Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thị sát giáo dục vùng khó khăn

(Dân trí) - Ngày 17/10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới các điểm trường khó khăn của Lào Cai như xã Pa Cheo, Bản Khoang, Tòng Sành… thăm, tìm hiểu về đời sống của giáo viên, học sinh khi thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp.

Tại các trường đến thăm, Bộ trưởng đã lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập, phát triển sự nghiệp giáo dục vùng khó khăn; trực tiếp thăm nắm điều kiện ăn ở của giáo viên, cơ sở vật chất, điều kiện dạy - học của thầy và trò nơi đây.

Đặc biệt, Bộ trưởng quan tâm đến chính sách cho học sinh người dân tộc, con hộ nghèo, học sinh bán trú, nội trú. Tại mỗi trường, Bộ trưởng đã tặng quà và sách vở để nhà trường cải thiện công tác dạy và học.


Bộ trường Phùng Xuân Nhạ với học sinh trường tiểu học Pa Cheo

Bộ trường Phùng Xuân Nhạ với học sinh trường tiểu học Pa Cheo

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, cùng với tăng quy mô giáo dục, đòi hỏi phải có sự thay đổi nhanh và toàn diện về chất lượng giáo dục thì việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2015 – 2020 là nhiệm vụ cơ bản, có tính chiến lược để triển khai thực hiện Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW…

Tại chuyến thăm, làm việc với tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì Hội thảo về việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh và các tỉnh miền núi trong vùng Tây Bắc là Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh trong vùng đã khẳng định công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học những vùng khó khăn để đưa học sinh từ các điểm trường lẻ về trường trung tâm học tập rất hợp lý. Nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng nguồn lực, đầu tư tập trung, không dàn trải; khai thác tối đa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tiết kiệm biên chế, sử dụng hiệu quả đội ngũ; cha mẹ đã nhận thức đúng về sự cần thiết của việc học, nhất là việc đưa con em từ điểm trường lẻ về học ở trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cần thiết ban hành điều lệ trường liên cấp có cấp học mầm non để phù hợp với các tỉnh miền núi, với loại hình trường được hình thành trong công tác quy hoạch, sắp xếp trường lớp học.

Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ cho các tỉnh đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên, nhà nội trú cho học sinh, bếp ăn, công trình nước sạch, công trình vệ sinh… cho các trường PTDTBT, PTDTNT, bổ sung vị trí việc làm, nhân viên y tế, quản sinh, nhân viên nấu ăn trong vị trí việc làm hiện nay… Đặc biệt, Bộ GD&ĐT ưu tiên kinh phí chương trình kiên cố hóa trường, lớp học để các tỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp nhanh chóng, hiệu quả hơn.


Người đứng đầu ngành giáo dục tận tình hỏi thăm học sinh trường Pa cheo

Người đứng đầu ngành giáo dục tận tình hỏi thăm học sinh trường Pa cheo

Trao đổi với báo chí trong chuyến thị sát này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, ngành giáo dục tại nhiều địa phương miền núi khó khăn của cả nước không đủ các điều điều kiện để đảm bảo chất lượng dạy và học. Chính vì vậy các địa phương đang có xu hướng chủ động sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học, điều này rất đáng hoan nghênh nhưng nếu thực hiện không có chiến lược từ Trung ương đến địa phương và có những bước đi phù hợp, bài bản sẽ phá vỡ quy hoạch và dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư. Đặc biệt nhất là trong công tác này là phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và xã hội ủng hộ chủ trương quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, tích cực đưa con em mình đến trường.


Bộ trưởng với học sinh trường PTDTNT THCS vàTHPT huyện Sa Pa

Bộ trưởng với học sinh trường PTDTNT THCS vàTHPT huyện Sa Pa

Bộ trưởng Nhạ cho hay, Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến công tác quy hoạch lại mạng lưới trường lớp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Bộ khảo sát thực tế nhằm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, giáo viên và người dân. Tìm hiểu xem đời sống nội trú của các cháu, đời sống của giáo viên xa nhà còn có khó khăn gì để tháo gỡ cho giáo viên yên tâm công tác, học sinh yên tâm học tập.

"Bộ sẽ có những chính sách thiết thực hơn để sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách đối với giáo dục vùng khó nói chung thực tế hơn, gần với điều kiện dạy và học hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường" - người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.


Bộ trưởng thăm bếp ăn học sinh trường Pa Cheo

Bộ trưởng thăm bếp ăn học sinh trường Pa Cheo

Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ cũng sẽ triển khai công tác giáo dục vùng khó khăn một cách linh hoạt, bài bản, bám sát thực tế của các địa phương để nâng cao tính khả thi. Qua đó để người dân, các tổ chức cá nhân có tấm lòng hảo tâm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thông qua chủ trương này của Bộ, của Chính phủ nhằm tập hợp nguồn lực hợp pháp cùng với trung ương xây dựng được hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường nào ra trường ấy, có điều kiện thật tốt cho việc dạy học, ăn ở của thầy và trò.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “Tránh tình trạng làm ào ào, mạnh địa phương nào, địa phương đó làm, phá vỡ chủ trương, quy hoạch của Bộ, của trung ương, đồng thời không tranh thủ được sự đồng thuận của người dân gây bức xúc trong xã hội như một số địa phương đã làm trong thời gian vừa qua. Những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách vượt thẩm quyền , Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu, trình thủ tướng để có những chính sách phù hợp hơn.


Bộ trưởng cùng dự tiết mục học hát của học sinh trường mầm non Bản Khoang

Bộ trưởng cùng dự tiết mục học hát của học sinh trường mầm non Bản Khoang


Học sinh Trường TH Pa Chao (huyện Bát Xát) trong hoạt động giáo dục ngoài trời

Học sinh Trường TH Pa Chao (huyện Bát Xát) trong hoạt động giáo dục ngoài trời

Hồng Hạnh