BOT - Sự thật được hé mở và những câu hỏi

Với cương vị nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã nói thẳng với cử tri Đà Nẵng những sự thật liên quan đến BOT.


Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - trả lời cử tri Đà Nẵng với vai trò đại biểu Quốc hội TP lần đầu tiên sáng nay 12/12

Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - trả lời cử tri Đà Nẵng với vai trò đại biểu Quốc hội TP lần đầu tiên sáng nay 12/12

Dù rằng, ông rất chừng mực, nhưng những gì ông đề cập cũng đã đủ cho dư luận thấy rõ hơn nguyên nhân của những bùng nhùng ở một số dự án BOT.

Có hai nội dung lớn ông đề cập về các dự án BOT.

Thứ nhất, ông nhận xét: “…thời gian tôi làm Bộ trưởng Bộ GTVT là tạm dừng dự án BOT để rà soát và làm quyết toán. Từ chỗ quyết toán phản ánh một số vấn đề của BOT, dự án của ai, của anh hay của em thì sẽ lộ hết ra”.

Với dư luận, khi kiểm toán, thanh tra Nhà nước vào cuộc ở một số dự án, thời gian thu phí đã giảm trăm năm có lẻ. Trong đó có dự án giảm hơn nửa thời gian. Chỉ điều đó thôi cũng cho thấy, cái gọi là dự toán của những dự án này có sai số lớn đến như thế nào. Những sai phạm này là không thể biện minh. Nếu Kiểm toán không vào sớm, có trạm thu BOT sẽ thu vượt thời gian được thu, bởi thực tế, kết luận của kiểm toán có trạm BOT vừa hết thời gian được thu.

Chính vì vậy, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng: “Tôi cũng nói luôn là có vấn đề về lợi ích riêng trong này”. Có thể, với sự thận trọng của chính khách, ông Nghĩa không dùng cụm từ lợi ích nhóm, nhưng sự đánh giá chính thức như vậy của nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT đã trùng hợp với dư luận.

Với cách nói thẳng của ông Nghĩa “Tôi cũng nói luôn…” đã cho dư luận hiểu: Lợi ích nhóm trong các dự án BOT là điều được khẳng định, vấn đề là những ai, những nhóm lợi ích nào sẽ bị lộ diện sắp tới.

Thời gian sắp tới là bao giờ? Dư luận hy vọng, sau quyết toán, “dự án của ai, của anh hay của em thì sẽ lộ hết ra”. Vậy khi nào thì quyết toán xong, trong khi các trạm thu phí BOT đã triển khai thu phí? Trả lời câu hỏi này dành cho Bộ GTVT.

Nhiều câu hỏi khác Bộ GTVT cũng phải trả lời: vì sao mức phí ở một số tuyến chỉ trải thảm mặt đường cũng sấp xỉ bằng với những cung đường mới hoàn toàn? Có phải các doanh nghiệp không thiết tha với dự án BOT như có vị lãnh đạo BOT từng nói? Nếu vậy, sao lại có những cái “vỗ vai” yêu cầu nhường dự án…

Thứ hai là, một trong những mục tiêu của triển khai dự án BOT là huy động nguồn lực của xã hội, nhưng thực tế, nó còn xa mới đạt được yêu cầu đặt ra.

Đây là điều không lạ với dư luận, nhưng được nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT thừa nhận: “Rà soát thì chủ yếu là huy động nguồn vốn từ các ngân hàng nên rủi ro về tài chính là rất lớn”. Đây là vấn đề cực lớn.

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là, tại sao không huy động được nguồn lực xã hội?

Phải chăng, hầu hết các dự án BOT được chỉ định thầu cho các doanh nghiệp “của anh hay của em” là một trong những nguyên nhân?

Mặt khác, trong hợp đồng kinh tế, lãi suất của ngân hàng được tính vào chi phí. Điều đó đồng nghĩa, doanh nghiệp cũng chẳng cần tìm những nguồn lực dồi dào trong xã hội. Bởi làm điều đó, tức tự làm khó mình và lợi nhuận cũng ít đi. Như vậy, những bất lợi luôn dồn cho những người tham gia giao thông. Vì vậy, mới có chuyện, nhiều doanh nghiệp chỉ có 15% vốn trong tổng dự toán. Thậm chí, 15 % này, ở một số doanh nghiệp, phần lớn cũng là vốn ảo. Điều này, khiến dư luận cho rằng, không ít doanh nghiệp “tay không bắt giặc”.

Do đó, dư luận hoàn toàn đồng tình với lo lắng đầy tinh thần trách nhiệm của ông Trương Quang Nghĩa “Thực chất các dự án BOT là huy động tiền từ ngân hàng, không khéo sẽ có các rủi ro tài chính rất lớn.” Đặc biệt, việc nhiều trạm BOT đặt nhầm chỗ, giá vé quá cao đang bị người tham gia giao thông không đồng tình đã, đang gây xáo trộn rất lớn tính toán lộ trình trả nợ ngân hàng của những doanh nghiệp làm BOT này.

Dù rằng, ông nhìn nhật rất chừng mực, nhưng những gì ông đề cập cũng đã đủ cho dư luận thấy rõ hơn nguyên nhân của những bùng nhùng ở một số dự án BOT.

Vương Hà