Chủ tịch Quốc hội: “Sợi dây kinh nghiệm cứ rút hoài không hết”
(Dân trí) - Từ việc dự án hồ Tả Trạch (tỉnh Thừa Thiên – Huế) chậm tiến độ, hụt tiền giải phóng mặt bằng, Bộ Nông nghiệp phải bù tiền từ nguồn khác sang để xử lý… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc vi phạm quy định ngân sách đã lặp lại nhiều mà "sợi dây kinh nghiệm cứ rút hoài không hết".
Sáng nay 16/8, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với đệ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế được phê duyệt gồm 2 hợp phần: hợp phần công trình (dự án hồ Tả Trạch) và hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư (hợp phần đền bù), bắt đầu thực hiện từ năm 2001. Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt hợp phần đền bù hơn 143 tỉ đồng. Tổng số vốn của dự án được sử dụng để đền bù đất ở, đất nông nghiệp và tài sản trên đất. Đối với đất lâm nghiệp thì tỉnh có chủ trương đất đổi đất.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế mới cấp được hơn 324/1.342 ha dẫn đến tình trạng dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Để giải quyết việc này, Chính phủ đề xuất sử dụng 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Dự án Hồ Trả Trạch cho Hợp phần đề bù để đền bù cho các hộ gia đình nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài (10 năm) của người dân. Thực tế, Bộ NN&PTN đã có văn bản quyết việc bổ sung 77 tỷ đồng này từ tháng 5/2016 và việc này được xác định không đúng quy định.
UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc Chính phủ đề xuất sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2011-2015 cho dự án hồ Tả Trạch để thực hiện hợp phần bồi thường, di dân tái định cư là chưa thực sự phù hợp.
Lý do đưa ra là hợp phần đền bù của dự án hồ Tả Trạch đã được bố trí đủ từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương theo tổng mức đầu tư đã được phê duyệt; hạng mục đền bù của dự án hồ Tả Trạch không phải là nhiệm vụ của hợp phần công trình nên không nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 đã được Quốc hội duyệt.
Theo đó, việc Bộ NN&PTNT ban hành quyết định cho phép bổ sung hạng mục đền bù hơn 77 tỉ đồng) vào dự án khi chưa có ý kiến chấp thuận của UB Thường vụ Quốc hội là chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, UB Tài chính Ngân sách vẫn đồng ý với đề xuất của Chính phủ vì việc không thực hiện được chủ trương đất đổi đất khiến cho đời sống của dân bị thu hồi đất nông nghiệp 10 năm nay gặp nhiều khó khăn, gây khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong nhân dân.
Băn khoăn với “nghịch lý” này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hỏi lại: “Cơ quan thẩm tra phân tích rất hay, nói là chưa hợp lý nhưng vẫn đồng ý, như thế không logic?”.
Ông Hiển cũng tỏ ra ngạc nhiên khi chỉ hơn một tháng trước, từ báo cáo của Chính phủ, UB Thường vụ Quốc hội đã quyết định cấp thêm 150 tỷ cho công trình hồ Tả Trạch vì rất cần thiết, cấp bách. Nay Chính phủ lại bảo có một hạng mục chưa thực sự cần thiết phải đầu tư ngay thì lấy tiền đó để đền bù cho dân.
Cách làm này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội là thiếu nghiêm túc vì theo quy định, tất cả các khoản chi đều phải có dự toán.
Có mặt tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận sai, lãnh đạo UBND Thừa Thiên - Huế xin rút kinh nghiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất quan điểm, phải giải quyết dứt điểm việc đền bù cho dân, không để dân thiệt thòi và dù lấy tiền trái phiếu hay tiền ngân sách thì cũng đều là tiền thuế của dân, nhưng cần nghiêm túc, minh bạch và từ nay không để xảy ra chuyện tương tự.
“Các cơ quan tham mưu phải nhìn nhận rõ trách nhiệm trong việc tham mưu đối với sử dụng vốn ngân sách. Lâu nay thường có tình trạng xong hết rồi thì rút kinh nghiệm, sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Trách nhiệm chính trong chuyện này, theo Chủ tịch Quốc hội là của bộ NN&PTNT nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có “lỗi” là thẩm định sơ sài.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu, từ phiên họp này Thường vụ Quốc hội phải có thái độ rõ ràng, đặt nền móng cho sự minh bạch, nên thu 77 tỷ đồng của phần xây lắp và sử dụng tăng hợp phần đền bù cho dân.
Chốt lại buổi làm việc, UB Thường vụ Quốc hội quyết định thu hồi 77,4 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng cơ bản để bổ sung cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư dự án hồ Tả Trạch.
P.Thảo