Nghệ An:

Đền, chùa Gám đón Bằng bảo trợ UNESCO Việt Nam

(Dân trí) - Sáng 30/3 , xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) phối hợp với trụ trì chùa Chí Linh tổ chức khai lễ đền, chùa Gám năm 2018 và đón Bằng bảo trợ của UNESCO Việt Nam.

Toàn cảnh đền, chùa Gám trong ngày khai hội.
Toàn cảnh đền, chùa Gám trong ngày khai hội.

Tham dự Lễ có đại diện Sở Văn hóa - Thể thao, lãnh đạo huyện Yên Thành cùng đông đảo tăng ni, phật tử và hàng ngàn du khách thập phương... .

Di tích lịch sử văn hoá đền, chùa Gám nằm trong quần thể Khu du lịch tâm linh sinh thái rú Gám, một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo mang tính độc đáo của huyện Yên Thành, (Nghệ An).

Chùa được xây dựng vào thời Trần thuộc phái Trúc Lâm, thờ Phật Thích Ca mâu ni và các chư vị Bồ Tát. Đền là nơi thờ các vị thiên thần, nhân thần có công bảo quốc hộ dân.

yt4

Rất đông du khách đã về trẩy hội.

Hàng năm, từ ngày 13 - 15/2 Âm lịch, địa phương tổ chức lễ hội truyền thống, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước trong quần chúng nhân dân.

Với những giá trị văn hóa lịch sử to lớn, cụm di tích đền - chùa Gám đã từng được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2007.

Khai hội đền chùa Gám năm 2018, cụm di tích đền chùa Gám đã vinh dự được đón nhận bằng Bảo trợ UNESCO của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam.

yt2

Đại diện Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam trao Bằng Bảo trợ Unesco cho trụ trì đền - chùa Gám.

Lễ hội Đền - chùa Gám năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29/3 đến hết ngày 31/3 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng Hai năm Mậu Tuất) với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần, lễ đại tế, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, đập niêu, cờ người...) thi đấu thể thao, biểu diễn tuồng, chèo cổ... Lễ rước thần từ đền - chùa Gám lên đền Rú Gám và trở về với sự tham gia của hàng nghìn du khách là điểm nhấn quan trọng của lễ hội.

Một màn đánh cờ truyền thống thu hút nhiều du khách.
Một màn đánh cờ truyền thống thu hút nhiều du khách.

Việc Di tích lịch sử văn hoá đền, chùa Gám được UNESCO Việt Nam trao Bằng bảo trợ có nhiều ý nghĩa, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp và quảng bá di tích, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

Nguyễn Tú