Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cán bộ cho đặc khu cũng phải đặc biệt
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đang trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề nóng liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu chí chọn cán bộ cho đặc khu, nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức xã hội... Về câu hỏi tiêu chí chọn cán bộ cho đặc khu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cơ chế đặc biệt thì con người cũng phải đặc biệt.
Đặc khu không "hút" vơi nguồn lực của Hà Nội, TPHCM
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Với tầm nhìn của 1 PGS kinh tế, một Phó Thủ tướng Chính phủ, 1 ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc xây dựng thành công 3 đặc khu với nền kinh tế Việt Nam? Mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế tại 3 đặc khu với sự đảm bảo an ninh, kinh tế, sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia theo các khoảng thời gian tầm nhìn 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa về việc này?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Phó Thủ tướng cho biết, trên thế giới, các đặc khu ra đời là nơi để thí điểm thể chế và để tạo ra các cực tăng trưởng. Việt Nam cũng đang cân nhắc các vấn đề, lợi ích đặt ra cũng như việc đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Quốc hội cũng đang có thảo luận về luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với những nội dung tương tự đặt ra để cân nhắc. Tác động với cả nước thì Hà Nội, TPHCM vẫn là 2 đầu tàu kinh tế của cả nước. Cả nước còn có 7 vùng kinh tế trọng điểm khác. "Vậy nên việc ra đời các đặc khu cũng không có tác động, ảnh hưởng gì với việc đầu tư cho 2 đầu tàu kinh tế và 7 vùng kinh tế trọng điểm này" - Phó Thủ tướng khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí
Đại biểu Nguyễn Anh Trí muốn trao đổi lại với câu trả lời của Phó Thủ tướng. Ông bày tỏ không hài lòng với câu trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ông muốn biết 3 đặc khu sẽ phát triển đến mức nào, Phó Thủ tướng cần cho một vài nét khái quát để người dân yên tâm. Ngoài ra, sự ổn định của 3 khu vực này với mối quan hệ với cả nước?
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, luật này hiện Quốc hội chưa thông qua nên chưa thể trả lời cặn kẽ những câu hỏi này. Chủ tịch đề nghị Phó Thủ tướng trả lời bằng văn bản.
Phó Thủ tướng cũng xin trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí bằng văn bản.
"Neo" chỉ số tăng giá 2018 ở mức 3,72-3,94%
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhắc lại chi tiết Phó Thủ tướng nêu vấn đề phát triển bền vững 3 trụ cột kinh tế - văn hóa – môi trường. Đại biểu muốn Chính phủ quan tâm hơn chính sách với đồng bào di dân tự do.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhận xét, giải đáp của Phó Thủ tướng về chống sạt lở ĐBSCL chưa thỏa mãn ý kiến cử tri. Vấn đề có giải pháp thì nguồn lực nào để thực hiện việc này. Cử tri mong muốn tăng nguồn vốn ODA cho dự án chống biến đổi khí hậu vì việc giải ngân hiện chậm khiến nhiều dự án đang đắp chiếu, có dự án có điều kiện thực thi thì lại không triển khai được.
Đáp lại vấn đề ODA dành cho chống biến đổi khí hậu ĐBSCL, Phó Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ và đồng tình với ý kiến đại biểu nêu ra. Nếu trong cùng bộ ngành, địa phương thì hoàn toàn có thể đưa vốn ODA từ dự án này sang dự án khác, còn giữa tỉnh này với tỉnh kia, bộ ngành này với bộ ngành khác là thuộc Chính phủ, quá 300.000 tỷ đồng thì phải do UB Thường vụ Quốc hội quyết định. Ông Huệ cho biết, dự tính thêm 135.000 tỷ nữa thì cần cân đối trong trần nợ công, báo cáo UB Thường vụ Quốc hội quyết định.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đề cập việc các giáo viên, cán bộ y tế được ký hợp đồng với mức lương rất thấp, không đảm bảo quyền lợi như đóng bảo hiểm. Vậy nên khi những người này hết hợp đồng là phải tay trắng dời trường, bệnh viện. Giải pháp nào cho việc này?
