Bài toán tài chính trong tinh giản biên chế

Giải quyết tốt mối quan hệ (con người - sản phẩm việc làm - tài chính chi trả) sẽ tạo ra thay đổi lớn cho việc sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế.

Bộ máy cồng kềnh là hệ lụy của nhiều năm cộng lại. Đến lúc buộc phải tinh giản biên chế gắn với đổi mới tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tình hình mới là tất yếu. Đây là áp lực rất lớn không chỉ đối với người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, chính quyền các cấp mà còn là áp lực của cả hệ thống chính trị cũng như ngân sách nhà nước phải chi trả cho bộ máy quá cồng kềnh, kém hiệu quả đã tồn tại từ lâu.

Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về tinh giản biên chế, đó là Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) tiếp tục ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Và để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2218/QĐ-TTg, ngày 10/12/2015 và Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 06/01/2017 “về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế” chứng tỏ tình hình biên chế trong bộ máy nhà nước đã là một vấn đề rất bức xúc.

Vấn đề đặt ra là làm sao để thực hiện chủ trương, chính sách đạt được hiệu quả, kết quả như mục tiêu đề ra là bài toán không dễ. Vì tinh giản biên chế là việc liên quan đến con người, liên quan đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của con người…, tuy nhiên không vì thế mà trì hoãn...

Quá trình tổ chức thực hiện là khâu quan trọng, vì vậy đòi hỏi phải có các giải pháp tối ưu, linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, khách quan. Không nên rập khuôn một cách máy móc hay cứng nhắc con số (tỷ lệ %) tinh giản áp dụng cho tất cả các tổ chức, cơ quan…, bởi các yếu tố tính chất đặc thù, quy mô của mỗi tổ chức, cơ quan, địa phương là khác nhau. Thực tế, theo lộ trình có nơi phải giảm nhiều, nơi giảm ít.

Thiết nghĩ, trước tiên, cần xác định được các cơ quan, tổ chức, địa phương đang có số lượng công chức, viên chức thừa, vượt so với biên chế được giao và cương quyết giảm bằng được số công chức, viên chức thừa này bằng cách cắt giảm ngân sách chi thường xuyên tương ứng với tỷ lệ biên chế dư thừa; đồng thời rà soát lại tổng thể, nhất là những bộ, ngành có số lượng công chức, viên chức lớn như: Ngành giáo dục, y- tế…, đặc biệt là các hội, đoàn thể.

Xác định quy mô của mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương…, phân tách rõ các nhóm đối tượng là công chức, viên chức, người làm việc trong khu vực công, cũng như ngân sách chi trả cho mỗi nhóm đối tượng cụ thể hàng năm sẽ góp phần giải quyết bài toán thắt chặt quản lý tài chính. Bài học thực tiễn từ nước Mỹ, không có tiền trả lương cho nhân viên, Chính phủ Mỹ không ít lần đã phải đóng cửa.

Tăng cường tuyên truyền và minh bạch thông tin cũng như phải nhanh chóng đổi mới cơ chế hoạt động, xóa bỏ cơ chế xin - cho, thắt chặt quản lý tài chính (mở rộng cơ chế khoán, tự chủ tài chính), đặc biệt là cơ chế tiền lương sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tinh giản biên chế. Tiền lương phải gắn với giá trị được tạo ra của mỗi vị trí việc làm, phải gắn với năng suất lao động, hay nói cách khác là sản phẩm công việc được tạo ra là gì, được định lượng như thế nào?

Nếu không định lượng được các tiêu chí và số liệu cụ thể thì chính sách sẽ khó đạt được hiệu quả; hay việc khó xác định được số lượng công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu người? Ngân sách chi trả tiền lương, tiền công cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công hàng năm là bao nhiêu tiền? Chưa trả lời được câu hỏi này thì còn lúng túng trong quá trình thực thi chính sách, vì cho đến hiện tại, người ta chỉ được biết đến những số liệu rất khác nhau qua các phương tiện thông tin đại chúng, cho dù đó chỉ là những con số mang tính tương đối.

Mới đây, ngày 15/1/2018, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết: Qua rà soát trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN phát hiện thừa 57.175 người. Tuy nhiên, 57.175 người thừa, vượt này thuộc những cơ quan, ban, ngành, địa phương nào, biện pháp xử lý cụ thể ra sao đòi hỏi nhà chức trách cần có những giải pháp căn cơ, thỏa đáng nào thì chắc còn phải chờ (?!).

Từ thông tin của Kiểm toán nhà nước cho thấy, việc các tổ chức, cơ quan… tuyển dụng thừa, vượt chỉ tiêu biên chế được giao không phải là ít. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ngân sách ở đâu để những cơ quan, tổ chức…dùng chi trả cho số lượng biên chế thừa, vượt này? Bài toán về mối quan hệ giữa con người - công việc - tiền lương đã được các cơ quan, tổ chức giải quyết như thế nào?

Tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước. Để đạt được hiệu quả, kết quả như mục tiêu đặt ra thì cần phải có sự chuyển động mạnh mẽ mang tính đột phá hơn nữa của cả bộ máy, nhất là những người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương…; đồng thời, phải giải quyết tốt mối quan hệ (con người - sản phẩm việc làm - tài chính chi trả) sẽ tạo ra thay đổi lớn cho việc sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế./.

Theo Khắc Trường

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam