Giải pháp hút vốn vào nông nghiệp:
Bài 1: “Vo véo” đồng vốn đầu tư công trong nông nghiệp
Hiện đầu tư công cho lĩnh vực nông lâm thủy sản vẫn còn thấp và có xu hướng giảm về tỷ trọng đầu tư. Trong thời gian tới cần có giải pháp đột phá để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này, đặc biệt là thông qua hình thức liên kết công tư (PPP).
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2004 – 2013, tổng vốn đầu tư của nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng hơn 718.000 tỷ đồng, bằng 48,5% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước. Riêng vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2009 – 2013 đạt khoảng 520.490 tỷ đồng, tăng gấp 2,62 lần so với 5 năm trước.
Tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý giai đoạn 2006 – 2014 là khoảng 33.522 tỷ đồng. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư các công trình thủy lợi do Bộ quản lý trong giai đoạn này vào khoảng 36.096 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52% nguồn vốn đầu tư qua Bộ. Đây được coi là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho ngành nông nghiệp, đầu tư vào nhiều dự án thủy lợi quy mô lớn, cấp bách ở miền Trung, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, nhận định: Nhìn chung trong giai đoạn 2006 – 2010, đầu tư cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng nhưng tỷ trọng đầu tư còn có sự chênh lệch lớn. Thủy lợi đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư lớn (chiếm tới 81,4%) trong khi đầu tư cho các lĩnh vực trực tiếp sản xuất còn thấp như nông nghiệp chiếm 5,6%, lâm nghiệp chiếm 3,4% và thủy sản chiếm 2,9%. Giai đoạn 2011 – 2014, cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực cũng mới bước đầu được điều chỉnh theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư cho ngành thủy lợi và tăng tỷ trọng đầu tư cho các ngành trực tiếp sản xuất.
Trong khi đó, theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, vốn đầu tư ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn được chính phủ phê duyệt, vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp (bao gồm cả thủy lợi) là khoảng 239.400 tỷ đồng cho giai đoạn 2011 – 2015. Đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 là 480.000 tỷ đồng , gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước, đáp ứng được khoảng 66% so với nhu cầu đầu tư. Việc đầu tư cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư thông qua Bộ và tăng phân cấp về cho các địa phương.
Trong thời gian tới, nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào các hạng mục thủy lợi chính, các công trình đầu mối và kênh mương chính, còn kênh mương nội đồng thì kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp và đóng góp của người dân.
Bà Nguyễn Thị Hồng nhận xét: “Rõ ràng đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành NN&PTNT. Vì thế, Chính phủ và ngành NN&PTNT đang nỗ lực thực hiện các chính sách thu hút đầu tư tư nhân từ các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là thông qua hình thức PPP trong nông nghiệp để thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào ngành.”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Đưa PPP vào nông nghiệp chính là chìa khóa để giải bài toán nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, tận dụng lợi thế về vốn, trình độ, năng lực quản trị và cả thế mạnh về chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng như Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp”.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp Nông thôn (IFSARD) nhấn mạnh: “Vai trò của doanh nghiệp ngày càng quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Doanh nghiệp là lực lượng trực tiếp đưa dòng vốn tư nhân vào nông nghiệp, mở ra cánh cửa phát triển trình độ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả đầu tư cho Ngành. Phát huy hình thức đầu tư đối tác công tư trong nông nghiệp đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế sẽ giúp nâng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp lên cao”.
Nhằm tạo một sân chơi cho các DN đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT, đồng thời bàn các giải pháp để cùng phối hợp thực hiện các dự án đầu tư vào lĩnh vực này đạt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Viện IPSARD phối hợp với một số đơn vị liên quan thành lập Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn vào ngày 27/12/2014.
Đến nay, các nhóm ngành như cà phê, chè, thủy sản, trái cây và rau củ, hàng hóa (ngô và các loại gia vị) và tài chính vi mô đều nhận được mối quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua mô hình PPP, các dự án nông nghiệp sẽ có tính bền vững cao như nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, gia tăng chuỗi giá trị để đạt được các mục tiêu chung, tăng thu nhập của nông dân. Đây là cách làm rất đúng hướng nhằm thu hút đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ và quản lý nông nghiệp, mở rộng thị trường nông sản và kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
N.A