Về việc giáo viên, cán bộ y tế hợp đồng, Phó Thủ tướng cho rằng cần thực hiện nghiêm quy định trong việc tuyển dụng lao động. Nghị định 108 về xử lý lao động dôi dư tới đây sẽ được sửa theo hướng mở rộng tới cả đối tượng viên chức.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) muốn biết giải pháp tổ chức lại các chi cục thuế cho gọn nhẹ, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng thừa nhận đúng là nhiều địa bàn huyện doanh thu thuế còn không đủ nuôi bộ máy chi cục thuế. Vậy nên sẽ sắp xếp lại khoảng 135-137 chi cục thuế tại các khu vực theo hướng ghép 2-3 huyện vào làm một. Kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội cũng thực hiện theo hướng tương tự.
Đại biểu Lê Thị Hà (Lào Cai) lo lắng nguy cơ lạm phát tăng cao những tháng cuối năm 2018 nhưng Chính phủ vẫn cam kết khống chế mức tăng giá trong khoảng 4%. Bà Hà yêu cầu trình bày về tính khả thi của mục tiêu này.
Phó Thủ tướng đề cập tháng 5/2018, CPI mức tăng 0,55%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây nhưng do có sự trùng hợp là giá dầu đang tăng ở mức cao. Nhóm thực phẩm, thịt lợn hơi cũng tăng tới mức 0,25%. 2 nhóm hàng này khiến mức tăng giá lên 0,45%. Nhà nước đang sử dụng triệt để công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Với tình hình này, Thủ tướng chỉ đạo không điều chỉnh các loại giá dịch vụ, thậm chí không tăng giá điện. Thủ tướng đã yêu cầu EVN tiết giảm mọi chí phí để không tăng giá điện, tránh gây áp lực lên CPI cả năm. Dịch vụ y tế cũng sẽ được kiểm soát, giá thuốc dự kiến được kéo giảm xuống… Với tất cả những động thái đó, mức tăng giá tiêu dùng có thể được kiểm soát đúng như kế hoạch.
Người lãnh đạo Chính phủ quả quyết: "Theo tính toán, CPI cả năm sẽ ở mức 3,72-3,94%, theo Phó Thủ tướng, vẫn trong giới hạn cho phép".
Thu hồi đất: Lợi lộc chỉ chảy vào túi doanh nghiệp!
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Phó Thủ tướng nhận định cụ thể mục tiêu nào trong chương trình hoàn động toàn nhiệm kỳ của Chính phủ có thể không đạt, khó khăn vướng mắc nào cần tháo gỡ.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đề ra 6 nhóm giải pháp chính trong chương trình hành động “liêm chính, kiến tạo, phục vụ” tới năm 2020. Theo Phó Thủ tướng, trong 6 nhiệm vụ đề ra, có 2 nhóm nhiệm vụ là đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là cực kỳ khó khăn nhưng sẽ làm được. Cái khó khi việc thực hiện chính sách đặt ra khi dư địa còn rất hạn hẹp. Vậy nên Chính phủ sẽ phải nỗ lực lớn cho việc này.
Về việc phát triển con người thì đây cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, liên quan đến phát triển văn hóa – nền tảng của xã hội, cũng cần đề án cụ thể mới có khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra.
Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, Phó Thủ tướng nhận định đây là chuyện nhạy cảm liên quan đến hàng chục triệu người, cần tính toán cẩn trọng và theo lộ trình, không để người dân bị sốc. Vấn đề là nếu tăng tuổi nghỉ hưu mà không tạo ra việc làm mới thì cũng không thực hiện được. Tuổi nghỉ hưu cũng liên quan đến cơ cấu ngành nghề lao động. Yếu tố khác là về giới, nhiều nước trên thế giới đã thu hẹp nhiều khoảng cách chênh lệch tuổi nghỉ hưu của 2 giới… Từ những vấn đề đó, từ 2021, Việt Nam sẽ bắt đầu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo từng bước thận trọng, mỗi năm chỉ tăng thêm ít tháng nên còn lâu mới tiến tới mốc tăng thêm 1 tuổi với mỗi người lao động.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) lo lắng với vấn nạn thực phẩm an toàn cũng như bức xúc về vấn đề đất đai. Thực tế cho thấy việc thu hồi đất, bồi thường tái định cư còn nhiều vấn đề nên tỷ lệ khiếu kiện trong lĩnh vực này vẫn chiếm tới 70%.
Phó Thủ tướng xác nhận tình hình khiếu nại tố cáo diễn biến phức tạp. Ông nhắc lại, khóa trước có 500 hồ sơ tồn đọng phức tạp, kéo dài dai dẳng. Mới đây Chính phủ đã giao Bộ TN-MT tập hợp lại để giải quyết việc này một cách căn cơ. Thủ tướng cũng yêu cầu người lãnh đạo cơ quan hành chính các cấp phải thực hiện nghiêm túc hơn việc tiếp dân.
