bậc học. Dự thảo cũng xác định được nhiều mục tiêu, những năng lực, phẩm chất mà học sinh đạt được.

Bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, dự thảo lần này đã xác định được nhiều mục tiêu quan trọng. Chương trình đã xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học và được thể hiện trong quan điểm, mục tiêu, nội dung phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của học sinh. Đánh giá kết quả quá trình học tập của học sinh, và kết quả thi tốt nghiệp phải đánh giá tiến bộ và mức độ đạt được của người học về phẩm chất và năng lực so với mục tiêu giáo dục.

Định hướng phát triển phẩm chất và năng lực đòi hỏi phải đổi mới căn bản cách dạy, cách học. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kĩ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục, trong quá trình đó sẽ rèn luyện năng lực sáng tạo.

Trong Dự thảo lần 2 các nội dung đã xây dựng theo hướng mở. Bên cạnh chương trình quốc gia có dành thời gian cho chương trình của địa phương, điều này là thực tiễn. Cùng với mục tiêu của chương trình phổ thông đã xác định mục tiêu của chương trình cấp học và định hướng xây dựng các chương trình môn học đảm bảo tính chỉnh thể của chương trình.

Một điều rất phải lưu ý, lần này trong tổ chức thực hiện một chương trình sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Bà Tâm Đan cho rằng, chắc chắn sẽ huy động được nhiều tri thức của xã hội, nhiều sáng tạo của các tác giả và đương nhiên chỉ có lợi cho học sinh.

Việc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định hai giai đoạn giáo dục; giáo dục cơ bản bao gồm giáo dục tiểu học và THCS và giáo dục định hướng nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Tâm Đan cho biết, giáo dục cơ bản thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp các kiến thức tạo điều kiện cho học sinh biết huy động kiến thức của nhiều lĩnh vực để thực hiện yêu cầu giáo dục. Điều đó giúp học sinh giải quyết được các kiến thức liên môn, kiến thức trong chương trình không bị trùng lặp và tiết kiệm được thời gian.

“Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp sẽ thực hiện phân hóa sâu hơn tạo điều kiện cho học sinh tập trung học một số môn học phù hợp với nguyện vọng chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp. Sự phân hóa được thực hiện theo phương thức tự chọn. Phương thức này phù hợp vơi xu thế phân hóa của nhiều nền giáo dục trên thế giới” - bà Nguyễn Thị Tâm Đan cho hay.

Chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên để áp dụng chương trình mới

Theo bà Đan, chương trình giáo dục phổ thông lần này kế thừa được những nội dung giáo dục đã được kiểm nghiệm trong thực tế của các chương trình trước đây, đó là cung cấp những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, tăng cường thực hành và nâng cao năng lực vận dụng kiến thức và thực tế cuộc sống.

Theo kế hoạch đã xác định, chương trình sẽ được áp dụng từ năm học 2018 – 2019, thời gian không còn nhiều, trong khi có nhiều việc Bộ GD&ĐT cần phải hoàn thiện. Theo bà Đan, dù sao phải dành thời gian thỏa đáng cho việc biên soạn sách giáo khoa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng. Nhưng cần lưu ý, giữa hai yêu cầu tiến độ và chất lượng thì cần ưu tiên đảm bảo chất lượng chương trình.

Trước câu hỏi có kỳ vọng gì ở phẩm chất, năng lực học sinh sau khi được học chương trình mới, sách giáo khoa mới? Bà Nguyễn Thị Tâm Đan cho biết, chủ trương, đường lối trong xây dựng chương trình đã thể hiện rõ những phẩm chất và năng lực để cần cho học sinh đạt được, nhưng có đạt được hay không hoặc chương trình đưa vào thực tiễn có thành công hay không còn phụ thuộc vào điều kiện thực hiện chương trình có vai trò quyết định.

Bởi theo bà Đan, chương trình tốt chỉ là một điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ để thành công là điều kiện trong tổ chức thực hiện. Những điều kiện đó trực tiếp là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên hiện nay nói về đạt chuẩn có thể vượt chuẩn rất cao, nhưng quan trọng còn ở phương pháp dạy học. Trước đây là truyền thụ kiến thức, rèn luyện kĩ năng, thái độ theo một cách tách rời; nhưng hiện nay yêu cầu phải dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực.

“Tôi cho rằng quan trọng nhất phải bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực thì mới đạt được yêu cầu. Cách dạy trước đây chưa rèn cho học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, thái độ, kĩ năng để thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực.

Chất lượng giáo dục phổ thông trước hết phụ thuộc và trình độ đội ngũ của giáo viên, càng ngày càng đòi hỏi trình độ giáo viên (đạo đức và năng lực) càng cao, vấn đề này hiện nay chúng ta phải quan tâm.

"Nếu chúng ta muốn xây dựng nền giáo dục theo hướng mở, theo chuẩn hóa thì cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học phải được chuẩn hóa và hiện đại. Do đó, khi làm chương trình thì chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở phải làm song song, thậm chí phải làm trước” - bà Nguyễn Thị Tâm Đan khẳng định.

Nhật Xuân