Cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng toàn cầu, giải pháp nào cho Việt Nam?
(Dân trí) - Các chuyên gia giáo dục đến từ Australia cùng những thực tiễn từ đất nước mình đã mang đến bài học kinh nghiệm cho giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình chuyển mình, xây dựng chất lượng và tầm cạnh tranh quốc tế.
Đó là nội dung chính của hội thảo giáo dục "Xây dựng đại học có tính cạnh tranh quốc tế với môi trường nghiên cứu và liên kết doanh nghiệp" do Bộ GD&ĐT Australia phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - thuộc Bộ GD&ĐT tổ chức chiều ngày 21/3 tại Hà Nội.
Giáo sư Jane Den Hollander - Hiệu trưởng ĐH Deakin (Australia) nhấn mạnh, các trường đại học công lập trên toàn thế giới đang đối mặt với những thử thách không nhỏ cùng những thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực giáo dục đại học. Tiêu biểu có thể kể đến sự thay đổi đột phá của những mô hình dạy học mới.
"Các khóa học trực tuyến mở, học trực tuyến quy mô lớn (MOOCs) đã trở thành những yếu tố thay đổi luật chơi... khi cho phép người học tham gia học bất cứ lúc nào 24/7, tự học và là một lựa chọn thay thế miễn phí dành cho sinh viên... Các khóa học này thu hút khoảng 48 tiệu người trên toàn cầu, mang đến cơ hội học tập cho nhiều người - mà đúng ra họ không có cơ hội tham gia vào giáo dục đại học", GS. Jane Den Hollander dẫn chứng.
Kỹ thuật số dần là một điều hiển nhiên trong giáo dục đại học. Sinh viên có thể truy cập vào các tài liệu nguồn mở để tiếp cận những giảng viên tốt nhất/ những tài liệu thú vị nhất trên toàn cầu, trải nghiệm các mô hình hóa học thông qua thực tế ảo 3D dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất.
Nữ giáo sư tại Úc cho rằng, rõ ràng đang có một đấu trường toàn cầu về trí tuệ bởi sự phát triển của nền kinh tế trí thức đòi hỏi một sự phát triển bền vững trong khi chất lượng sinh viên tốt nghiệp không ngừng nâng cao.
Do đó, trong thời điểm này, chúng ta cần phải xem như thế nào được định nghĩa là một trường đại học xếp hạng toàn cầu. Xếp hạng toàn cầu là một phần không thể thiếu của các trường đại học trong việc khẳng định uy tín, thương hiệu.
Không nên thiên lệch về nghiên cứu hay giảng dạy
“Cải thiện thành tích nghiên cứu như thế nào?” - đó là câu hỏi chung của nhiều hiệu trưởng các trường ĐH Việt Nam tại hội thảo trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang trải qua những cải cách quan trọng với trọng tâm là tăng cường quyền tự chủ, thúc đẩy môi trường nghiên cứu và gắn kết với doanh nghiệp.
Thử thách đối với Việt Nam không hề nhỏ khi tuy có không ít người tài nhưng lại bị “chảy máu chất xám” do mức lương chưa cạnh tranh, sự ưu tiên cho nghiên cứu khoa học chưa rõ ràng.
Thảo luận về vấn đề này, chia sẻ kinh nghiệm góc nhìn của người đã giảng dạy ở Australia và 20 quốc gia trên thế giới, GS. Mike Ewing khẳng định, quan trọng nhất vẫn là phải xây dựng văn hóa nghiên cứu ở các trường đại học.
Theo GS. Mike Ewing, có một nghịch lý là hiện nay rất nhiều trường đại học vẫn đang băn khoăn không biết mình nên tập trung vào nghiên cứu hay giảng dạy nhiều hơn. Trong khi đáng nhẽ ra, hai nhiệm vụ này phải được đặt song song, bổ trợ cho nhau.
Vị này chỉ ra một lỗi mà nước Úc đã từng gặp phải trong chiến lược nâng cao xếp hạng quốc tế đó là mô hình phân chia công việc. Mô hình này vô hình trung tạo thành một văn hóa không lành mạnh. Đó là, những người làm nghiên cứu tốt thì giảng dạy ít, xem việc giảng dạy như một hình phạt nếu họ làm nghiên cứu không tốt. Điều này đã khiến sinh viên phải chịu bất lợi khi những người giỏi nhất không phải là thầy giáo.
“Văn hóa học tập phải kết hợp với nghiên cứu và giảng dạy”, GS. Mike Ewing lưu ý.
GS. Mike Ewing chia sẻ bài học kinh nghiệm tăng vị trí trên bảng xếp hạng giáo dục đại học toàn cầu của Australia.
Phát triển một kế hoạch nghiên cứu là rất cần thiết. Một trường đại học không thể tốt hết tất cả mọi thứ, tập trung chuyên sâu vào một số mảng nghiên cứu nhỏ (khi bắt đầu), xây dựng danh tiếng trong nước/ quốc tế trong những lĩnh vực đó.
Đồng thời, đặt ra KPI rõ ràng về nghiên cứu (không quá cao hoặc quá thấp), khuyến khích chất lượng hơn số lượng. Cụ thể, tuân theo một danh sách các tạp chí quốc tế chất lượng cao, KPI quy định chỉ xuất bản trên các tạp chí nằm trong danh sách này.
Thêm đó, khen thưởng những bài báo chất lượng sẽ giúp kích thích động lực, sự tận tâm nghiên cứu của nhà khoa học.
“Thăng chức, giảm giờ dạy cho những ai làm nghiên cứu tích cực, có mô hình khích lệ nghiên cứu… là những hình thức khác nhau của các nước, chỉ hiệu quả đối với cộng đồng học thuật nhất định”, GS. Mike Ewing chia sẻ.
Các trường đại học cũng cần chú trọng nâng cao năng lực của giảng viên. Hỗ trợ các giảng viên hiện tại bằng cách: khuyến khích họ học tiến sỹ, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về phương pháp nghiên cứu, đăng bài như thế nào, cách xin nguồn tài trợ, thiết kế các chương trình hướng dẫn nghiên cứu…
Đặc biệt, để cải thiện vị trí xếp hạng của trường đại học không thể không nhắc đến việc thúc đẩy sự liên kết với doanh nghiệp và khuyến khích hợp tác quốc tế; thiết lập mối quan hệ các bên cùng có lợi với doanh nghiệp, cộng đồng và chính phủ.
Trước những chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia Australia, PGS.TS. Lê Anh Vinh (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết: Chú trọng gắn kết với doanh nghiệp, Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam bước đầu đã mời các doanh nghiệp, các trường đại học ngồi với nhau để đối thoại làm sao có thể thành lập, triển khai các dự án hợp tác thực sự mang lại hiệu quả và lợi ích cho các bên.
Đồng thời, để kết nối trường đại học với doanh nghiệp, hiện các trường đại học Việt Nam có hội đồng trường. Và thành phần hội đồng trường có đại diện doanh nghiệp ngồi vào để góp phần xây dựng, đóng góp ý kiến mang tính thực tiễn về chiến lược phát triển cho nhà trường.
Lệ Thu