Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL gây thiệt hại hơn 4.600 tỷ đồng

(Dân trí) - Hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) gây thiệt hại khoảng 4.678 tỷ đồng, làm khoảng 226.605 hộ dân thiếu nước sinh hoạt… Những đánh giá, thống kê này vừa được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ công bố.

Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ diễn ra sáng nay (11/7) do ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - chủ trì, đã đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL cùng những vấn đề tác động tới toàn vùng, đặc biệt là vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Ông Sơn Minh Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2016 vấn đề nổi cộm là sự ảnh hưởng nặng nề do tình hình thời tiết hạn hán và xâm nhập mặn trong vùng.

Cụ thể, tổng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp ước tính khoảng 4.678 tỷ đồng, trong đó lúa thiệt hại 232,95 ha; hoa màu và rau màu thiệt hại 6.561 ha; cây ăn quả và cây công nghiệp bị thiệt hại toàn vùng là 10.831 ha. Ảnh hưởng từ tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, có khoảng 226.605 hộ dân trong vùng bị thiếu nước sinh hoạt.


Hạn hán tại ĐBSCL xảy ra làm suy giảm chung của sản lượng nông-lâm-ngư nghiệp cả nước

Hạn hán tại ĐBSCL xảy ra làm suy giảm chung của sản lượng nông-lâm-ngư nghiệp cả nước

Cà Mau là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất do hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL, ông Dương Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau - nhấn mạnh, hơn 6 tháng vừa qua không có mưa, xâm nhập mặn nặng nề đã dẫn tới "mùa khô dài nhất lịch sử". Tỉnh Cà Mau đã công bố thiên tai do hạn hán, rủi ro cấp độ 2.

“Hầu hết các tuyến kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phục vụ chữa cháy rừng và các tuyến giao thông thủy vùng ngọt hóa của tỉnh đều bị khô cạn gây khó khăn trong lưu thông, đặc biệt là không vận chuyển được hàng hóa, phương tiện sản xuất, thi công công trình… Toàn bộ diện tích rừng trong tình trạng báo động xảy ra cháy ở cấp V-cấp cực kỳ nguy hiểm. Hơn 5.000 hộ dân có nguy cơ thiếu lương thực.

Hạn hán làm mất cân bằng địa chất, gây sụt lún, lở đất làm ảnh hưởng và hư hỏng nghiêm trọng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn dọc theo kênh rạch. Qua thống kê, có gần 113km đường giao thông bị rạn nứt, sạt lở, sụt lún, hệ thống đê biển có một số điểm nguy cơ vỡ do sạt lở.”- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau cho hay.

Ngoài vấn đề hạn hán, thiên tai gây thiệt hại nặng cho vùng ĐBSCL, nhiều vấn đề khác cũng được Hội nghị đề cập tới. Hiện nay, việc thiếu vốn đầu tư các công trình, dự án biến đổi khí hậu, ngăn mặn, trữ nước ngọt và hệ thống thủy lợi cho vùng, một số chủ trương chính sách chưa kịp thời.

Hành động ngay tức khắc và không chậm trễ!

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng cho biết, thu hút đầu tư FDI 6 tháng tuy tăng khá nhưng vốn còn thấp so với các vùng khác trong cả nước; các công trình trọng điểm đã khởi công nhưng tiến độ thi công còn chậm; đời sống một số bộ phận người dân còn khó khăn.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL cùng những vấn đề tác động tới toàn vùng, đặc biệt là vấn đề chống biến đổi khí hậu
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL cùng những vấn đề tác động tới toàn vùng, đặc biệt là vấn đề chống biến đổi khí hậu

Trong khi đó, đại diện Bộ Quốc phòng nhấn mạnh tới đường tuần tra biên giới Tây Nam cần 5.000 tỷ đồng để hoàn thiện đồng bộ, tuy nhiên hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chưa tìm được nguồn để bố trí vốn. Cũng theo đại diện bộ này cũng đề cao việc tăng cường hợp tác với Campuchia trên tất cả các lĩnh vực và đẩy mạnh các lĩnh vực đã và đang đầu tư ở Campuchia nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ láng giềng giữa 2 nước.

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng nhắc đến mối quan hệ giao lưu ở khu vực biên giới Tây Nam, đồng thời đề nghị Chính phủ bố trí thêm các nguồn chi phí để nâng cao hơn nữa trách nhiệm hỗ trợ cho các xã giáp biên giới của Campuchia, đặc biệt là xây dựng những công trình phúc lợi xã hội cho dân cư vùng biên của nước bạn giáp với Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận dù có nhiều khó khăn nhưng 13 tỉnh vùng ĐBSCL đã rất nỗ lực với các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Phó Thủ tướng lưu tâm đặc biệt tới thiệt hại nặng nề do thiên tai, hạn hán xảy ra ở ĐBSCL và cho rằng điều này đã tác động đến sự suy giảm chung của sản lượng nông-lâm-ngư nghiệp cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo ĐBSCL phải hành động không hối tiếc, hành động ngay tức khắc và không chậm trễ để lấy lại đà tăng trưởng dương trong thời gian tới!
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo ĐBSCL phải "hành động không hối tiếc, hành động ngay tức khắc và không chậm trễ" để lấy lại đà tăng trưởng dương trong thời gian tới!

Đặc biệt, đối với những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do tác động của thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Phó Thủ tướng kỳ Vương Đình Huệ hi vọng sẽ lấy lại đà tăng tưởng dương trong quý III và quý IV để bù cho những tổn thất của quý I, quý II, đồng thời tạo ra sinh kế giúp nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề cập tới một tin vui về giải quyết khó khăn cho toàn vùng , đó là chiều 11/7 Chính phủ sẽ ký kết với Ngân hàng Thế giới Hiệp định vay vốn trị giá hơn 500 triệu USD để đầu tư, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, đảm bảo sinh kế bền vững.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu ĐBSCL tiếp tục bám sát Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 2016… Vì tương lai phát triển bền vững của ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị 13 tỉnh trong vùng cần “hành động không hối tiếc, hành động ngay tức khắc và không chậm trễ!”. Theo Phó Thủ tướng, cần làm ngay và quyết liệt thì mới mong có sự chuyển biến.

Châu Như Quỳnh