Dù có quy định cụ thể nhưng hầu hết các Chủ tịch đều ủy quyền cho Phó Chủ tịch tiếp dân mà mỗi lần ủy quyền cho một người khác nhau nên khó nắm vấn đề. Tới đây Chính phủ sẽ chấn chỉnh hiện tượng này.
Với việc hài hòa lợi ích 3 bên trong thu hồi đất, Phó Thủ tướng thông tin, hiện Chính phủ đang sơ kết, đánh giá việc thu hồi đất để nhận định cụ thể về địa tô chênh lệch. Thực tế nhà nước không được bao nhiêu, người bị thu hồi đất không được gì mà lợi lộc hầu hết chỉ chảy vào túi nhà đầu tư.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà nẵng) dẫn con số thống kê chưa đầy đủ cả nước có 64 triệu người sử dụng mạng xã hội. Thời gian qua liên tiếp có tài liệu mật, thậm chí tài liệu tuyệt mật xuất hiện trên mạng xã hội. Làm thế nào hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội?
Trả lời đại biểu Yến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cử tri cả nước đang rất quan ngại về tình hình an toàn thông tin và an ninh mạng. Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành luật An toàn thông tin và kỳ này đang trình để Quốc hội thông qua luật An ninh mạng.
Thời gian qua, Bộ TT-TT rất tích cực phối hợp với các nhà mạng như Google, Youtube để gỡ nhiều nội dung độc hại, nói xấu lãnh đạo. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, phát huy báo chí chính thống thì sẽ đáp ứng được yêu cầu thông tin của xã hội.
Dành phần lớn nguồn vượt thu ngân sách để tăng lương
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng đã 3 lần Chính phủ lỡ hẹn cải cách tiền lương với công chức, đều vì không có nguồn lực. Với tư cách Phó Thủ tướng, đề nghị ông làm rõ nguồn lực nhà nước để thực hiện cải cách tiền lương, việc này có làm tăng trần nợ công không và giải pháp để khống chế CPI khi tăng tiền lương?
Về cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng nhắc tới nghị quyết mới được thông qua tại hội nghị TƯ 7 vừa qua. Chính phủ đã cân đối, cân nhắc kỹ để trình Trung ương xem xét. Dù tăng lương không phải toàn bộ nội dung nhưng là vấn đề cốt lõi và nhiều người quan tâm. Giải pháp tiền đề đặt ra là phải xác định được vị trí việc làm để xác định được tiền lương. Giải pháp cốt lõi là tinh giản biên chế để giảm số người hưởng lương ngân sách và giải pháp đột phá khác là tăng được nguồn thu cho ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu để sử dụng cho việc tăng lương. Trung ương đã quyết định dành 70% vượt thu của ngân sách địa phương, dành 40% vượt thu ngân sách Trung ương để làm nguồn cho cải cách tiền lương.
Trong quá trình cân đối, Phó Thủ tướng khẳng định, sẽ căn cứ nghị quyết của TƯ để tính việc tăng lương nhưng không phạm vào trần nợ công, cũng phải đảm bảo tỷ lệ chi đầu tư phát triển. Nếu tăng lương gắn với tăng năng suất lao động, hiệu suất của bộ máy nhà nước thì áp lực tăng CPI là không lớn.
Đại biểu Quách Thế Tân (Hòa Bình) nêu thông tin kiểm toán nhà nước kiểm toán 30 dự án BT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng. Đại biểu muốn biết Chính phủ giải quyết vấn đề thế nào, khắc phục việc này trong năm 2018 ra sao?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét thực trạng đúng được thể hiện trong báo cáo kiểm toán về những dự án đầu tư công, trong đó không ít dự án có sai phạm, thậm chí tiêu cực tham nhũng. Nhiều dự án thi công kéo dài, điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn. Phó Thủ tướng dẫn lại dự án tại Ninh Bình có mức đầu tư tăng tới 36 lần. Quan điểm của chính phủ là phải siết chặt kỷ cương trong việc chi tiêu ngân sách, nhất là trong đầu tư công. Theo đó, Chính phủ đang trình đề xuất sửa luật đầu tư công và các nghị định liên quan. Nghị định sửa đổi sẽ được ban hành trong tháng 6 và dự luật sẽ trình Quốc hội vào cuối năm.
