Bữa ăn học đường: Đã có bộ thực đơn chuẩn
Bộ Giáo dục & Đào tạo và Viện Dinh dưỡng Quốc gia đánh giá cao tính khoa học, hướng dẫn chi tiết và đảm bảo cung cấp đầy đủ yếu tố dinh dưỡng của 120 thực đơn với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa của học sinh trong Hội nghị triển khai bộ thực đơn này mới đây.
Tiêu chuẩn hóa bữa ăn học đường
Tại Việt Nam hầu hết các trường tiểu học ban đầu được xây dựng với mục đích phục vụ cho giáo dục học sinh và mở rộng thêm phần phục vụ bữa ăn bán trú trước nhu cầu cấp thiết của phụ huynh. Điều này đã khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thực đơn vừa đa dạng, phong phú vừa phù hợp với lứa tuổi học sinh và chi phí thu hàng tháng.
Trong khi đó, tại các nước phát triển, bữa ăn học đường đã được tiêu chuẩn hóa rất cụ thể. Như tại Mỹ, Úc, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng trong ngày được chia đều cho bữa sáng – bữa trưa – bữa tối với các quy định chặt chẽ về đồ ăn bán ở căng-tin (chỉ được bán sữa và nước quả tươi 100%), tỉ lệ protein, chất béo, canxi, sắt… trong bữa trưa tại trường.
Riêng tại Nhật, nơi đã tiêu chuẩn hóa bữa ăn học đường từ năm 1954, bữa ăn của học sinh cần đảm bảo trên 10 loại thực phẩm đồng thời phải kết hợp vối giáo dục thể chất.
Từ những thực tế trên, công ty Ajinomoto Việt Nam đã nghiên cứu và khởi xướng Dự án Bữa ăn học đường vào năm 2012 với mục tiêu “thực hiện trách nhiệm đóng góp cho giáo dục, nuôi dưỡng và đào tạo thế hệ tương lai của đất nước bằng các hoạt động cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho học sinh tiểu học”.
Theo đó, sau 4 năm triển khai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) đã đưa tư vấn chuyên môn sâu sát và hiệu quả để Công ty Ajinomoto Việt Nam phát triển Bộ thực đơn, Bộ Minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” và Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu khuyến nghị cho học sinh tiểu học Việt Nam.
Cụ thể, về tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với học sinh, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia dưỡng chỉ rõ: bữa trưa của học sinh tiểu học cần có trên 10 loại thực phẩm (không bao gồm gia vị), sử dụng nguồn cung cấp chất đạm từ động vật và thực vật và kết hợp nhiều loại rau, củ, quả khác nhau theo tỉ lệ protein – lipid và glucid cân đối; hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn (xúc xích, lạp sườn, giò, chả lụa…). Đặc biệt, tiêu chuẩn này quy định rất rõ hàm lượng muối (<= 2g/học sinh/bữa trưa) và đường (<= 6g/học sinh/bữa trưa).
Còn với bữa phụ, tiêu chuẩn dinh dưỡng chỉ ra sữa (ít đường) và các chế phẩm từ sữa cần là thực phẩm chính.
Đã thẩm định phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng
Dựa trên tiêu chí dinh dưỡng chặt chẽ trên, bằng đội ngũ ẩm thực chuyên nghiêp và đầy nhiệt huyết của mình, Công ty Ajinomoto phát triển Bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng, phù hợp cho từng địa phương với sự hỗ trợ, tư vấn về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia- Bộ Y tế.
Trong 4 năm qua (2012-2016) đã có hơn 440 trường với hơn 320.000 học sinh bán trú tại TPHCM, Đà Nẵng và Hải Phòng đã tham gia và thụ hưởng những lợi ích từ dự án này thông qua các hoạt động thiết thực như giúp học sinh nhận diện, yêu thích các thực phẩm lành mạnh; giúp cán bộ dinh dưỡng của trường tự xây dựng thực đơn trên phần mềm có sẵn, nấu món ăn với sự hỗ trợ của chuyên gia… Đặc biệt, trường tiểu học Trưng Trắc (TPHCM) còn được Công ty Ajinomoto Việt Nam tài trợ xây dựng một bếp ăn bán trú mẫu theo quy trình một chiều trị giá 1,3 tỉ đồng. Ngoài việc dùng cho chế biến món ăn phục vụ cho các em tại trường, bếp mẫu bán trú này cũng là nơi mà nhiều nhà trường đến thăm quan học hỏi để nghiên cứu ứng dụng, góp phần nâng cao vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và tiết kiệm thời gian chế biến và nhân lực.
“Bộ GD&ĐT nhận thấy dự án Bữa ăn học đường, là 1 dự án mới và rất có ý nghĩa cho xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề của ngành giáo dục trong công tác tổ chức bữa ăn bán trú hiện nay”, TS. Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị Triển khai phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng diễn ra tại Hà Nội ngày 15/12.
Cùng quan điểm, đại diện của Sở GD&ĐT TPHCM, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh Sinh viên, đánh giá: “Đây là một chương trình rất sâu sắc và ý nghĩa” bởi đã giúp đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian trong công tác chuẩn bị bữa ăn bán trú cho học sinh; sức khỏe của học sinh được cải thiện; học sinh có sự chuyển biến tích cực trong thói quen dinh dưỡng, có ý thức ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khi ở nhà.
Được biết, trước đó, Bộ GD-ĐT đã khảo sát tình hình công tác bán trú tại các trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố với kết quả 100% các trường đều nhất trí với tính cần thiết phải cải thiện việc lên thực đơn bữa ăn và tập huấn chuyên môn dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho nhân viên nhà bếp….”
“Tôi quyết tâm thực hiện dự án này vì khi triển khai thử nghiệm tại trường, con tôi đã thích ăn rau” một hiệu trưởng trường tiểu học tại Đà Nẵng đã chia sẻ khi nói đến phần mềm xây dựng bữa ăn học đường vừa được Bộ GD-ĐT ký quyết định triển khai trong các nhà trường ở 63 tỉnh, thành vào cuối tháng 10/2016.
Theo dự kiến, Bộ GD&Đ và Công ty Ajinomoto Việt Nam sẽ cấp tài khoản miễn phí cho các trường tiểu học có bếp ăn bán trú trên toàn quốc qua website của dự án Bữa ăn học đường: www.buaanhocduong.com.vn từ tháng 1-2017.
Về phần mềm, Bộ GD& ĐT và Viện Dinh dưỡng quốc gia đã thành lập các hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá về phần mềm từ quy trình khảo sát thực tế, xây dựng dữ liệu làm cơ sở cho thiết kế phần mềm đến đánh giá tính khả thi của phần mềm này. Kết quả thẩm định cho biết phần mềm này rất có giá trị thực tiển và có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước ở các vùng miền có đặc điểm khác nhau.
Đặc biệt, nhiều đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các vùng miền bày tỏ sự cảm ơn đối Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm sâu sát đến tình hình tổ chức bữa ăn bán trú tại các trường và mong muốn Bộ Giáo dục & Đào tạo đẩy nhanh tiến độ triển khai phần mềm này tại các địa phương để nhà trường nhanh chóng đưa vào áp dụng.
Phương Trần