Các Sở GD&ĐT có nên đứng ra biên soạn sách giáo khoa?

(Dân trí) - "Bộ chưa thông báo mời nên chưa có danh sách, nhưng chúng tôi được biết hiện đã có khá nhiều đơn vị, cá nhân đăng ký viết sách. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là các cơ quan quản lý nhà nước không đứng ra tổ chức biên soạn, viết SGK bởi các trường trong tỉnh đó gần như không có quyền để lựa chọn bộ sách nào nữa", GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình phổ thông mới cho biết.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa ra ngày 12/4 cho thấy, nó tạo điều kiện cho học sinh được học tập trung những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Với các môn tự chọn bắt buộc, việc đưa ra các môn cho phép các học sinh tự chọn này là hình thức mới, tuy nhiên học sinh có thể tự chọn môn học mình thích.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra lo ngại là các tổ hợp môn học mà các em lựa chọn có quá phân tán và nhà trường liệu có xếp nổi thời khóa biểu”? Ông Thuyết đặt vấn đề.

Về việc này, GS Thuyết cho hay: “Trước khi đưa ra điều này chúng tôi đã điều tra bằng phiếu hỏi với học sinh của 5 trường THPT ở Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên tổng số gần 2.800 em. Kết quả chọn môn của các em có điểm chung, kể cả khi chúng tôi đặt ra ngoài vấn đề thi đại học và theo sở thích thì cũng khá thống nhất. Và môn học nhiều nhất là Toán, Ngoại Ngữ và Ngữ Văn với trên dưới 1 nghìn học sinh chọn lựa. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra trên toàn quốc”.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, hiện nay, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) được giao chủ trì phối hợp cùng một số đơn vị liên quan xây dựng thông tư quy định tiêu chuẩn, tổ chức được phép biên soạn sách giáo khoa, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và tổ chức hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Tuy nhiên đứng trên quan điểm cá nhân, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các Sở Giáo dục và Đào tạo không nên đứng ra tổ chức biên soạn sách giáo khoa vì nếu như vậy các trường học trên địa bàn không có quyền lựa chọn. Nếu 63 Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đăng k‎ý tổ chức biên soạn sách giáo khoa sẽ dẫn đến tình trạng 63 “sứ quân” rất khó kiểm soát.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo không nên đứng ra tổ chức biên soạn sách giáo khoa vì nếu như vậy các trường học trên địa bàn không có quyền lựa chọn (ảnh: Mỹ Hà)
Các Sở Giáo dục và Đào tạo không nên đứng ra tổ chức biên soạn sách giáo khoa vì nếu như vậy các trường học trên địa bàn không có quyền lựa chọn (ảnh: Mỹ Hà)

“Không phải những người trong ban xây dựng chương trình đều sẽ viết bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì. Bởi việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải được tổ chức phụ trách làm sách giáo khoa mời và đủ một số tiêu chí. Các tổ chức cá nhân khác nếu muốn viết sách giáo khoa đều có thể tham gia. Tuy nhiên phải được duyệt bởi Hội đồng thẩm định quốc gia, sau đó mới có thể đưa vào sử dụng.

Sau khi có chương tình tổng thể, sẽ biên soạn chương trình môn học. Trong 1- 2 tháng nữa sẽ đưa ra để các chuyên gia thẩm định nhiều vòng. Chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ khoảng 1-2 tháng nữa sẽ cho công bố trên các phương tiện thông tin thông báo mời các tổ chức, cá nhân đăng ký sách giáo khoa.

Khi đó, các tổ chức cá nhân đó sẽ được thường xuyên liên hệ với ban phát triển chương trình để nắm những thông tin mới nhất về chương trình để chuẩn bị sách giáo khoa. Người viết sách giáo khoa phải có thời gian chuẩn bị khá dài, từ việc nghiên cứu mô hình sách giáo khoa các nước, của chính Việt Nam mới có thể viết được”, GS Thuyết khẳng định.

Cũng theo ông Thuyết, trước mắt sẽ dạy theo hình thức cuốn chiếu chứ không phải ngay lập tức có sách cho 12 lớp. Và khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp đầu cấp đến các lớp ở cấp THPT thì mới thực hiện chủ trương để các trường tự xét tốt nghiệp.

Nói về số lượng đã đăng ký viết sách giáo khoa, ông Thuyết chia sẻ, Bộ chưa thông báo mời nên chưa có danh sách, nhưng chúng tôi được biết hiện đã có khá nhiều đơn vị, cá nhân đăng ký viết sách.

Một lần nữa GS Thuyết cho biết, quan điểm của Bộ GD-ĐT là các cơ quan quản lý nhà nước không đứng ra tổ chức biên soạn, viết sách giáo khoa bởi một Sở GD-ĐT đứng ra biên soạn sách giáo khoa thì các trường trong tỉnh đó gần như không có quyền để lựa chọn bộ sách nào nữa. Và rồi các Sở khác cũng sẽ đăng ký và thành mỗi tỉnh một bộ sách sẽ rất khó thống nhất.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)