Những sai phạm thì Chính phủ quán triệt xử lý nghiêm, không loại trừ trường hợp nào, không có vùng cấm.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng ) đề cập nhiều yếu kém của thị trường và yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm với việc này.
Về những vấn đề của 5 loại thị trường (thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động, thị trường vốn…), Phó Thủ tướng khẳng định, kết quả chung là tốt, các loại giá đều vận hành theo thị trường, trừ lương. Giải pháp xử lý là tập trung biện pháp tổng thể để tháo gỡ.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với việc dòng vốn vào mạnh nên ngân hàng phải tìm cách trung hòa dòng ngoại tệ trong khi các nguồn vốn như từ cổ phần hóa DNNN chậm được tái đầu tư. Khắc phục việc này thế nào?
Với câu hỏi của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Thủ tướng khẳng định là các chính sách kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt để trung hòa dòng tiền, tránh việc phải hút tiền ra, tránh được việc đẩy lạm phát lên.
15.600 máy "đào" tiền ảo nhập về, nhà nước xem xét... cấm
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề cập nghị quyết 120 của Chính phủ đề ra chương trình phát triển ĐBSCL. Ngoài việc Thủ tướng quyết định chi 2.500 tỷ đồng để xử lý sạt lở bờ sông, biển cho vùng này thì Chính phủ xác định việc gì cần làm cho vùng này?
Trả lời câu hỏi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập từ thời ông còn phụ trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Chính phủ đã tổ chức hội nghị toàn quốc tại đây. Thủ tướng đã đi trực thăng thị sát toàn vùng và về ký ban hành Nghị quyết 120, sử dụng biện pháp quản lý tổng hợp vùng, nhất và về tài nguyên nước.
Việt Nam dù mưa nhiều nhưng nguồn nước phụ thuộc tới 60% vào nguồn từ nước ngoài. Khu vực ĐBSCL nền đất yếu lại thêm hiện tượng sụt lún lớn.
Nhắc lại phiên chất vấn Bộ trưởng TN-MT về việc quản lý bờ sông, bờ biển, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quy chế quản lý với 3 vùng nước ngọt, lợ, mặn là giống nhau. Với những tiểu vùng như bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười đã áp dụng quy chế quản lý như thế.
Thủ tướng đã quyết định xuất cấp 1.500 tỷ từ nguồn dự phòng ngân sách 2018 để xử lý việc sạt lở, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm. Chính phủ cũng xin xuất cấp 1.000 tỷ từ nguồn dự phòng trung hạn hỗ trợ việc này.
Bộ Nông nghiệp sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện Nghị quyết 120.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (ảnh: Như Phúc)
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá cao thành tựu kinh tế đạt được gần đây nhưng vấn đề xã hội lại chưa đạt được xứng tầm nên có nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức. Giải pháp nào xử lý hiện tượng này?
Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Phó Thủ tướng chia sẻ lo lắng của đại biểu là nền kinh tế có kết quả tích cực nhưng biểu hiện đạo đức xã hội lại xuống cấp. Về quan điểm, Đảng và nhà nước đã xác định phát triển kinh tế là trọng tâm nhưng xây dựng xã hội là then chốt… Vậy nên Đảng đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, Đảng đánh giá, so với kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh thì phát triển văn hóa chưa ngang bằng. Đảng yêu cầu đảm bảo phát triển văn hóa ngang bằng với kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, chủ trương thì rất rõ. Phát huy ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ soát xét lại toàn bộ công tác chăm lo đến văn hóa, tinh thần.
Cá nhân Phó Thủ tướng nhận định, dù có diễn biến phức tạp nhưng văn hóa xã hội tích cực vẫn là chủ đạo. Trong kỷ nguyên thông tin này, dù chỉ một vụ việc ở đâu đó xảy ra thì tốc độ lan truyền cũng rất ghê gớm, khó lường… Nhưng nhìn chung nền kinh tế xã hội đất nước vẫn đang phát triển tích cực.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nói về quản lý tiền ảo. Đề nghị Phó thủ tướng cho biết Chính phủ có định hướng gì để quản lý tài sản này?
