3 đề thi “mở” gây sóng dư luận

(Dân trí) - Việc một số nghệ sĩ trẻ được đưa vào đề thi trong năm qua, khiến dư luận “nổi sóng”. Nhiều người cho rằng, những giá trị "tầm phào", những "tẹp nhẹp vô nghĩa lý" của đời sống showbiz lại được khuếch trương trong những đề thi, đề kiểm tra chính thức ở các trường phổ thông, thậm chí trường đại học thì hoàn toàn không xứng đáng.

Chi Pu vào đề thi

Sau khi bất ngờ xuất hiện trong đề thi môn Tài chính ngân hàng, nghệ sĩ Chi Pu lại tiếp tục xuất hiện trong đề kiểm tra môn Ngữ văn của trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ.

Đề thi yêu cầu học sinh, hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”.

Ngay sau khi đề thi này được đưa lên mạng xã hội, nhiều bạn đọc đã tranh cãi gay gắt. Giới chuyên môn cũng có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn cho rằng, đề thi không mang tính giáo dục cao.

Chi Pu vào đề thi Văn
Chi Pu vào đề thi Văn

TS Văn học Phạm Hữu Cường cho biết, đề Văn liên quan đến Chi Pu có những ưu điểm nhất định. Nó giúp cho học sinh có khả năng hóa thân, tưởng tượng vào nhân vật để bày tỏ quan điểm và suy nghĩ riêng của mình, kích thích khả năng sáng tạo của các em.

Tuy nhiên về mặt sư phạm cũng như về chuyên môn, đề thi này còn nhiều hạn chế như: Tính giáo dục không cao, nhất là khi liên quan đến việc các nghệ sĩ “ném đá” nhau. Do đó, nó có tác động không tốt về mặt giáo dục với các em.

Thứ hai, không nên để các em học sinh quan tâm đến những lùm xùm trong giới showbiz vì không phù hợp với lứa tuổi của các em.

Thứ ba, việc ra đề Văn, ngoài kích thích được trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của các em, về mặt giáo dục cũng như tính sư phạm, chúng ta hoàn toàn có thể ra những đề thi với các hiện tượng tích cực hơn của đời sống.

“Đề Văn mở là cần thiết và mang tính tích cực nhưng mở cũng phải trong giới hạn, không nên quá rộng, không phù hợp lứa tuổi hoặc những vấn đề có tính giáo dục không cao”, TS Cường nói.

Nhận xét về đề thi này trên trang cá nhân, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ Văn Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đề bài nói riêng và những tri thức cung cấp cho học sinh nói chung phải gần gũi với hiện thực cuộc sống.

Đó là những hiện thực tinh lọc, có giá trị nâng cao năng lực thẩm mỹ, hướng tới mục đích nhận thức, giáo dục nhân cách cho học sinh chứ không phải nhặt nhạnh mọi thứ hiện thực xô bồ, thậm chí rẻ tiền... mang vào học đường. Do đó, cô rất thất vọng khi có giáo viên ra đề thi như thế này.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một trong những giáo viên luyện thi lâu năm cũng trăn trở, nhiều người cảm thấy sốc, thấy ngỡ ngàng và hoang mang khi thấy những giá trị Chân - Thiện - Mỹ truyền thống và được thừa nhận bấy lâu nay bị lớp "hậu sinh" mang ra "xét lại" và bị làm cho méo mó dưới lăng kính hời hợt, dung tục, tầm thường...

Trong khi đó, những giá trị "tầm phào", những "tẹp nhẹp vô nghĩa lý" của đời sống showbiz lại được khuếch trương trong những đề thi, đề kiểm tra chính thức ở các trường phổ thông, thậm chí trường đại học khiến nhiều người cũng sửng sốt không kém.

“Lạc trôi” của Sơn Tùng vào đề Văn

Đề thi Khảo sát chất lượng THPT Quốc gia lần 3 năm học 2016-2017 môn Ngữ Văn 11 của trường THPT chuyên Vĩnh Phúc vừa yêu cầu học sinh đưa ra thông điệp của bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP.

Ca khúc Lạc trôi vào đề thi Ngữ Văn lớp 11 của THPT chuyên Vĩnh Phúc
Ca khúc "Lạc trôi" vào đề thi Ngữ Văn lớp 11 của THPT chuyên Vĩnh Phúc

Một số người cho rằng, việc đưa một bài hát như “Lạc trôi” vào đề Văn khiến đề ngày càng chạy theo trào lưu. Cái gì cũng nên có giới hạn. “Lạc trôi sử dụng từ ngữ hay có sức gợi tả. Nhưng về tầng ý nghĩa thì hầu như không có gì. Đem nó ra làm hình mẫu cho giáo dục là không tương xứng”, độc giả Ngọc Giàu (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Một học sinh trao đổi sau khi làm bài thi: “Ngồi mãi vẫn không đúc rút được thông điệp của bài hát, khổ thật”.

Được biết, bài hát “Lạc trôi” được phát hành đúng 0h ngày 1/1/2017. Chỉ sau gần 24 giờ, video đạt 4 triệu lượt xem trên kênh Youtube. Đến 4/1, Lạc trôi đạt 13,5 triệu lượt xem.

Đề xuất chuyển đổi tiếng Việt vào đề thi

Sau đề thi Văn của Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang), cuối năm 2017, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) tiếp tục đưa đề xuất chuyển đổi “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” vào đề thi môn Ngữ Văn.

Cô Trần Phương Loan - Tổ phó tổ Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, người trực tiếp ra đề thi này cho hay: “Đây là đề thi học kì I dành cho học sinh khối 12 của trường”.


Đề xuất chuyển đổi tiếng Việt vào đề thi.

Đề xuất chuyển đổi tiếng Việt vào đề thi.

Cô cũng khẳng định, đề thi này hoàn toàn đúng với quy định của Bộ GD&ĐT về việc ra đề thi phải giúp học sinh phát huy năng lực nhận thức và kĩ năng, hoàn toàn không phải để phản đối đề xuất chuyển đổi Tiếng Việt hay có ý gì khác.

“Đây là câu nghị luận xã hội nên tôi chọn vấn đề xã hội mà học sinh đang quan tâm để các con trình bày chính kiến của mình sau khi đã sàng lọc thông tin. Khi đưa vào bài, các con phải có cách nhìn vấn đề đúng đắn và đa chiều”, cô Loan nói.

Trả lời câu hỏi, theo PGS Hiền, khi đưa một vấn đề mà các em chưa thực sự thấu đáo vào đề thi, sẽ khiến học sinh có cái nhìn thiếu tích cực? Cô Loan cho hay, thực ra các ý kiến trên mạng rất đa chiều. Các em phải sàng lọc thông tin để có cái nhìn khách quan nhất.

Mỹ Hà