Trường học trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0

(Dân trí) - Trước cuộc cách mạng khoa học 4.0, công nghệ thông tin (CNTT) đã phát huy thế mạnh và ngày càng hữu hiệu ở nhiều lĩnh vực. Với trường học, việc ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập đang được các cấp quản lý giáo dục lưu tâm và bước đầu phát huy hiệu quả.

Điều cần thiết của việc ứng dụng CNTT trong trường học

Trước đây, khi CNTT chưa được đưa vào trường học, mọi khâu soạn giảng, lưu trữ hồ sơ, công văn báo cáo... đều “thủ công” rất vất vả. Việc soạn bài của giáo viên đều viết tay. Khâu lưu trữ hồ sơ cũng gặp không ít phiền phức. Để lưu lại hồ sơ 5 năm của học sinh theo quy định cần có tủ bảo lưu, mà với hàng nghìn học sinh mỗi năm, nên thường được bó lại và gác 1 chỗ, dẫn đến thất thoát do mối mọt. Bên cạnh đó, chế độ công văn báo cáo đều phải trực tiếp hoặc qua đường bưu điện nhiều khi bất tiện, tốn kém thời gian và công sức. Việc xếp thời khóa biểu và làm điểm đều thủ công nên rất mất thời gian và thiếu chính xác.

Xu thế chung của thời đại Công nghệ 4.0 đã đưa ứng dụng CNTT vào nhiều lĩnh vực. Chỉ cần một cú nhấp chuột, hoặc thao tác trên điện thoại thông minh, người ta có thể hoàn tất nhiều công đoạn thủ tục mà trước đây phái mất hàng tuần, có khi hàng tháng (gửi thư). Trong xu thế hội nhập hiện nay, ngành giáo dục cũng không ngoại lệ. Việc đưa những phần mềm ứng dụng CNTT vào trường học phục vụ cho quản lý, giảng dạy và học tập là rất cần thiết.

Hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong trường học

Từ khi đưa CNTT vào trường học, ngành giáo dục đã thu được kết quả khả quan. Trong công tác quản lý: các cuộc họp giao ban trực tuyến bước đầu đã được triển khai, tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại. Việc duy trì chế độ công văn báo cáo qua mạng vừa chính xác nhanh chóng kịp thời.

Nhiều phần mềm quản lý đã được đưa vào các cơ sở giáo dục như phần mềm Quản lý kết quả rèn luyện học tập học sinh; Quản lý thi nghề (đối với khối THCS và THPT); Quản lý xét tốt nghiệp, thi vào lớp 10 (với khối THCS), thi tốt nghiệp (với khối THPT). Những phần mềm này rất hữu hiệu trong khâu lưu trữ hồ sơ học sinh, có thể tra cứu bất cứ lúc nào. Người quản lý nắm được hồ sơ trích ngang của từng em trong toàn khóa học, có thể lưu trữ làm dữ liệu nhiều năm để tra cứu khi cần thiết. Ngoài ra còn một số phần mềm khác như phần mềm xếp thời khóa biểu; xếp danh sách thứ tự học sinh; tính điểm trung bình và xếp loại học sinh... cũng được vận dụng hiệu quả,

CNTT đặc biệt phát huy hiệu quả ở hệ thống sổ liên lạc điện tử. Trước đây sổ liên lạc bằng giấy, giáo viên chỉ nhận xét học trò 2 lần 1 năm theo học kỳ. Phần nhận xét ấy cũng chỉ gồm nội dung tương tự như học bạ (nghĩa là nhận xét 4 mặt giáo dục, mấy “gạch đầu dòng” về ý thức rèn luyện trong học kỳ ấy). Từ khi đưa sổ liên lạc điện tử dưới dạng tin nhắn điện thoại vào trường học, giáo viên có thể trao đổi với phụ huynh học sinh tình hình học tập của con em họ, cập nhật rất kịp thời. Những ý thức kỷ luật trong lớp, thái độ học tập của con cũng như thành tích phấn đấu đều được thông báo kịp thời đến bố mẹ các em, tạo mối liên kết hai chiều giữa gia đình và nhà trường, để có biện pháp giáo dục kịp thời. Người viết bài này đã từng gặp trường hợp một học sinh đến giờ học mà vẫn chưa tới lớp, lập tức nhắn tin trên hệ thống liên lạc điện tử nhắc nhở. Kết quả là sau 10 phút học sinh đó có mặt, lý do là ngủ quên, khi bố mẹ nhận được tin nhắn điện tử mới gọi con dậy đi học.

Trong giảng dạy: nhiều giáo viên đã sử dụng giáo án điện tử lên lớp khiến học sinh hứng thú học tập hơn. Giáo án điện tử ở nhiều cấp độ sẽ giúp mọi thế hệ giáo viên sử dụng được. Bài giảng điện tử PowerPoint có khả năng tích hợp đa phương tiện gồm phim video, hình ảnh, âm thanh ... hỗ trợ cho giờ giảng thêm sinh động, gây hứng thú cho học sinh. Gần đây, loại bài giảng E-learning được khuyến khích đưa vào hệ thống giảng dạy ứng dụng CNTT. Đây là bài giảng có tích hợp đa phương tiện gồm phim video, hình ảnh, đồ họa, hoạt hình, âm thanh sinh động, gây hứng thú cho cả người dạy và người học.

