Những ai đã “băm nát” quy hoạch

Những dấu hiệu các nhóm lợi ích chi phối việc thay đổi quy hoạch khiến biến một số khu đô thị bị “dị dạng”. Vậy nhưng, chưa một ai “băm nát” quy hoạch bị kỷ luật.


: 12 tòa cao ốc 40 tầng đã “mọc” lên quỹ đất công cộng 4 ha ở đầu bán đảo Linh Đàm

: 12 tòa cao ốc 40 tầng đã “mọc” lên quỹ đất công cộng 4 ha ở đầu bán đảo Linh Đàm

Không được ai can thiệp quy hoạch, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết, lẽ ra là yêu cầu tất yếu. Nhưng, không ít địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, việc lạm dụng thay đổi quy hoạch diễn ra không ít và rất trầm trọng.

Điều đáng chú ý là, việc thay đổi quy hoạch diễn ra hầu hết theo hướng các quỹ đất công cộng, cây xanh bị biến thành các cao ốc. Dù rằng, khi thay đổi quy hoạch chi tiết các dự án, các lý do đưa ra đều “tốt đẹp” và “đúng quy trình”.

Gần đây nhất, đầu năm 2018, nói chuyện với các cán bộ hưu trí, tân bí thứ thành ủy Trương Quang Nghĩa phải nhấn mạnh: "Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch đất đai, đô thị có rất nhiều vấn đề. Có hiện tượng ban đầu qui hoạch rất đẹp nhưng sau đó bị băm nát. Quy hoạch ban đầu có công viên cây xanh nhưng sau đó lại bị xẻ ra làm việc khác. Vì vậy, bây giờ tất cả các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt thì không ai được phép can thiệp."

Không phải ngẫu nhiên mới về nhậm chức ở đây ông Nghĩa đã phải nhấn mạnh đến chuyện quy hoạch – một trong những điểm khiến Đà Nẵng nổi lên là thành phố đáng sống. Nhưng sau đó, bán đảo Sơn Trà – không chỉ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở đây, mà nó còn có vị trí quân sự đặc biệt nhậy cảm – đã bị “băm nát” kinh hoàng.

Tuy nhiên, so với Hà Nội, Đà Nẵng vẫn “thua điểm” trong việc “băm nát” quy hoạch. Đầu năm 2017, ngày 5.1, làm việc với Sở Quy hoạch kiến trúc, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung phải thốt lên: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch “băm nát” Hà Nội. Vừa qua, có những khu đất 5 - 7ha cũng băm ra cho 2 - 3 chủ đầu tư”.

Nhưng, không chỉ bị “băm nát” do “chia phần” mà nguy hại hơn là, nó bị “băm nát” bởi việc mượn danh điều chỉnh quy hoạch để … phá quy hoạch. Chẳng hạn “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” (Hà Nội) vốn lúc đầu là một khu được quy hoạch tổng thể tốt, hài hòa và xứng đáng là kiểu mẫu, nhưng sau vài lần thay đổi quy hoạch, nhiều khu đất công cộng đã biến thành các tòa chung cư cao ngất trời. Điển hình, quỹ đất công cộng rộng hơn 4 ha ở đầu bán đảo Linh Đàm đã bị biến thành 12 tòa chung cư cao 40 tầng. Hậu quả, hiện nhiều hộ dân có điều kiện đang “tháo chạy” khỏi khu “ổ chuột” đang bị quá tải trầm trọng cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Chỉ vậy thôi, đã cho thấy, những người đã ký quyết định thay đổi quy hoạch không phải là “băm nát” mà là “nghiền nát” quy hoạch tệ hại như thế nào.

Nói thẳng băng điều này, đó là những dấu hiệu cho thấy, các nhóm lợi ích chi phối việc thay đổi quy hoạch khiến khu đô thị kiểu mẫu thành “dị dạng”. Vậy nhưng, chưa một ai “băm nát” quy hoạch kiểu này bị kỷ luật. Dư luận tin rằng, rồi cũng đến lúc, Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ “sờ gáy” những nhân vật này.

Vương Hà