Về vấn đề tiền ảo bitcoin, Phó Thủ tướng đề cập hiện tượng nhiều người dân, gia đình mua máy về “đào bitcoin”, rồi những hiện tượng tội phạm công nghệ như đường dây đánh bạc nghìn tỷ vừa qua. Thủ tướng đã chỉ đạo và Ngân hàng nhà nước quán triệt không công nhận bitcoin là đồng tiền được lưu hành tại Việt Nam.
Thực tế, việc nhập máy để đào tiền là tương đối sôi động. Từ năm ngoái tới năm nay đã nhập hơn 15.600 bộ máy, trong đó về TPHCM là 9.000, Hà Nội 6.000 còn lại là Đà Nẵng. Nhà nước đang xem xét việc không cho nhập máy này.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) trở lại với vấn đề tiền ảo. Từ thời sơ khai, từ hàng đổi hàng sang thành đổi vật có giá trị hơn rồi tới dùng kim loại quý như vàng để trao đổi rồi mới tới tiền giấy sử dụng như vậy ngang giá bây giờ. Với nền kinh tế công nghệ như hiện nay thì việc ra đời đồng tiền ảo là cần thiết, nên nghiên cứu để quản lý chứ không phải cấm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đó là xu thế phát triển nhưng hiện tại pháp luật Việt Nam chưa cho phép việc lưu hành tiền ảo này.
Yên tâm vì Chủ tịch đặc khu được chọn rất chặt chẽ!
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng đắn đo, sắp tới có 3 đặc khu thì việc tuyển chọn người đứng đầu với các vùng kinh tế này thế nào?
Về đặc khu và tiêu chí chọn cán bộ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cơ chế đặc biệt thì con người cũng phải đặc biệt. Chủ tịch đặc khu sẽ được chọn chặt chẽ theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và thủ tướng phê chuẩn nên có thể yên tâm.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề cập việc tích tụ ruộng đất cùng với cơ cấu lại nền nông nghiệp đang diễn ra nhưng vẫn chưa được quy định cụ thể nên mỗi địa phương triển khai khác nhau. Quan điểm của Chính phủ về việc này và giải pháp nào triển khai?
Ý kiến về tích tụ ruộng đất, Phó Thủ tướng khẳng định, tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, thành lập các hợp tác xã, kêu gọi các DN đầu tư vào đây thì cần có đất đủ lớn cho các hoạt động. Thủ tướng đang tổ chức kịch bản và sẽ có hội nghị toàn quốc tới đây để bàn việc này. Mỗi khu vực thực hiện việc tích tụ ruộng đất khác nhau, miền Bắc thì thực hiện dồn điền đổi thửa, vùng trồng cao su Tây Bắc thì góp đồi nương… Vậy nên đúng là cần có chỉ đạo toàn quốc để thực hiện cho đồng bộ.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng hiệu quả sản xuất chưa cao, tiêu thụ năng lượng còn lớn, năng suất lao động tăng chậm. Vậy giải pháp nào để tăng cao, nhanh hơn năng suất lao động cũng như chất lượng nền sản xuất?
Về năng suất lao động, Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến Bộ trưởng Đào Ngọc dung nêu ra tại phiên chất vấn trước, tức là nếu tính căn cơ thì số liệu về năng suất lao động của Việt Nam có thể cao hơn và tốc độ tăng cao hơn, như năm 2017 là 5,5% trong khi Thái Lan chỉ hơn 2%.
Phó Thủ tướng thừa nhận năng suất lao động bình quân thì có thể đang thấp, vậy nên cần giải pháp nâng cao năng suất lao động nội ngành và toàn nền kinh tế.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề cập sự liên kết kinh tế vùng còn yếu kém, mới tập trung ở thành bố lớn. Đâu là tồn tại lớn nhất của liên kết vùng và giải pháp tháo gỡ?
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) tranh luận. Đại biểu quan tâm Nghị quyết 120 và chưa tán thành nhận định việc triển khai nghị quyết đã hiệu quả mà cho là nhiều nội dung đang xúc tiến chậm. Cụ thể, về vấn đề điện gió, hiện giá thành rất thấp, làm sao giải quyết vấn đề này?
Hồi đáp các câu hỏi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập vấn đề liên kết vùng kinh tế. ông Huệ xác định đây là vấn đề quan trọng, nêu nguyên lý không phải cứ đi phát triển tiềm năng của mỗi địa phương mà cần phát huy tiềm năng so sánh của mỗi tỉnh đặt trong mối quan hệ với toàn vùng. Theo đó, việc xác định thế nào là do nhà nước phải cùng làm sau đó ưu tiên thúc đẩy các yếu tố phát triển liên kết toàn vùng. Ngoài ra, điều phối vùng còn phải tạo điều kiện cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn vùng. Việc này thì phải do doanh nghiệp làm.
