Chủ tịch nước: "Kiên quyết đấu tranh chống can thiệp nội bộ, xâm phạm chủ quyền"
(Dân trí) - “Việt Nam kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của đất nước”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao.
Sáng 27/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao và đón nhân Huân chương Sao Vàng lần thứ hai. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và phát biểu tại buổi lễ.
Mũi chủ công đối phó "thù trong”, “giặc ngoài”
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, ngay từ buổi đầu dựng nước đầy khó khăn, ngoại giao đã là mũi chủ công để đối phó với “thù trong” lẫn “giặc ngoài”, là vũ khí quan trọng nhằm củng cố, kéo dài thời gian hòa bình quý giá để xây dựng lực lượng, tích lũy thế và lực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền độc lập mới giành được và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và tự do của dân tộc.
Bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, Ngoại giao càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ổn định và tái thiết đất nước, phá bao vây cấm vận, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ.
"Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến rất nhanh, đa dạng và ngày càng phức tạp cùng những khó khăn và yếu kém nội tại cũng như những thách thức đặt ra trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông, bảo vệ Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng gay gắt, đe dọa đến sự ổn định và phát triển của đất nước", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cho rằng, trước những thách thức đó, trên cơ sở kiên định lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, ngành ngoại giao cần kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; đưa quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng có chung biên giới, các nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích.
"Chúng ta kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của đất nước. Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực", Chủ tịch nước nêu rõ.
Vị thế quốc tế của Việt Nam cao chưa từng có
Phát biểu tại sự kiện, Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đề cập đến vai trò của ngành ngoại giao như đội quân tiên phong, tạo điều kiện, hướng dẫn cho các ngành, các cấp, các địa phương quan hệ với các đối tác nước ngoài; nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia là tối thượng.
Theo Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, ngành ngoại giao đã đóng vai trò quan trọng để giúp Việt Nam đạt vị thế quốc tế cao chưa từng có như hiện nay.
Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có quan hệ hợp tác tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu: Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển lớn nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức gay gắt để “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngoại giao Việt Nam sẽ luôn kiên định mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết thúc buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm gian trưng bày của ngành ngoại giao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ký tặng ông Phạm Quang Nghị cuốn sách "Bộ Ngoại giao 70 năm xây dựng và phát triển".
Nam Hằng