Camera không phải “cây đũa thần” giảm bạo lực học đường
(Dân trí) - Sau sự việc cơ sở mầm non Mầm xanh (quận 12, TP Hồ Chí Minh) bạo hành trẻ em bị đưa ra công luận, nhiều người cho rằng, cần đồng loạt lắp camera trường học để giảm bạo lực. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc lắp camera không phải “cây đũa thần” để giảm bạo lực.
Để giáo viên sợ khi muốn bạo hành
Tại cuộc họp báo ngay sau khi xảy ra vụ việc các giáo viên ở cơ sở mầm non Mầm xanh bạo hành trẻ em, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành ngay việc lắp camera tại các cơ sở mầm non. Trước mắt là vận động sau đó là bắt buộc, song song đó ngành giáo dục xem vướng vấn đề già thì báo cáo lên cấp trên để giải quyết.
“TP sẽ có chỉ đạo lắp camera ở tất cả các điểm giữ trẻ, chỉ có cách đó mới theo dõi được hành vi các cô đối với trẻ. Đây cũng là hình thức răn đe, làm các cô sợ khi muốn bạo hành... vì nhiều người đang theo dõi mình”, bà Thu nhấn mạnh.
Trong thư gửi báo điện tử Dân trí, một độc giả cũng tha thiết mong muốn các cơ sở giáo dục cần lắp camera để giảm tối đa tình trạng bạo lực. Theo độc giả này, trước giờ đã có biết bao vụ như mầm non Mầm xanh, vậy tại sao hiện tượng Mầm xanh vẫn cứ tiếp diễn? bởi tất cả chỉ là đóng cửa mà thôi.
"Có một hành động vô cùng đơn giản, đó là để chấm dứt các trường hợp tương tự Mầm xanh thì chỉ cần lắp vài chiếc camerra tại các phòng học của trẻ em (từ mầm non đến lớp 12)...
Giờ đây việc lắp camera và theo dõi trên điện thoại chỉ mất vài phút. Tốn phí vài triệu đồng. Mỗi lớp, một phụ huynh chỉ tốn chưa đầy 100.000 đồng mà con em mình an toàn tuyệt đối. Vậy mà không ai nghĩ ra. Nếu có nghĩ tới, thì đã có văn bản ngắn gọn, quy định điều kiện mở Mầm xanh là yêu cầu phụ huynh lắp camera và tự theo dõi qua điện thoại mới được cấp phép", phụ huynh này viết.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc lắp camera không phải phương pháp tối ưu trong việc giảm bạo lực học đường, quan trọng chính bản thân giáo viên phải tự ý thức coi trọng nghề nghiệp.
Chỉ là "điều kiện cần", không phải "cây đũa thần"
Là chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, Việt Nam mới ký công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em cũng vừa được ban hành nhưng những vụ việc đáng tiếc này xảy ra khiến bà vừa bất lực, vừa bức xúc.
Theo bà Hồng, các hành động bạo hành sẽ khiến các em bị tổn thương hệ thần kinh một cách khủng khiếp. Lớn lên các con sẽ chậm phát triển, sợ sệt, thu mình lại hoặc có hành vi bạo hành người khác như mình đã từng bị đối xử.
“Có người cho rằng, lắp đặt camera giám sát là an tâm tuyệt đối về trẻ, nhưng tôi thì không cho là vậy. Việc lắp camera không phải là “cây đũa thần” mà chỉ là điều kiện cần để trẻ giảm bớt nguy cơ bị bạo hành mà thôi. Hơn nữa, khi lắp thì phải đảm bảo xem cơ chế hoạt động ra sao, ai giám sát, có thường xuyên và làm nghiêm túc hay không? Tôi nghĩ chính là ở khâu quản lý của chúng ta, các giáo viên phải là những người có tâm với nghề thì mới hạn chế được bạo hành trẻ", bà Hồng nói.
Đồng tình với quan điểm này, GS. VS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng khẳng định với PV Dân trí rằng: Camera không giúp nhiều trong việc giảm bạo lực. Cái chính người thầy cô giáo phải là người nhân hậu, phải là những người mẫu mực trong việc dạy dỗ trẻ em. Việc lắp camera chỉ là biện pháp tức thời, không phải lâu dài.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 30/11, TS. Trì Thị Minh Thúy, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV TPHCM cho biết, việc bạo hành trẻ chắc chắn để lại di chứng về sau. Tùy vào khả năng bật dậy của mỗi người sau mỗi cú sang chấn tâm lý. Do đó, mỗi một tính cách sẽ có khả năng vượt qua sang chấn khác nhau. Có em sau khi bị bạo hành sẽ thu mình lại, tự cho mình là xấu xa và rơi vào “tự kỉ” nhưng có người lại bung ra, phá phách...
Về đề xuất camera có là giải pháp ưu việt trong việc giảm bạo lực học đường, TS Thúy cho rằng, đây không phải là giải pháp tận gốc để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Vấn đề phải nâng cao được dân trí và quan trọng là nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
“Không riêng gì ngành giáo dục mà ở tất cả các nghề, đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng. Do đó, trong các trường ĐH, cần đào tạo đạo đức của các em cho thật tốt thì dù ở đâu, không cần ai quan sát hoặc kiểm soát, không cần camera, các em vẫn chú tâm vào nghề nghiệp.
Khi có thông tin, 2 trong số 3 giáo viên tham gia bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm xanh, tôi cũng rất ngạc nhiên, không hiểu sao cơ sở như vậy vẫn được hoạt động và các cô vẫn được đứng lớp khi không có bằng cấp”, TS Thúy cho biết.
Mỹ Hà