Không khởi tố vụ án, hậu quả sẽ càng xấu hơn

Ai đã nghiêm túc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 và ai không.?!

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Hai đời chủ tịch xã Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam cùng các “đệ tử” đã làm chứng từ khống để rút ruột tiền làm đường trong chương trình nông thôn mới. Tuy nhiên, vụ việc này chỉ dừng ở mức xử lý hành chính. Dù rằng, đây là những đồng tiền ngân sách và của cả những hộ nông dân nghèo đóng góp, do đó việc thụt két cả tỉ đồng là hành vi rất nghiêm trọng. Vậy mà …

Vì sao không khởi tố vụ án?

Như Dân trí đã thông tin, trong năm 2014, huyện Hiệp Đức giao cho xã Bình Lâm hơn 1,2 tỉ đồng để thực hiện 9 tuyến đường bê tông thì các ông Lê Tấn Quán (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã); ông Trần Oai Dũng (Phó Chủ tịch UBND xã); ông Nguyễn Văn Diện (kế toán xã Bình Lâm) đã lập hợp đồng khống số tiền hơn 104 triệu đồng. Ngoài ra, số tiền gần 167 triệu đồng theo quy định phải hoàn công cho người dân thì những cán bộ trên bàn bạc với 8 trưởng thôn trong xã chia 50/50.

Đến năm 2015, đến lượt ông Trần Đoàn Minh Hiệp - tân Chủ tịch xã, cùng với các ông Dũng, Diện lại lập hợp đồng khống số tiền 143 triệu đồng, đồng thời lấy 200 triệu đồng tiền hoàn công chia 50/50 cho xã và thôn.

Cũng năm 2015 này, cấp trên cấp tiền hỗ trợ bão lụt cho xã Bình Lâm gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, xã Bình Lâm chỉ cấp cho 10 thôn hơn 359 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 136 triệu đồng ông Dũng chỉ đạo hỗ trợ trái quy định cho Công ty An Hiệp.

Sau khi nhân được đơn thư tố cáo, Ban thường vụ huyện ủy chỉ đạo, Công an huyện Đức Hiệp đã vào cuộc. Kết quả điều tra cho thấy, ông Lê Tấn Quán nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Lâm (năm 2014) đã lập khống chứng từ để làm thủ tục quyết toán rút tiền tại Kho bạc Nhà nước hơn 271 triệu đồng, chi sai mục đích hơn 191 triệu đồng, và đã lấy sử dụng vào mục đích cá nhân hơn 24 triệu đồng.

Tương tự, trong 2 năm 2014-2015, ông Nguyễn Văn Diện (kế toán xã) được xác định đã lập khống chứng từ để quyết toán tổng cộng gần 643 triệu đồng. Ông Diện chi sai mục đích hơn 415 triệu đồng, sử dụng cá nhân hơn 79 triệu đồng.

Hành vi của ông Quán, ông Diện đã cấu thành hai tội danh “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.

Đến đời tân Chủ tịch xã Đoàn Minh Hiệp cũng đi vào vết xe đổ của Chủ tịch cũ: lập khống chứng từ để quyết toán hơn 371 triệu đồng, chi sai mục đích hơn 201 triệu đồng.

Và ông Trần Oai Dũng Phó chủ tịch xã cho cả 2 vị chủ tịch trên cũng có hành vi cấu thành tội danh trên khi lập khống chứng từ để quyết toán hơn 642 triệu đồng để chi sai mục đích hơn 415 triệu đồng.

Hành vi của hai ông Hiệp, Dũng đều cấu thành tội danh “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Nhưng việc xử lý các hành vi nêu trên thế nào?

Ông chủ tịch, Phó chủ tịch xã đương nhiệm bị cách chức trong Đảng và chính quyền, còn vị kế toán thì khai trừ Đảng, buộc thôi việc. Người chịu trách nhiệm cao nhất ở xã, ông Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Thông bị kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo. Còn ông nguyên chủ tịch xã năm 2014 không thấy nói gì đến. Và việc xử lý tất cả chỉ có vậy.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi, đâu là lý do công an huyện đã không khởi tố vụ án “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với các hành vi phạm tội của 4 vị này, trong đó, riêng ông Quán và Diện còn thêm hành vi “tham ô tài sản”?

Nơi xử lý hình sự, nơi không – phép so sánh dễ thấy

Điều đáng nói là, đây đang là lúc triển khai quyết liệt trên toàn quốc nghị quyết Trung ương 4 và công cuộc chống tham ô, tham nhũng một cách mạnh mẽ nhất, do đó dư luận có quyền đặt câu hỏi: Cách xử lý hành chính này sẽ có lợi hay có hại cho công tác phòng chống tham nhũng?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng phân tích.

Thứ nhất, Đảng và nhà nước đang ra các nghị quyết và triển khai quyết liệt xử lý các hành vi tham ô, tham nhũng. Đây cũng là hành vi khiến dư luận đã và đang rất bức xúc. Do đó, các hành vi này đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe.

Thứ hai, thực tế, rất nhiều địa phương, dù nông dân đã đóng góp tiền không ít cùng với ngân sách để bộ mặt nông thôn được đổi mới. Nhưng đến giờ, còn rất nhiều địa phương vẫn để lại những khoản nợ khổng lồ mà chưa biết lấy đâu để trả nợ. Vậy mà, những “con sâu” bị lộ này chỉ bị xử lý hành chính liệu liệu có đủ sức răn đe?

Thứ ba, các hành vi rút tiền ngân sách, tiền của nhân dân diễn ra liên tục trong hai khóa của hai đời chủ tịch xã. Mà không kể khoản tiền nào, kể từ làm đường thôn, đường xã cho đến tiền hỗ trợ bão lụt cũng bị đục khoét thì…không còn gì để nói.

Nhưng, trong một vụ việc khác, với cũng khoản tiền tương tự, dù cách moi tiền có khác nhau, địa phương khác thì công an có cách xử lý hoàn toàn khác. Theo TTO ngày 19.12.2016, bà Phạm Thị Trông (nguyên phó ban giảm nghèo - tăng hộ khá xã) ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM, lợi dụng nhiệm vụ được giao là thu nợ vốn và lãi vay quỹ xóa đói giảm nghèo của xã, đã thu vốn, lãi của 85 người với tổng số tiền hơn 586 triệu đồng, không đưa vào sổ sách kế toán để chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Bên cạnh đó, mặc dù biết Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Củ Chi không cho phép cán bộ quỹ xóa đói giảm nghèo tham gia thu nợ vay ngân hàng của các hộ dân thuộc quỹ DA 156 nhưng bà Trông vẫn đôn đốc người dân trả nợ vay cho ngân hàng, tự ý sử dụng thư mời của UBND xã An Nhơn Tây do bà Phan Lệ Quyên (nguyên phó chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây, trưởng ban giảm nghèo - tăng hộ khá) ký hoặc trực tiếp gặp, hoặc liên lạc qua điện thoại, mời 71 người vay đến UBND xã để thu vốn, lãi vay với số tiền tổng cộng là 1 tỉ đồng để chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Vì hành vi này, đối tượng Trông đã bị 30 năm tù. Còn bà Quyên bị tòa tuyên 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chúng tôi cũng biết, so sánh thì kiểu gì cũng khập khiễng, không nhiều thì ít, nhưng chắc chắn một điều, qua so sánh như vậy, dư luận đều có thể thấy, ai đã nghiêm túc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 và ai không.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm