Bỏ điểm sàn đại học: Có rút "ống thở" của trường cao đẳng?
(Dân trí) - Việc Bộ GD&ĐT công bố trong dự thảo Quy chế tuyển sinh là sẽ bỏ điểm sàn đại học đã gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến đồng tình với việc này nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng sẽ gây khó khăn, thậm chí rút "ống thở" của trường cao đẳng.
Học sinh sẽ lao vào học đại học
Qui định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Vì thế dự thảo qui chế năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ qui định điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường qui định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của trường. Như vậy, quy định về điểm sàn đại học hàng năm sẽ không còn nữa.
Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch hội đồng quản trị Trường CĐ ASEAN cho rằng, hiện nay, các trường CĐ vừa chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang gặp khó khăn rồi thì Bộ GD&ĐT lại công bố tuyển sinh 2017 sẽ bỏ điểm sàn đại học. Như vậy học sinh sẽ lao vào đại học chứ không vào cao đẳng để học.
“Các trường CĐ như chúng tôi đã bị bộ cắt thức ăn, rút ống thở thì làm sao tồn tại? Trường CĐ sắp bị tiêu hủy. Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại vấn đề này” - bà Phương nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng trường CĐ Quốc tế TPHCM cho rằng: “Mấy năm gần đây, tình hình tuyển sinh CĐ, trung cấp (TC) ngày càng khó. Lí do không phải tại bản thân các trường mà xuất phát từ chính cơ chế chính sách mà Bộ GD- ĐT đưa ra.
Bộ GD đã quá ưu ái cho các trường ĐH khi chỉ tiêu càng lúc càng phình ra trong khi đó việc xét đầu vào ngày dễ. Các năm trước còn có chút rào cản là điểm “sàn” nhưng theo dự thảo quy chế năm 2017 đưa ra thì hoàn toàn không còn rào cản nào và gần như 100% thí sinh đều sẽ vào ĐH, như thế chẳng khác nào giết chết các trường CĐ, TC”.
Về phía trường đại học dân lập, thông cảm với các trường cao đẳng, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng băn khoăn, với quy định bỏ điểm sàn của Bộ như vậy thì cao đẳng sẽ lấy ở mức độ nào?
Theo ông Nghị, nếu bỏ điểm sàn, có thể thực hiện phân luồng, học sinh lớp 9, lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT có thể vào thẳng cao đẳng để học. Đó là thực hiện phân tầng vì các em ở vùng khó khăn không có điều kiện học lên phổ thông. Có thể sau khi tốt nghiệp cao đẳng, các em có điều kiện thì tiếp tục học lên đại học vì hiện nay chúng ta đang khuyến khích học suốt đời.
Bỏ điểm sàn: Nên có phương án mở!
Tán đồng với việc bỏ điểm sàn, GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho hay, nên áp dụng như tất cả các nước: có bằng Trung học phổ thông thì có quyền đăng ký học Đại học.
"Bỏ “điểm sàn” vì điểm sàn bất lợi cho thanh niên các dân tộc thiểu số và thanh niên các vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long. Các trường phải thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo của mình và mức học phí thỏa đáng" - GS Trần Phương nói.
Ông Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT cho rằng, quyết định bỏ điểm sàn là quyết định đúng. Bởi có nhiều loại trường đại học, đào tạo nhiều loại nhân lực khác nhau, thì yêu cầu đầu vào khác nhau. Nếu muốn tuyển chất lượng thế nào, các trường tự quy định điều kiện
Lý giải việc bỏ điểm sàn, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hai năm nay, Bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT. Trên thực tế các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này.
Năm 2016 mặc dù Bộ có qui định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu.
Điều này cho thấy thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường, không phải vào đại học bất kỳ trường nào. Vì thế không phải các trường cứ hạ điểm điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ngược lại việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, càng khiến cho thí sinh quay lưng.
Thứ trưởng Ga cho rằng, cùng với dự kiến bỏ điểm sàn, năm nay Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, việc bỏ điểm sàn là thách thức rất lớn đối với các trường top dưới và trường ngoài công lập khi xét tuyển, đặc biệt là với trường cao đẳng và đề nghị cần có phương án mở khi bỏ điểm sàn.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, không nên quy định điểm sàn cho tất cả các trường.
Nhật Hồng