Tết ông Công - ông Táo - nét đẹp độc đáo trong văn hóa của người Việt

(Dân trí) - Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng chạp (tức 23/12 âm lịch), mọi gia đình Việt Nam đều làm tết Ông Công - Ông Táo. Đây được coi là "sự kiện" quan trọng mở đầu cho mỗi mùa lễ Tết cổ truyền.

Đây là một phong tục thuần Việt có từ thời Vua Hùng dựng nước, được truyền lại qua nhiều thế hệ và giữ gìn đến hôm nay. Hình ảnh Táo Quân - "Hai ông một bà"là truyền thuyết của người Việt đã có hàng ngàn năm trước và được lưu truyền trong dân gian và trong Văn hoá Việt được lưu lại qua câu chuyện sau:

Thị Nhị có chồng là Trọng Cao, hai người đã sống với nhau rất lâu mà không có con, nên sinh buồn phiền và cải cọ nhau. Một hôm người chồng là Trọng Cao giận vợ và đánh vợ. Thị Nhị vì quá bức xúc và tức tối đã bỏ nhà ra đi và sau đó Thị Nhị đã gặp và bằng lòng lấy Phạm Lang làm chồng. Sau khi hết tức giận vợ Trọng Cao biết mình có lỗi và quyết định ra đi tìm vợ, qua nhiều ngày dòng dã lương thảo và tiền bạc cũng hết, Trọng Cao phải đi ăn xin và cuộc đời đã đưa Trọng Cao tới nhà Thị Nhị. Hai người đã nhận ra nhau Thị Nhị đã đón tiếp Trọng Cao chu tất sau bao ngày tình nghĩa vợ chồng xa cách. Thị Nhị cũng tỏ ra rất ân hận khi bỏ nhà ra đi và đã trót lấy Pham Lang làm chồng.


Tranh dân gian Đông Hồ ông Công ông Táo

Tranh dân gian Đông Hồ ông Công ông Táo

Khi Phạm Lang trở về nhà, Thị Nhị sợ Phạm Lang bắt gặp Trọng Cao trong nhà thì rất khó giải thích, vì thế Thị Nhị đã bày cho Trọng Cao trốn vào đống rơm ngoài vườn. Sáng sớm hôm sau Phạm Lang dậy sớm và đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng.Trọng Cao không dám chui ra nên bị thiêu cháy, Thị Nhị trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết cháy do sự bày đặt của mình nên cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết cùng Trọng Cao. Phạm Lang quá bất ngờ trước tình cảnh như vậy, thấy vợ chết cháy không biết tính sao cũng liền nhảy vào đống rơm đang cháy chết theo cùng vợ.

Câu chuyện đó được đến tai Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng rất cảm kích trước mối tình chân tình của chuyện tình (hai ông một bà) và Ngọc Hoàng đã cho phép họ ở bên nhau mãi mãi và cho họ hoá thành ba Vua bếp hay chiếc kiềng ba chân ở nơi bếp của người Việt Xưa và cũng từ đó ba người được phong chức Táo Quân trông coi và giữa lửa cho mọi gia đình, đồng thời cũng có nhiệm vụ trông nom phẩm hạnh và sự lành dữ của con người. Táo Quân thường gọi là Táo Công là vị thần bảo vệ và chăm sóc cho cuộc sống gia đình và được thờ ở nơi nhà bếp và được gọi cái tên khác là Vua Bếp.

Vì thế cứ đến ngày 23 tháng chạp (tức 23/12 âm lịch) hàng năm Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo với Ngọc Hoàng mọi việc dưới hạ giới sau một năm cho đến giao thừa Táo Quân mới trở lại Hạ giới tiếp tục công việc của mình.

Táo Quân (Vua Bếp) quanh năm ở trong bếp cho nên việc gì trong nhân gian Táo Quân đều nắm rất tỏ tường, nên hàng năm ngày Táo Quân về bẩm báo Ngọc Hoàng được tổ chức rất trọng thể.Người ta thường mua 2 mũ Ông Táo và 1 mũ dành cho Táo Bà và 3 Bộ quần áo bằng giấy cùng vàng mã và một mâm cỗ tiễn Ông Công-Ông Táo về trời mọi việc cúng lễ và đốt vàng mã xong trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.Sau khi cúng xong cá chép sống cũng được thả (phóng sinh) ra sông Hồ để mong sao cho may mắn vào năm tới.

Văn hoá thờ cúng và tín ngưỡng của người Việt có rất nhiều phong tục hay và có ý nghĩa được lưu truyền trong dân gian trong đó tết cúng tiến Ông Công-Ông Táo về trời vào 23 tháng Chạp hàng năm, mà mỗi gia đình người Việt cần hiểu và gìn giữ như một nét đẹp văn hoá độc đáo của nước nhà.


Bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo, ảnh: Đại Dương

Bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo, ảnh: Đại Dương

Đức Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm