Tục lệ cúng ông Công ông Táo của người miền Trung
(Dân trí) - Đều thường lấy ngày 23 tháng Chạp âm lịch bày mâm lễ cúng ông Công ông Táo nhưng mỗi miền Bắc, Trung, Nam có những tục lệ riêng. Nếu như lễ cúng ông Công ông Táo miền Bắc nhất định phải có cá chép, miền Nam có “cò bay, ngựa chạy” thì người miền Trung có tục lệ thay tượng ông Táo bà Táo.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở miền Trung cũng giống như các nơi ở chỗ có gà luộc, hành muối, bánh chưng, nem chả... Nhưng ở đây cũng có những tục lệ riêng. Nếu như ở miền Bắc, mọi người có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo từ ngày 20 tháng Chạp đến 12h trưa 23 tháng Chạp âm lịch, thì ở miền Trung chỉ có một ngày là 23 tháng Chạp âm lịch.
Tượng ông Táo bà Táo làm bằng đất nung ở làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) hoặc tượng mạ sắc vàng của làng nghề xứ Huế không thể thiếu trong tục lệ cúng ông Công ông Táo ở miền Trung. Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người dân tiễn tượng cũ trên bàn thờ ông Táo, thường mang đến đặt ở gốc cây cổ thụ hay các miếu đầu làng, đầu xóm, và thay tượng mới trên bàn thờ.
Ở một số nơi như ở Thừa Thiên Huế hay Hội An (Quảng Nam), bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, người dân bắt đầu dựng cây nêu ở đầu làng, đầu xóm hay ở các đình, chùa. Những cây nêu vì thế cũng báo hiệu một mùa Tết cổ truyền bắt đầu từ ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, tâu bày với thiên đình những chuyện gia đạo của từng nhà trong một năm vừa qua.
Cũng vào ngày này, người dân miền Trung bắt đầu thắp hương hàng ngày trên bàn thờ tổ tiên; còn thường ngày thì để đèn dầu trên bàn thờ ông Táo đặt ở vị trí trên cao trong gian bếp.
Tâm An