Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo TPHCM tranh luận chuyện “gà đẻ trứng vàng”

(Dân trí) - Phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 1/11 về tình hình ngân sách năm 2016, dự toán năm 2017 càng về cuối càng “tăng nhiệt” với cuộc tranh luận giữa Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TPHCM) về việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách TƯ để lại cho thành phố…

10 tỉnh thu ngân sách 1 năm không bằng 1 ngày của TPHCM

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhiều lần tranh luận lại với Bộ trưởng Tài chính (ảnh: N.T).
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhiều lần tranh luận lại với Bộ trưởng Tài chính (ảnh: N.T).

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu vấn đề tự chủ của các địa phương, cơ chế để đảm bảo không gian cho những sáng tạo của lãnh đạo địa phương. Bà Tâm phân tích từ chuyện điều hành ngân sách.

Theo đại biểu, cần giao nhiệm vụ cụ thể và tạo không gian chủ động cho địa phương trong việc thu-chi đồng thời minh bạch hoá chính sách điều hành để loại bỏ cơ chế xin – cho tồn tại nhiều năm nay.

Nói về câu chuyện “nóng” đang gây tranh luận từ đầu kỳ họp Quốc hội đến giờ là việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách TƯ để lại với nhiều địa phương từ năm 2017 tới, trong đó có TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phân trần, thành phố phải có nguồn lực để đầu tư. Theo đó, Thành ủy TPHCM đã có báo cáo gửi Bộ Chính trị, đề nghị để được tăng điều tiết.

“TPHCM đồng ý việc giảm tỷ lệ ngân sách TƯ để lại nhưng phải ở mức độ sao không gây ảnh hưởng đến TPHCM, không thể đột ngột cắt giảm 5% (từ 23% xuống còn 18%) được. Mà 1% thu ngân sách của TPHCM cũng là số tuyệt đối rất lớn, mất một khoản như vậy, thành phố rất khó mà thực hiện nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội 10. Chúng tôi xin hạ mức cắt giảm là để thành phố có điều kiện phát triển, đóng góp lớn hơn cho đất nước” – Chủ tịch HĐND thành phố đề cập đến bài toán đầu tư một cách thông minh để “con gà tiếp tục đẻ trứng vàng” đã nói đến những ngày qua.

Tương tự đại diện của TPHCM, đại biểu một số tỉnh, thành khác như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng… cũng ta thán trước Quốc hội cùng về việc bị cắt giảm tỷ lệ ngân sách TƯ để lại cho địa phương.

Cuối phiên thảo luận, giải thích thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, TƯ đã có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho địa phương, từ vấn đề đầu tư tới khoán chi trong bộ máy, điều hành ngân sách…

Cụ thể về tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa các địa phương, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Theo luật Ngân sách, ngân sách nhà nước là thống nhất giữa TƯ và địa phương, trong đó ngân sách TƯ là chủ đạo. Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách (như giai đoạn 2011-2016 vừa qua), mỗi địa phương đều phải tự cân đối, giảm dần tỷ lệ điều tiết của ngân sách TƯ khi bước vào giai đoạn mới (2017-2020).

Đất nước có 63 tỉnh thành nhưng đặc điểm, khả năng phát triển và quy mô kinh tế rất khác nhau. Tính riêng phần thu ngân sách của Hà Nội, TPHCM đã tới chiếm tới 50% tổng thu cả nước, mở rộng ra 16 tỉnh thành trọng điểm thì nguồn thu tới 80% tổng số thu ngân sách cả nước.

Ngược lại, có những địa phương nguồn thu rất khó khăn, hạn chế. Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng tỉnh Bắc Kạn, thu ngân sách cả năm chưa được 600 tỷ đồng, chưa bằng số thu bình quân 1 ngày của TPHCM (khoảng 1000 tỷ đồng). Cả nước có khoảng 10 tỉnh tương tự như Bắc Kạn.

“Chúng tôi rất chia sẻ với các địa phương, rất hiểu câu chuyện con gà đẻ trứng vàng và coi các địa phương trọng điểm như nuôi gà, cần cho ăn để tiếp tục đẻ ra nhiều trứng hơn nhưng chúng ta cũng phải có trách nhiệm với các địa phương khó khăn mà đa phần chính là những phần phên dậu của tổ quốc” – Bộ trưởng Tài chính khẳng định đã cố gắng xử lý tối đa vấn đề để xây dựng phương án công bằng nhất với các địa phương.

Điểm nghẽn kẹt xe, ngập nước do TPHCM bị… tận thu?

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định kiên quyết bảo vệ quan điểm điều tiết lại nguồn ngân sách thu được của các thành phố lớn (ảnh: Hoàng Long).
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định kiên quyết bảo vệ quan điểm điều tiết lại nguồn ngân sách thu được của các thành phố lớn (ảnh: Hoàng Long).

Vị tư lệnh ngành Tài chính cũng phân trần là TPHCM hay Hà Nội cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ TƯ như tăng định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý môi trường, đảm bảo an sinh, an ninh trật tự…

Năm 2017, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội dành khoản 14.450 tỷ đồng từ việc cổ phần hoá DNNN để hỗ trợ thêm các tỉnh thành bị cắt điều tiết ngân sách để đảm bảo mức giảm không quá lớn. Theo đó, tính ra, TPHCM cũng chỉ giảm từ 23% xuống 18% chứ không phải 17% như yêu cầu điều tiết.

Tỷ lệ này cũng được cân đối với dự toán mức tăng thu năm 2017 của thành phố lớn nhất cả nước sẽ ở mức 20% so với năm 2016. Như thế, ở tỷ lệ điều tiết 18%, mức chi ngân sách bình quân theo đầu dân của TPHCM năm tới vẫn cao hơn mức chi bình quân của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Giơ biển xin tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định lãnh đạo và người dân TPHCM không “bàn lùi”, nếu Quốc hội, Chính phủ đã quyết, thành phố sẽ quyết tâm thực hiện bằng được, thậm chí thực hiện vượt kế hoạch đề ra vì ai cũng hiểu việc có lợi thế so sánh lớn hơn các địa phương khác thì phải có trách nhiệm với cả nước.

“Chúng tôi không xin tiền để chi tiêu cho bộ máy hay chi tiêu thường xuyên mà muốn Quốc hội thấy rằng vì sao TPHCM hiện tại đang rơi vào nhiều điểm nghẽn như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải y tế, giáo dục… như vậy, đó là vì nhiều năm qua không được đầu tư thoả đáng. Có phải là có sự tận thu hay không?” – bà Tâm đặt câu hỏi.

Tương tự, đại diện của Đà Nẵng – đại biểu Nguyễn Thanh Quang cũng “than”, mức điều tiết giảm 17% tỷ lệ thu ngân sách TƯ để lại là quá lớn, rất khó cho Thành phố quy mô còn rất nhỏ bé, mới vươn lên được ít năm nay để có thể đạt mục tiêu phát triển thành đô thị lớn, trung tâm của miền Trung như Nghị quyết Bộ Chính trị giao.

Đáp lại, một lần nữa, Bộ trưởng Tài chính giải thích, không thể đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối, TƯ chia sẻ với nỗi khó của các địa phương nhưng địa phương cũng phải hiểu áp lực ngày càng lớn với nguồn thu của ngân sách TƯ khi giá dầu thô giảm sâu, các loại thế cũng phải cắt giảm theo tiến trình hội nhập.

“Chúng tôi kiên quyết bảo vệ quan điểm này vì thấy đây là phương án tương đối, hợp lý nhất trong điều kiện hiện nay” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chốt lại.

P.Thảo