Việc điều phối liên quan đến rất nhiều bộ ngành. Ngay vùng Đông Nam Bộ cũng có đề xuất suy tôn Chủ tịch TPHCM làm người điều phối liên kết trong toàn vùng. Chính phủ sẽ nghiên cứu vấn đề này.
Chống tham nhũng không "ngáng" phát triển kinh tế
Đại biểu Giàng A Chu
Bước vào đầu phiên chất vấn, hệ thống thể hiện, có 71 đại biểu đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng.
Đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biên) đề cập tình trạng phát hiện thuốc giả, kém chất lượng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Chính phủ với vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mùa A Vàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng của thế giới trung bình là 10% trong khi tại Việt Nam tỷ lệ này chỉ 2,1%. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số vụ việc rất nghiêm trọng như vụ thuốc ung thư bằng bột than tre. Các cơ quan đã chỉ đạo khởi tố, điều tra vụ án. Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp như đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế, tại Bảo hiểm Y tế Việt Nam, tại các địa phương. Qua đó đã giảm được 15-20% chi phí giá thuốc, thuốc biệt dược gốc cũng giảm được 13%.
Thời gian qua, Thủ tướng có chỉ đạo và từ 2017 đã có kết nối công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc của thuốc tại 3 tỉnh, sắp tới sẽ có đánh giá thí điểm để triển khai trên cả nước.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng chuẩn bị ban hành để chống hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc lậu trên phạm vi cả nước.
Đại biểu Giàng A Chu khái quát cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt kết quả nhất định, tạo niềm tin với người dân cả nước. Quan điểm của Chính phủ với việc tiếp tục cuộc chiến này?
Về vấn đề chống tham nhũng, ông Huệ nhấn mạnh, công cuộc này đã đạt kết quả rất to lớn, căn bản, trong năm 2017 được cử tri đồng bào ủng hộ và ngay cả bạn bè quốc tế cũng đánh giá cao. Bạn bè có hỏi chống tham nhũng mạnh mẽ như vậy có ảnh hưởng gì môi trường đầu tư kinh doanh và câu trả lời là không. Bằng chứng là năm 2017 nền kinh tế đạt những thành công toàn diện, rực rỡ.
Quan điểm của Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, thanh tra chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã vào cuộc và có nhiều con số lớn. Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an cũng phá được nhiều vụ án quan trọng. Thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện chương trình của Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng chống tham nhũng này.
Đại biểu Giàng Thị Bình gửi tới Phó Thủ tướng câu hỏi, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ nhưng độ mở rất lớn. Làm thế nào đảm bảo sự ổn định nền kinh tế trong điều kiện đó?
Về vấn đề độ mở của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét, đây là một câu hỏi thú vị. GDP của Việt Nam rất nhỏ, mới hơn 250 tỷ USD nên bất cứ biến động nào của khu vực và quốc tế đều ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam vậy nên phải gia tăng sức chống chịu của hệ thống ngân hàng, tài chính, chứng khoán. Thủ tướng đang chỉ đạo các cơ quan xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro đến 2020.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Tây Ninh) phản ánh sản phẩm cà phê, tiêu ảnh hưởng nghiêm trọng sự cố cà phê pin vừa qua. Làm thế nào bảo vệ các thương hiệu Việt?
Về bảo vệ thương hiệu sản phẩm Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Huệ đề cập vụ việc “cà phê pin”. Theo báo cáo của Bộ Công an thì thực tế là người ta trộn pin với vỏ cà phê để trộn vào tiêu chứ không phải là trộn vào cà phê để pha đồ uống. Tuy nhiên, việc làm như thế với sản phẩm nào cũng không được.
Cũng như các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp (năm ngoái tổng kim ngạch xuất khẩu là 36 tỷ USD, năm nay mục tiêu là 40 tỷ USD) thì giải pháp phải là sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa, có chương trình quảng bá hàng hóa, thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, ban hành tiêu chuẩn với từng ngành hàng và phát huy vai trò của các hiệp hội, ngành nghề, đẩy mạnh an toàn thực phẩm.
P.Thảo