Giảm 9.000 cán bộ thôn và cuộc cách mạng ở xứ Thanh

Có một con số sốt dẻo, kèm theo một tin tức cũng rất “màu hồng”: Mới chỉ tính sáp nhập thôn thì Thanh Hóa đã giảm được tới 9.000 cán bộ.


Cán bộ thôn 1 và lãnh đạo xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) trao đổi về công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Báo Nhân dân

Cán bộ thôn 1 và lãnh đạo xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) trao đổi về công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Báo Nhân dân

Tức là 9.000 suất ăn lương giảm chỉ ở một tỉnh, chỉ với một đề án sáp nhập không thể dùng một từ nào khác ngoài hai chữ “tiến bộ”.

Nếu gọi đề án này là một cuộc cách mạng ở xứ Thanh cũng không có gì là ngoa cả. Cách mạng nhìn từ thực trạng. Toàn tỉnh có tới 635 xã, phường, thị trấn, 5.971 thôn, tổ dân phố. Cấp xã có tổ chức gì thì cấp thôn có tổ chức đó. Tổng số cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố lên tới hơn 35 ngàn người.

Cách mạng nhìn từ kỷ lục: Chẳng hạn xã Quảng Vinh (Quảng Xương, Thanh Hóa) một thời từng “nổi danh toàn quốc” với “áng chừng” 500 cán bộ gì đó. 500 cán bộ trong một xã 2.000 hộ, 9.500 dân. Đúng là một thứ “kỷ lục hành tinh” mà không một người dân, và cả không một chính quyền nào mong muốn.

Ngân sách eo hẹp. Nguồn thu không dư dật. Năm 2017 chẳng hạn, Thanh Hóa thu ngân sách khoảng 13.000 tỉ đồng nhưng chi lên tới hơn 23.000 tỉ đồng. Lẽ đương nhiên thôi: Kinh phí càng có hạn, càng nhiều cán bộ thì miếng bánh chính sách càng bé. Càng nhiều cán bộ càng nhiều tầng nấc, càng nhiều lãnh đạo. Và càng nhiều thì càng chỉ dẫm chân nhau.

Cách mạng nhìn từ sự quyết tâm và một kết quả rất tích cực, rất đáng khích lệ. Rằng đến cuối tháng 6 vừa rồi, toàn tỉnh đã sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ và hơn 9.000 người hoạt động không chuyên trách. Mỗi năm, tiết kiệm được 103 tỉ đồng tiền chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách.

Và cuộc cách mạng này còn rất khả quan ở chi tiết dù giảm số cán bộ kỷ lục nhưng không vì thế mà làm yếu đi bộ máy, thậm chí ngược lại, bộ máy càng tinh gọn càng năng động, hiệu quả.

Cải cách, tinh giản là lựa chọn duy nhất, dẫu rằng đụng chạm đến “cái ghế”, dù bé xíu cấp tổ với đồng phụ cấp chủ yếu mang tính... ví dụ.

Và sự thành công không thể không kể đến quyết tâm của xứ Thanh với những chỉ thị hết sức quyết liệt, được thực hiện hết sức nghiêm túc.

Nhưng xét ra, xứ Thanh chỉ là một trong 63 thực tế. Và số cán bộ không chuyên trách cấp thôn, tổ chỉ là một thực thể trong một bộ máy còn quá cồng kềnh nặng nề.

Chúng ta đang tồn tại một tỷ lệ rất lớn: 40 người dân phải nuôi một công chức. Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính từng nhìn nhận: Sau 20 năm (1997-2017), đội ngũ CBCCVC tăng từ hơn 1,3 triệu người lên trên 2,7 triệu (tức hơn 100%), trong khi dân số chỉ từ 77 triệu lên 92 triệu người ( chỉ 20%).

Và vì thế, bài học Thanh Hóa, ngọn cờ Thanh Hóa chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành một tiền lệ tốt đẹp để thực hiện cải cách sâu rộng trên toàn quốc.

Theo Anh Đào

Báo Lao động