Nghi lễ tuyên thệ nhậm chức: “Đã hứa nghĩa là phải thực hiện được lời hứa đó”
(Dân trí) - “Lần đầu tiên Quốc hội thực hiện quy định của Hiến pháp là người được Quốc hội bầu phải thực hiện tuyên thệ, tức phải giữ được lời hứa trước nhân dân, đồng bào cử tri cả nước và trước Quốc hội. Đã hứa nghĩa là phải thực hiện cho được lời hứa đó. Tôi cho rằng đây là quy định có ý nghĩa rất tích cực”.
Chia sẻ về nghi thức tuyên thệ nhậm chức của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện sáng 31/3, cũng là lễ tuyên thệ nhậm chức đầu tiên trong lịch sử, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, quy định các chức danh lãnh đạo cấp cao của nhà nước phải tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu có ý nghĩa tích cực là buộc người đã tuyên thệ phải thực hiện lời hứa của mình. Đây cũng sẽ là một căn cứ để đánh giá quá trình hoạt động của lãnh đạo sau này.
Tại nghi thức tuyên thệ của bà Ngân, có 3 cảnh vệ thực hiện việc rước cờ Tổ quốc đi trước, 2 người đi sau mang quyển Hiến pháp đặt trên bục tuyên thệ. Với các chức danh còn lại, ông Hạnh Phúc cho biết, theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao đều phải tuyên thệ trước Quốc hội như thế.
Việc tuyên thệ đối với các chức danh đều có một phần chung là phần lời thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Còn phần thứ 2 trong nội dung tuyên thệ sẽ liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mỗi người, mỗi chức danh ở vị trí khác nhau sẽ có lời tuyên thệ khác nhau.
Đánh giá về ý nghĩa thủ tục tuyên thệ, ông Hạnh Phúc nói: “Đây là một vấn đề mới, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện quy định của Hiến pháp là người được Quốc hội bầu phải thực hiện tuyên thệ, tức phải giữ được lời hứa trước nhân dân, đồng bào cử tri cả nước và trước Quốc hội. Đã hứa nghĩa là phải thực hiện cho được lời hứa đó. Tôi cho rằng đây cũng là quy định rất tốt, ý nghĩa rất tích cực”.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng bày tỏ kỳ vọng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trên cơ sở kế thừa những công việc của người tiền nhiệm – nguyên Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, đồng thời phải thúc đẩy, phát triển thêm để Quốc hội ngày càng gần dân hơn, phát huy tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Cùng chia sẻ về lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Chủ tịch Quốc hội, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Minh Thông – Phó Tổng thư ký Quốc hội đánh giá nghi lễ tuyên thệ nhậm chức rất trang trọng, xúc động. “Tôi thấy nghi lễ tuyên thệ ngắn gọn nhưng rất trang trọng kể cả hình thức lẫn lời văn tuyên thệ đều đáp ứng được yêu cầu của lễ tuyên thệ”, ông Lê Minh Thông nói.
Về nghi thức tuyên thệ, ông Thông cho biết, được thực hiện linh hoạt theo từng tình huống. Đến nay chưa có quy định cụ thể về nghi thức tuyên thệ. “Chúng ta cứ làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần dần. Khi ổn định rồi có thể đưa vào nội quy”, Phó Tổng thư ký Quốc hội giải thích thêm.
Sáng 31/3, sau khi chính thức trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là lãnh đạo nhà nước đầu tiên thực hiện nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức tại Quốc hội.
Video bà Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi lễ tuyên thệ
“Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã bầu tôi làm Chủ tịch Quốc hội. Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện để xứng đáng với tín nhiệm được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ.
Phương Thảo - Quang Phong