Đặc biệt, hai năm gần đây, ngành giáo dục đã đưa phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào các trường học. Từ khi áp dụng, cha mẹ học sinh có thể ngồi nhà, dùng điện thoại thông minh đăng ký tuyển sinh cho con mình vào một trường thích hợp mà không cần phải đến trường, xếp hàng chờ chực cả buổi với một đống hồ sơ giấy tờ phức tạp.

Những khó khăn ban đầu

Với những hữu ích của CNTT như đã nêu trên, việc ứng dụng CNTT vào các cơ sở giáo dục là cần thiết, nhưng để thực hiện đồng bộ thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Đội ngũ giáo viên chưa thạo CNTT vẫn còn nhiều, kỹ năng soạn giảng chưa thuần thục dẫn đến việc ngại dạy học ứng dụng CNTT, nhiều người khi lên lớp vẫn chọn phương pháp thuyết trình truyền thống. Mặt khác, đội ngũ giáo viên, nhân viên chuyên trách về tin học chưa đủ. (Riêng Hà Nội mới chỉ đưa việc dạy tin học vào khối Tiểu học và cũng chỉ dạy được từ lớp 3). Bên cạnh đó, ở các trường phổ thông, các phòng chức năng có máy chiếu còn quá ít, thiết bị chưa đồng bộ. Việc thao tác sử dụng máy chiếu, máy tính của giáo viên vẫn còn yếu, nhất là khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó còn những khó khăn như phụ huynh chưa tương tác kịp thời để quản lý con. Phần mềm tuyển sinh trực tuyến rất ưu việt, song hệ thống chưa hoàn thiện nên nhiều lúc còn nghẽn mạng, gây khó khăn cho khâu nhập liệu.

Một khó khăn nữa là việc học tin học còn bất cập. Hiện nay học sinh chỉ được học tin học ở bậc tiểu học và THPT, còn THCS, theo đề án vị trí việc làm không có biên chế giáo viên nên không thể dạy. Ở những trường có triển khai thì phải thuê giáo viên ngoài và lấy nguồn kinh phí tự nguyện từ phụ huỵnh đóng góp, nên số lượng đi học không nhiều. Chưa kể đến hệ thống máy tính hoặc cũ, hoặc có bổ sung nhưng không đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong việc ứng dụng CNTT trong nhà trường.

Giải pháp nào ?

Để CNTT phát huy hiệu quả trong trường học, cần có những giải pháp kịp thời, đồng bộ.

Trong công tác quản lý, nên tăng cường họp giao ban trực tuyến. Đẩy mạnh sử dụng các phần mềm quản lý kết quả rèn luyện học tập học sinh; phần mềm xét tốt nghiệp, thi nghề, thi vào 10, quản lý điểm thường xuyên. Các phần mềm xếp thời khóa biểu; tính điểm trung bình và xếp loại học sinh cũng cần sớm hoàn thiện để đạt hiệu quả cao.

Với giáo viên, từng bước đưa vào giảng dạy bằng cách tổ chức các chuyên đề hướng dẫn cách soạn bài trên máy tính thay thế cho giáo án viết tay. Yêu cầu giáo viên tùy trình độ của mình soạn theo 3 cấp độ: Giáo án Word điện tử, bài giảng PowerPoint, bài giảng E-learning. Với giáo viên “lớp trước” cần động viên họ ở mức độ đơn giản nhất là soạn và dạy giáo án Word điện tử. Các giáo viên dưới 35 tuổi nên sử dụng kiểu bài phổ biến nhất là Power Point. Những giáo viên có trình độ tin học cao cần khuyến khích soạn giảng E-learning. Đặc biệt đối với các giờ thực hành mà thời gian và điều kiện không cho phép làm thật trên lớp, việc đưa thí nghiệm ảo minh họa cho bài giảng giúp học sinh hình dung tốt hơn.

Với các cơ quan chức năng: cần sớm đưa việc dạy tin học cho học sinh THCS vào chính khóa, tạo cơ chế về tuyển giáo viên tin học cho bậc THCS. Nếu chính thức đưa chương trình tin học vào chính khóa ở khối THCS (giống như khối Tiểu học và THPT hiện nay) thì học sinh sẽ được học liên tục, không gián đoạn, CNTT mới phát huy hết hiệu quả.

Cùng với việc đón “luồng gió mới” tích cực của cách mạng 4.0, trường học cũng là nơi định hướng giúp học sinh thanh lọc những “làn gió độc” do mặt trái của CNTT mang lại. Các thầy cô cũng cần hướng dẫn học sinh việc truy cập thông tin chắt lọc, hiệu quả, phục vụ cho học tập: Việc sử dụng Facebook sao cho lành mạnh, văn hóa; việc đăng thông tin lên mạng xã hội cũng cần chọn lựa cân nhắc, tuân thủ pháp luật hiện hành. Để làm tốt điều này, thầy cô cần phải giỏi CNTT cũng như nắm bắt được xu thế thời đại về khoa học công nghệ, đặc biệt trào lưu của lớp trẻ.

Trước cuộc cách mạng khoa học 4.0, CNTT đã phát huy thế mạnh và ngày càng hữu hiệu ở nhiều lĩnh vực. Với trường học, việc ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập đang được các cấp quản lý giáo dục lưu tâm và bước đầu phát huy hiệu quả. Để CNTT ngày càng phát huy thế mạnh trong các nhà trường, bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu của các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh, rất cầm sự chung tay góp sức của các cấp ngành và toàn xã hội. Có như vậy việc hội nhập bắt kịp cuộc cách mạng 4.0 mới thực sự hiệu quả.

Nguyễn Thị Diệp