Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn vụ Hà Tĩnh điều giáo viên đi tiếp khách

(Dân trí) - Tiếp tục trả lời chất vấn ngay đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời về những phản ứng của đại biểu Quốc hội trước vụ việc điều giáo viên đi tiếp khách xảy ra ở Hà Tĩnh.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp tục trả lời 19 câu hỏi của đại biểu quốc hội.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Liên quan đến việc các cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh đi tiếp khách gây xôn xao dư luận vừa qua, trong phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Nhạ trả lời: Khi nhận được thông tin, tôi đã trao đổi với đồng chí Chủ tịch và có một công văn với trách nhiệm của Bộ. Tôi cũng đánh giá rất cao khi Chủ tịch có công văn yêu cầu thị xã phải báo cáo, yêu cầu giải thích rõ để xử lý. Đây là vụ việc không chỉ ở một trường ở thị xã Hồng Lĩnh, mà trong thực tế cũng có nhiều trường hợp mà cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc.

“Chúng tôi nghĩ rằng cần rút kinh nghiệm. Để xã hội nóng lên về vấn đề này rõ ràng không được. Linh hoạt thì phải trong chừng mực, nếu linh hoạt mà để xã hội nóng lên như vậy là không được. Trong trường hợp này tôi cũng nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành trong việc bảo vệ quyền lợi của thầy cô và chúng tôi rút kinh nghiệm chủ động. Khi có báo chí phản ánh thì chúng tôi sẽ chủ động làm việc với các đồng chỉ lãnh đạo địa phương và Sở Giáo dục để có các biện pháp hiệu quả” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Trước câu hỏi tranh luận của đại biểu Minh Hiền việc giáo viên đi tiếp khách ở Hà Tĩnh: “Mặc dù Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng lại dùng từ “chỉ vui vẻ thôi”, thì tôi, với góc độ về giới, đặc biệt tôi là một nữ đại biểu, tôi không biết Bộ trưởng có đau lòng hay không nhưng sau sự việc như vậy, tôi thấy mình thực sự đau lòng” – đại biểu Minh Hiền bày tỏ.

Đại biểu Lê Thanh Vân tiếp tục tranh luận: "Bộ trưởng nói cái cái việc mà người ta cưỡng ép giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh đi tiếp khách như vậy, Bộ trưởng nói bảo vệ quyền lợi giáo viên, nhưng nó lại trái ngược với phát ngôn của Bộ trưởng với báo chí trước đó, khi Bộ trưởng cho rằng trước tiên là phải xem lại mình. “Tôi nghĩ rằng chắc chắn giáo viên đau lòng với câu nói đó của Bộ trưởng” - Đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Ngay đầu giờ trả lời phiên chất vấn buổi chiều nay, Bộ trưởng Nhạ giải thích: “Ý của tôi là muốn nhấn mạnh, việc các địa phương điều động giáo viên làm những việc không đúng mục đích, không phù hợp và làm ảnh hưởng đến thời gian công tác chuyên môn là không được và tôi đã có quan điểm trong công văn chỉ đạo Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trong diễn đạt có thể chưa rõ ý về việc “vui vẻ”. Trong khi trao đổi với địa phương, họ cũng viện dẫn lý do đó là những hoạt động về đối ngoại, vui vẻ” – Bộ trưởng Nhạ nói.

“Có thể tôi diễn đạt cũng không được rõ ý. Xin báo cáo các đại biểu thông cảm” – Bộ trưởng Nhạ bày tỏ.

Bộ trưởng Nhạ cũng khẳng định, bình đẳng phụ nữ là một trong những vấn đề ưu tiên lớn trong giáo dục. Tôi đánh giá cao đóng góp của các thầy cô giáo, đặc biệt giáo viên nữ trong sự nghiệp Giáo dục. Bộ GD&ĐT có Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, bản thân tôi cũng tham gia Ban này. Các cô giáo, cán bộ nữ là trụ cột của ngành giáo dục, có đóng góp rất lớn trong sự phát triển, đổi mới của ngành...

Cùng nói về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, gần đây nếu chúng ta không có thái độ kiên quyết thì sẽ có những biểu hiện manh nha khác, ví dụ, chúng ta để ý có một vài cơ quan đến ngày lễ, ngày kỷ niệm yêu cầu cán bộ công nhân viên nữ đứng ra làm tiếp tân, tiếp khách một cách không cần thiết. Phó Thủ tướng Đam yêu cầu cần chấn chỉnh vấn đề này.

Phần lớn học sinh "ngồi nhầm lớp" là ở vùng khó khăn

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã làm việc với các Bộ, ngành và Hội khuyến học Việt Nam, tập trung vào việc xây dựng nền nếp, nâng cao chất lượng. Về câu hỏi chỉ tiêu tuyển sinh và việc làm, theo Bộ trưởng, giải pháp đề ra là tăng cường giải pháp kiểm định, đánh giá chương trình, căn cứ vào đó xét chỉ tiêu; có lộ trình nâng cao đào tạo bậc học tiến sĩ.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Dương Minh Tuấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đề án chương trình, sách giáo khoa, đến thời điểm này có một nền tảng để tiếp tục kế thừa, thực hiện những công việc đã chắc chắn. Đã ban hành 2 thông tư trong tổng số 4 thông tư.

