Tham nhũng 60.000 tỷ đồng, mới thu hồi... 4.700 tỷ đồng
(Dân trí) - Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra (được phát hiện) là gần 60.000 tỷ đồng, trên 400 ha đất nhưng số tiền đã thu hồi cho Nhà nước chỉ gần 4.700 tỷ đồng và 220 ha đất.
Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sáng nay 12/7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, có những chuyển biến rõ rệt trên nhiều phương diện. Việc phát hiện tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý, đã góp phần răn đe và phòng ngừa tham nhũng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nạn tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra và tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước, lĩnh vực tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ...
Điều này gây ra những hậu quả xấu trên nhiều mặt và làm xói mòn lòng tin của nhân dân, tạo ra những tiềm ẩn xung đột lợi ích, phản ứng xã hội, làm gia tăng mạnh khoảng cách giàu nghèo.
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, trong đó có những người được giao những chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Những việc này cần ngăn chặn ngay…”- Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trong khi đó, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, bởi đều là người có chức vụ, quyền hạn, trình độ chuyên môn nhất định nên thủ đoạn che giấu rất tinh vi và tìm mọi cách gây khó khăn cho công tác điều tra, thu hồi tài sản.
Tướng Vương đánh giá, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiện nay chưa mang lại hiệu quả cao; việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chỉ dựa vào ý thức tự giác, chứ chưa có cơ chế kiểm soát được tài sản thu nhập hoặc xác định được tính trung thực của bản kê khai tài sản gây khó khăn cho quá trình chứng minh hành vi tham nhũng.
“Tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện”
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày tại hội nghị, 10 năm qua, toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai gần 94.000 cuộc thanh tra hành chính và trên 834.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với trên 8.200 tập thể, 33.700 cá nhân; kiến nghị thu hồi 142.000 tỷ đồng, 994.000 USD và 51.500 ha đất và chuyển cơ quan điều tra 752 vụ, 1.143 đối tượng.
Qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Qua giải quyết tố cáo về tham nhũng thuộc thẩm quyền đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 187.500 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc (trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng), đóng góp nhiều kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Ngoài ra, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, 10 năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn.
“Tuy nhiên công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao; các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng trong trường hợp đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở; nhiều vụ việc, vụ án có quy mô lớn chậm được phát hiện, khi phát hiện thì chậm được làm rõ, kết luận và xử lý. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, có một số trường hợp tội phạm tham nhũng nhưng cho hưởng án treo chưa đúng với quy định của pháp luật”- báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Đáng chú ý, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là gần 60.000 tỷ đồng, trên 400 ha đất nhưng số tiền đã thu hồi cho Nhà nước chỉ gần 4.700 tỷ đồng và gần 220 ha đất.
“Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được”- ông Sáu nói.
Giải thích về việc tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, tư lệnh ngành thanh tra cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm.
Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả. Mặt khác, do các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; một số vụ án gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài...
Thế Kha