Góc nhìn chuyên gia
Nghĩ về tương trợ xã hội và từ thiện
Tương trợ và từ thiện không đủ để cho dân tình sống tốt. Cái cần bây giờ là phải tranh đấu loại trừ từng yếu tố một trong danh sách cần cho sức khỏe xã hội của dân tình.
Sau khi đọc phần đầu của bài này, hai bạn đọc hỏi tôi có bao giờ “làm” từ thiện hay không. Tôi có thể kín đáo, bào vệ cuộc sống riêng tư và giữ im lặng. Nhưng bạn đọc đã hỏi thì xin trả lời rằng “có” – những hành động âm thầm như đại đa số những người làm “công tác” thiện nguyện. Trừ một lần, có lên báo chí, dù không muốn…
http://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/tam-long-dang-tran-trong-cua-mot-tri-thuc-kieu-bao-1307768379.htm
Khái niệm tương trợ là một trong những chữ đầu tiên mà Durkheim dùng. Người với người sống trong xã hội thì tương trợ là điều dĩ nhiên, là điều cần thiết cho trường tồn và cho sinh hoạt thuận hòa của xã hội. Tương trợ đi cùng với chất keo xã hội, gắn liền các thành nhân với nhau.
Emile Durkheim (1858-1917) phân biệt tương trợ máy móc và tương trợ cấu trúc.
De la division du travail social. NXB Presses Universitaires de France, lần đầu in năm 1893.
Tương trợ máy móc: trong những xã hội cổ truyền, ít phân công, một người có thể đảm đương nhiều vai trò. Tổ chức cộng đồng còn dựa trên sự liên hệ giữa cá nhân với cá nhân, có yếu tố tình cảm, ít nhất là ý thức cùng là thành viên của cộng đồng. Thí dụ như một họ tộc, người này phải giúp người kia. Tương trợ là một bổn phận.
Tương trợ cấu trúc : Trái lại, các xã hội công nghiệp được cấu trúc dựa trên những phân công rõ ràng. Mỗi cá nhân có một hay những vai trò cùng với chỗ đứng nhất định trong cấu trúc. Ở đây quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ. Sự tương trợ là tương trợ xã hội, được dự trù sẵn bởi cấu trúc tổ chức và sinh hoạt của xã hội. Đặt trên lý, trên luật chứ không trên tình.
“Máu chảy ruột mềm” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” thể hiện sự tương trợ máy móc. Bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già cũng được xếp vào thể loại tương trợ này.
Bảo hiểm xã hội, trợ cấp bệnh hoạn, trợ cấp thất nghiệp, … là những hình thức tương trợ cấu trúc. Tất cả cộng đồng đều chung sức đóng góp cho người có nhu cầu chứ không đích danh A hay B phải giúp X hay Y. Đóng góp là đóng góp qua thuế hay đóng vào các quĩ bảo hiểm.
Đó là nói về vĩ mô.
Trên vi mô, khái niệm tương trợ vẫn hiện hữu trong mọi xã hội, kể cả ở Âu Tây.
Tương trợ nằm trong định nghĩa của liên hệ và bao gồm khái niệm vay trả – có đi có lại, hai chiều – Giúp người hôm nay vì khi ta cần sẽ có người giúp ta. Như tương trợ giữa các thế hệ, tương trợ vùng miền, giữa các dân tộc, … Những hình thức tương trợ này được thể hiện cụ thể nhất khi có biến cố, thiên tai, chiến tranh…
Từ thiện là một chuyện khác.
Khởi thủy, từ thiện là một giá trị tôn giáo.
Cũng như bên ta “Thương người như thể thương thân” hay “Thấy người hoạn nạn thì thương”. Giá trị tôn giáo ở đây là theo Thiên chúa giáo – và giá trị này vẫn hiện hành, cho những người theo đạo - dù xã hội Âu Tây đã thành công nghịệp từ lâu. Từ thiện trong nghĩa này là giúp đỡ người cơ nhỡ vì lòng bác ái chứ không phải vì bổn phận (và người được giúp đỡ có thể cảm thấy bị tổn thương vì cái lòng bác ái đó).
Nghĩa thứ hai của từ thiện là để giải quyết một phần những bất công của xã hội - cũng là người nhưng có hố sâu phân cách người giàu và người nghèo. Giúp người kém may mắn hơn ta là cốt làm vơi bớt cái hố phân cách đó.
Nhưng khi các cá nhân phải đứng ra làm cái việc vĩ mô - làm giảm bất công giữa nghèo và giàu thì đó chính là dấu hiệu của một tổ chức xã hội không hoàn hảo, vì việc ấy là công việc của xã hội. Nếu xã hội tổ chức tốt hơn thì theo nguyên tắc ai cũng phải như ai, tương trợ xã hội đủ để không cần công tác từ thiện.
Đó là chuyện lý thuyết. Lý thuyết này đúng một phần.
Tại một số nước Tây Âu, thuế trên lợi tức nặng lại còn thuế trên tài sản và sau cùng thuế trên gia tài thừa hưởng, có khi đến 90% gia sản giữa những ngưởi không có liên hệ huyết thống chẳng hạn.
Tức là xã hội tổ chức để giảm thiểu hố giàu - nghèo. Với những thuế thu hoạch được, các nước cấp lợi tức tối thiểu để ai cũng có phương tiện sinh sống.
Thế nhưng vẫn có người nghèo, vẫn có người vô gia cư…vì những hoàn cảnh đặc thù, vì trăm ngàn lý do, bất công xã hội vẫn còn đó. Thế nên có những Hội lo chỗ ở vào mùa đông cho người vô gia cư, những Ngân hàng lương thực, những Tiệm ăn của trái tim. Trong giới hạn đó, vẫn còn công tác từ thiện.
Có một đặc điểm: công tác từ thiện này, đa phần, không là công việc của một người hay của một nhóm nhỏ, mà là công việc của một tổ chức có thừa nhận pháp lý, có nội qui sinh hoạt và có kiểm toán sổ sách.
Cá nhân vẫn có thể “làm” từ thiện, bằng cách chuyển tiền cho các tổ chức ấy, hoặc góp công làm thiện nguyện giúp sinh hoạt các tổ chức, hay thường ngày hơn nữa, mở hầu bao đưa ít tiền cho một nghệ sĩ hát hay đàn ở góc phố, chốn đông người qua lại.
Triết lý mà nói, người nhận giúp đỡ không phải “thụ ân” người đi từ thiện, họ thực thi quyền được giúp đỡ, nhưng họ vẫn không sống tốt.
Cái chính là phải làm sao loại trừ được sự nghèo khổ.
Sự nghèo khổ
Thế nào là mức nghèo
Theo các nhà quản lý thì rất giản dị. Một người được xem như nghèo khi người ấy có lợi tức kém hơn 50% của mức lợi tức bậc trung - revenus médians mà lợi tức bậc trung là mức ranh giới chia dân tình ra hai phẩn: 50% dân số có nhiều lợi tức hơn mức đó và 50% còn lại thì “nghèo” hơn mức đó.
Cách tính này thuần toán học và theo dân số.
Tiếp theo cách phân chia này thì người giàu có lợi tức cao hơn 200% (= gấp đôi ) của mức bậc trung, tức là gấp 4 lần mức nghèo.
Thông thường ở các nước Âu Mỹ, 10% dân số thuộc hạng giàu - còn 1% thì thuộc hạng cực giàu, những người trong danh sách của Forbes chẳng hạn. Trái lại, khoảng 10% dân số sống dưới mức nghèo.
Thu nhập bình quân trên đầu người khác lợi tức bậc trung vì thu nhập bình quân là con số có được khi đem chia tất cả những sản lượng quốc gia cho số người trong nước. Thông thường thu nhập bình quân cao và cao hơn nhiều so với lợi tức bậc trung.
Theo Ngân hàng quốc tế thì thu nhập bình quân của Việt Nam, năm 2015 là5730$/người/năm
http://donnees.banquemondiale.org/indicateur/NY.GNP.PCAP.PP.CD
Cho các nước đang phát triển, thì Ngân hàng thế giới định nghĩa người nghèo là người không có được 1,25$ / ngày/ người cho năm 2002 - hiện có lẽ khoàng 2$/ngày/người.
Nhưng bên cạnh định nghĩa dựa trên lợi tức còn có định nghĩa nghèo đa chiều (MPI theo tiếng Anh) bao gồm đến 10 tiêu chỉ như tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh,, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thất học, hay những điều kiện sống như có nước sạch để sinh hoạt, nhà ở, nhà vệ sinh, tiếp cận dịch vụ sức khỏe, ….Nhiều khi dân tình thoát nghèo vẫn chưa sống tốt. Well Being hay Quality of Life – Nghiên cứu nghèo không thể tách rời nghèo và khổ. Chính vì thế mà chỉ số ISS Indice de Santé Sociale hay ISH Index of Social Health – Chỉ số sức khỏe xã hội – ra đời.
http://iisp.vassar.edu/ish.html
Chỉ số này bao gồm nhiều yếu tố khác nhau của những nhóm khác nhau trong xã hội - trẻ con, thiếu niên, người trưởng thành, người già và những chi tiết thuộc môi trường xã hội.
Các chi tiết được “đánh giá” từ 0 tới 100 - 0 là tình huống tệ nhất.
Đọc xuyên qua các yếu tố này ta có thể thấy, chẳng hạn, vấn đề bạo lực với trẻ, vấn đề tự tử của thanh thiếu niên, thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, sự nghèo khó của người cao tuổi, bạo hành trong xã hội dưới mọi hình thức, tác hại của nghiện rượu …
Từ 1973, các nghiên cứu theo các tiêu chỉ trên cho thấy là dân tình tại các nước phát triển sống “khổ” hơn, so với quá khứ.
Có nghĩa là tương trợ và từ thiện không đủ để cho dân tình sống tốt. Cái cần bây giờ là phải tranh đấu loại trừ từng yếu tố một trong danh sách cần cho sức khỏe xã hội của dân tình.
Đó là thách đố cho các nhà quản lý và các nhà chính trị của thế kỷ thứ XXI.
Nguyễn Huỳnh Mai