Cà Mau:

Cảm động lớp học tình thương dành cho người lớn và trẻ em chưa biết chữ

(Dân trí) - Lớp học tình thương này chủ yếu là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo,… trong đó có cả những người lớn tuổi và hầu hết chưa biết mặt chữ.

Tại trụ sở cũ khóm 4, phường 1 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có một lớp học tình thương được mở khoảng một tháng qua, với “học sinh” hầu hết là những đối tượng chưa biết mặt chữ, trong đó có cả những người đã ngoài 50 tuổi.

Lớp học tình thương được mở ở trụ sở khóm với nhiều đối tượng học là trẻ em khó khăn, người lao động nghèo,...
Lớp học tình thương được mở ở trụ sở khóm với nhiều đối tượng học là trẻ em khó khăn, người lao động nghèo,...

Cô Đinh Thị Tuyết Mây (giáo viên trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, một giáo viên dạy lớp học tình thương) cho biết, sau khi phường thành lập lớp học, cô tình nguyện tham gia dạy lớp cùng với một số tình nguyện viên khác.

Theo cô Mây, do lớp học có nhiều thành phần, trình độ và khả năng tiếp thu của các học viên không đồng đều nên thời gian đầu việc dạy cũng gặp khó khăn. Trong quá trình dạy phải kiên nhẫn, theo sát từng học viên để rèn viết chữ, tập đọc, làm phép tính,…

“Mục đích chính của lớp học là mong muốn những người học ai cũng biết chữ, đọc được con số, làm phép tính cơ bản,… nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc của mình”, cô Mây cho biết.

Có cả những người lớn tuổi cũng tham gia học.
Có cả những người lớn tuổi cũng tham gia học.

Khi mới mở lớp, một số người học do chưa quen nên bỏ lớp, thì những tình nguyện viên lại phải đi vận động họ học lại. Cứ thế, nhiều người vào học rồi quen dần nên số lượng cũng đông hơn, làm cho không khí lớp học vui thêm.

Hiện nay, lớp học tình thương ở trụ sở khóm có khoảng 25 học viên, học vào tối thứ 2, 4, 6 hàng tuần, trong thời gian từ 18h-20h. Các học viên đều được hỗ trợ viết, tập, sách,… miễn phí.

Một em nhỏ đang nắn nót từng chữ.
Một em nhỏ đang nắn nót từng chữ.

Em Trần Thị Thuận (một học viên) chia sẻ, do hoàn cảnh khó khăn, thường ngày em đi bán vé số phụ gia đình kiếm sống, nên không có điều kiện đi học.

Từ khi lớp học tình thương mở ra, ban ngày em Thuận đi bán vé số, ban đêm thì vào học chữ. “Vào học lớp tình thương này con mới biết chữ, biết đọc, biết viết nên con rất vui”, em Thuận bày tỏ.

Một tình nguyện viên của lớp học cho biết, qua hơn một tháng, đa số học viên đều đã có thể đọc được chữ. Lớp học này có hiệu quả rất thiết thực, từ đó sẽ được nhân rộng để có thêm nhiều người không có điều kiện đến trường vào học.

H.H - L.T

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục