Sóc Trăng:

Quán cơm 2.000 đồng ấm lòng người nghèo

(Dân trí) - Mấy tháng nay, nhiều người nghèo ở Sóc Trăng rất vui khi đến quán cơm từ thiện do anh Trương Văn Dũng (51 tuổi, quê huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) làm chủ, để được ăn những phần cơm ngon, canh nóng, với giá chỉ... 2.000 đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Trương Văn Dũng cho biết: Trải qua cuộc sống vất vả, nên sau này làm ăn khá thành công, anh rất thấu hiểu, cảm thông đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, anh mong muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ cho người lao động nghèo.

Khi biết anh Dũng có ý tưởng đó, một người anh trong gia đình gợi ý cho anh Dũng mở quán cơm từ thiện, giúp người nghèo có bữa cơm ăn ấm bụng. Vậy là, quán cơm 2.000 đồng được ra đời.

Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến ăn tại quán cơm 2.000 đồng.
Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến ăn tại quán cơm 2.000 đồng.

Sau khi có ý tưởng, anh Dũng đã tìm mua một phần đất cặp quốc lộ 1 (thuộc ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), nơi có Khu công nghiệp An Nghiệp của tỉnh với hàng ngàn người lao động nghèo,… để mở quán cơm từ thiện.

Giữa tháng 7/2017, quán cơm 2.000 đồng của anh Dũng đi vào hoạt động và đến nay đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người lao động nghèo. Trước mắt, quán phục vụ vào các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần, với mỗi bữa cơm khoảng 100 suất.

Để có bữa cơm ngon, đảm bảo hợp vệ sinh, từ sáng sớm, người nhà anh Dũng đã đi chợ mua nguyên liệu, sau đó mỗi người mỗi việc cùng nhau nấu nướng cho đến khoảng 10h trưa là có cơm cho bà con. Mỗi bữa cơm thường gồm 3 món là canh, xào và mặn, kèm nước uống.

Tất bật chuẩn bị những bữa cơm ngon để phục vụ người nghèo.
Tất bật chuẩn bị những bữa cơm ngon để phục vụ người nghèo.

Anh Dũng nói: “Khi mở quán, chúng tôi cũng thông báo cho bà con biết bắt đầu phục vụ từ 10h, nhưng có bữa mới hơn 9h đã có người đến ăn cơm nên chúng tôi phục vụ luôn cho bà con. Người đến ăn cơm là người nghèo, người bán vé số, người chạy xe ôm, là công nhân khu công nghiệp, trẻ mồ côi, người ăn xin,…; còn người phục vụ là người nhà và một số chị em ở gần nơi tôi mở quán cơm”.

Nói về công việc của mình, chị Trần Ngọc Bích (người phục vụ tình nguyện cho quán cơm) cho biết: “Mặc dù công việc khá bận rộn, nhưng chúng tôi rất vui vẻ vì mình được đóng góp một phần công sức giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Người khá giả thì ủng hộ vật chất, còn mình không có điều kiện vật chất thì ủng hộ bằng ngày công”.

Người của quán đang phụ một cụ già dùng cơm.
Người của quán đang phụ một cụ già dùng cơm.

Bà Lý Thị Huệ (92 tuổi, nhà ở phường 2, TP Sóc Trăng) có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, con cái đi làm thuê ở Bình Dương, còn bà ở nhà một mình với công việc ăn xin. Khi mở quán, bà là khách thường xuyên của quán, nhưng chủ yếu là anh Dũng mời bà ăn chứ không phải mua vé 2.000 đồng như người khác.

Còn ông Lý Thế Hùng (58 tuổi, quê ở huyện Trần Đề tỉnh Sóc Trăng) thì cho biết: “Tôi chạy xe ôm, mỗi ngày chỉ được khoảng trên dưới 50.000 đồng, trừ tiền xăng còn lại chừng vài ba chục ngàn. Nếu ăn cơm bụi cũng phải từ 15.000-20.000 đồng/bữa cơm. Ban đầu tôi chưa biết quán của chú Dũng, sau này nghe anh em chạy xe ôm giới thiệu nên tôi ra đây ăn cơm. Mỗi phần cơm 2.000 đồng đã giúp tôi có bữa ăn ngon, hợp vệ sinh và tiết kiệm được chi phí phần nào để lo cho gia đình”.

Anh Dũng cũng đôi lúc vào phụ bếp để có những món ăn ngon nhất.
Anh Dũng cũng đôi lúc vào phụ bếp để có những món ăn ngon nhất.

Nói về việc mỗi phần cơm chỉ 2.000 đồng, anh Trương Văn Dũng cho biết: “Mỗi suất ăn 2.000 đồng nên không tính chuyện lời lỗ gì. Đây là tình cảm chúng tôi dành cho người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nếu cho không thì chắc chắn nhiều người sẽ không dám ghé vào ăn nhiều lần vì họ có lòng tự trọng.

Vì thế, chúng tôi để giá 2.000 đồng để mọi người vào ăn được thoải mái và hiểu rằng phải có tiền, dù ít, mới có cơm ăn. Để từ đó bà con phấn đấu làm ăn cho cuộc sống khá hơn lên”.

Anh Dũng chia sẻ thêm: “Mở được quán cơm là vui rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn lo là làm sao có được nguồn kinh phí duy trì đều đặn thường xuyên bữa ăn cho người nghèo và tiến tới nấu phục vụ cho bà con trong tất cả các ngày trong tháng. Hiện nay cũng đã có một số nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ nhưng chắc chắn cần nhiều người ủng hộ hơn nữa để nồi cơm nhiều hơn, phục vụ đông người hơn”.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm