Chủ tịch nước: Sợ nhất là những buổi "chợ chiều"!
(Dân trí) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ, ông rất vui khi tại buổi tiếp xúc cử tri cuối cùng trong nhiệm kì của mình, người dân đã đến rất đông và đóng góp những ý kiến giá trị, tâm huyết. “Sợ nhất là những buổi chợ chiều khi chúng tôi sắp hết nhiệm kỳ”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ.
Sáng 3/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM khóa XIII đơn vị 1 gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Trần Du Lịch, ông Hoàng Hữu Phước đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1.
Đây là buổi tiếp xúc cử tri cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổ ĐBQH nhưng bà con cử tri quận 1 vẫn đến rất đông và đóng góp nhiều ý kiến cũng như chất vấn “nóng bỏng”.
Quyền lực giám sát ở đâu rồi?
Cử tri Lê Đình Vũ (P.Tân Định, Q.1) cho biết, ông phát hiện nhiều sai phạm lớn nên không thể làm ngơ. Ông Vũ gửi đơn tố cáo đến Quốc hội nhiều lần mà vẫn không thấy trả lời. Thậm chí, trực tiếp gửi thư phản ánh về vi phạm luật Bảo hiểm xã hội của một tập đoàn tới Đoàn ĐBQH TPHCM nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Cử tri Huỳnh Minh Ngọc (P.Cô Giang) cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cứ như “chơi bóng chuyền” trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Cụ thể, tại dự án chung cư Cô Giang, người dân khiếu nại ròng rã 8 năm qua. Một Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng công nhận những khiếu nại của cư dân là đúng nhưng đến nay mọi thứ vẫn “án binh bất động”.
“Quyền lực giám sát ở đâu rồi?. Phải chăng quý vị sắp hết quyền lực của ĐBQH hay sao mà chủ đầu tư xem thường các chỉ đạo của quý vị? ĐBQH là người nói lên nỗi lòng của người dân. Vậy mà trước những ý kiến của ĐBQH, các cấp chính quyền cứ ì ra là sao? Vậy có cần ĐBQH không?”, cử tri Ngọc bức xúc.
Đồng quan điểm của cử tri Ngọc, ông Lê Đình Vũ cũng cho rằng mảng giám sát việc thi hành luật của Quốc hội còn yếu, cơ chế cho nhân dân cùng giám sát chưa rõ lắm. Vì thế, những bức xúc của người dân không được giải quyết. “Nếu giám sát việc thi hành luật mà không tốt thì làm sao chấm dứt tham nhũng, làm sao xây dựng nhà nước pháp quyền?”, ông Vũ nói.
Cử tri này cũng đề nghị Quốc hội phải “thông thoáng, dễ thở” hơn với Luật báo chí. Có báo chí, người dân mới có nơi để chuyển tải những bức xúc, bất cập và góp phần “thanh lọc” những cái xấu để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cử tri Nguyễn Minh Hoan cho rằng TPHCM là thành phố đặc thù nên cần tăng thêm số lượng ĐBQH, tăng đại biểu chuyên trách, có kiểm tra giám sát kỹ lưỡng. Đại biểu phải có tham luận chứ không thể vào Quốc hội mà chỉ ngồi nghe. Có đại biểu cả nhiệm kỳ không phát ngôn được ít nhất một ý kiến tại diễn đàn Quốc hội.
Ông Hoan cũng đề nghị nhiều cán bộ, nhân viên nên về hưu tự nguyện để cho lớp trẻ có việc làm, giải quyết căn cơ tình trạng nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Cử tri Nguyễn Thị Xuyến mong Nhà nước quan tâm kịp thời nguồn nước sạch cho dân. Hiện còn hơn 350 ngàn hộ ở vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi chưa có nước sạch mà chỉ dùng nước giếng khoan, nước sông lắng lọc lại. “Chúng ta đang uống nước lọc trong buổi họp, hãy nhớ rằng có rất nhiều người dân đang thiếu nước sạch để uống”, bà Xuyến nhắc nhở.
Sợ nhất là những buổi "chợ chiều"!
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, ông rất vui khi đây là buổi tiếp xúc cử tri cuối cùng trong nhiệm kỳ làm người đại biểu dân cử nhưng có rất đông bà con đến dự và đóng góp những ý kiến giá trị, tâm huyết. “Sợ nhất là những buổi chợ chiều khi chúng tôi sắp hết nhiệm kỳ”, Chủ tịch nước trải lòng với bà con cử tri.
Chủ tịch nước vui mừng trước những góp ý tâm huyết, sâu sắc của bà con cử tri.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lời cảm ơn đến bà con cử tri TPHCM nói chung, cử tri các quận 1, 3, 4 (nơi tổ ĐBQH của ông sinh hoạt) nói riêng, đã vì cái chung góp sức cùng Đoàn ĐBQH TP, giúp các đại biểu thực hiện trách nhiệm của mình.
Chủ tịch nước nói rằng, trong nhiệm kỳ của mình, các ĐBQH đã chân thành tiếp thu các ý kiến của bà con cử tri. Các đại biểu đã cố gắng rất nhiều, nỗ lực tối đa để giải quyết công việc. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ còn những tồn đọng. Trong 4 tháng còn lại của nhiệm kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết sẽ cố gắng giải quyết trong khả năng.
“Quỹ thời gian còn 4 tháng, những gì còn tồn đọng, chúng tôi tiếp tục hoàn thành phần còn lại. Bàn giao “của cải” nên bàn giao nhiều, cái không phải “của cải” thì nên bàn giao ít để anh em khóa sau còn thời gian làm việc. Dù không còn làm việc nữa nhưng nếu bà con cần can thiệp tích cực thì chúng tôi cũng luôn sẵn sàng”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Công Quang