Về vấn đề đào tạo chưa gắn với thực tế, theo Bộ trưởng, để tháo gỡ có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp kết nối tăng cường thông tin doanh nghiệp với trường đại học; chỉ đạo các đơn vị đào tạo mạnh dạn, nhanh chóng chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng điều chỉnh kiến thức hợp lý, tăng cường kỹ năng, đặc biệt kỹ năng chuyên biệt, chuẩn bị kiến thức cơ bản để khi ra thị trường lao động không phải đào tại lại.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Huy Hiệp (Thừa Thiên – Huế), Bộ trưởng nói: “Theo quy định, đào tạo trường công và trường tư là không phân biệt nhưng vì đào tạo ngành Y có tính chất đặc thù cho nên chúng tôi phối hợp với Bộ Y tế. Trước tiên là tạo điều kiện đảm bảo chất lượng; trong đó có thi đầu vào chỉ là một điều kiện thôi vì rõ ràng, quá trình đào tao và đầu ra rất quan trọng. Có trường hợp sinh viên đầu vào điểm rất cao nhưng năng lực học ngành Y trong quá trình đào tạo chưa chắc đã bằng em điểm chưa cao lắm. Cho nên, đầu vào quan trọng chỉ là một. Trong quá trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng phải đảm bảo nghiêm ngặt. Muốn hành nghề tốt phải học thêm. Do vậy, vừa rồi trong Khung hệ thống giáo dục quốc dân và trình độ quốc gia chúng tôi rất chú trọng thời gian đào tạo ngành Y, dược vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khỏe con người.

Về hiện tượng học sinh "ngồi nhầm lớp" ở bậc tiểu học, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có rà soát và thấy phần lớn học sinh "ngồi nhầm lớp" ở vùng khó khăn, trong đó nhiều em khó khăn về Tiếng Việt; nhiều em ngồi nhầm lớp rơi vào trẻ khuyết tật… Một phần, ở một số nơi tình trạng trên xuất phát từ “bệnh thành tích” khi “khoán” số lượng học sinh lên lớp. Cho nên, Bộ đã tạm dừng ban chế quy chế, khung thi đua và sẽ chú ý hơn về các trường hợp các cháu ngồi nhầm lớp do khuyết tật.

“Hội nhập nhưng không có nghĩa các cháu không được tham gia vào chất lượng giáo dục. Chúng tôi sẽ chú ý hơn về các trường hợp này”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Trả lời chất vấn “Quy định dạy học ngoại ngữ là từ lớp 3, sao lại bắt đầu từ lớp 1?” của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: Quan điểm cá nhân tôi, học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, nếu bắt đầu từ lớp 1 thì rất tốt. Bởi theo phân tích, nghiên cứu, các em càng nhỏ thì khả năng học tiếng càng tốt, ở nhiều nước cũng vậy. Tuy nhiên, điều kiện nước ta thì chúng ta chuẩn bị chưa kịp về giáo viên, cơ sở vật chất, tài liệu, nhiều cơ sở sử dụng giáo viên không đủ chuẩn… Nếu mở rộng đến lớp 1 mà chưa chuẩn bị sẽ có khó khăn.

"Quan điểm của cá nhân tôi, học ngoại ngữ phải sớm, từ lớp 1. Hiện nay, Bộ tích cực chuẩn bị, có lộ trình cho các địa phương có điều kiện thí điểm sớm. Song song với đó, phải chuẩn bị đủ giáo viên để khi thực hiện không bị hiện tượng không đồng bộ" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Tổng kết phiên trả lời chất vất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 49 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu có tranh luận lại. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời trực tiếp tại hội trường, ngoài ra Bộ trưởng sẽ có văn bản nội dung trả lời gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn cho thấy giáo dục đào tạo là vấn đề liên quan đến từng gia đình, từng người dân, thể hiện qua số lượng câu hỏi và tranh luận nhiều nhất trong các phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuy mới nhận nhiệm vụ và trả lời chất vấn lần đầu nhưng đã thể hiện nắm rõ tình hình, thực trạng ngành giáo dục, những vấn đề bức xúc thuộc vấn đề ngành quản lý.

Bộ trưởng thẳng thắn trả lời, nhận trách nhiệm về ngành, về cá nhân; làm rõ được vấn đề đại biểu nêu. Tuy nhiên, nội dung một số vấn đề còn dài và cũng chưa thỏa mãn đại biểu thể hiện ở việc tranh luận đi, tranh luận lại nhiều lần. Tuy nhiên, đây là việc bình thường, giáo dục là quốc sách dân tộc nên việc tranh luận để làm sao cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo tốt hơn là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp trong ngành. Đồng thời tham mưu cho Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới căn bản giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo...

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời cảm ơn và chúc mừng tốt đẹp tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các thầy cô giáo, công chức, viên chức đang công tác trong ngành Giáo dục.

Nhóm PV Giáo dục