“Yên tâm vững bước mà… sai”

(Dân trí) - Mong rằng tới đây, việc “việc hoàn trả của cán bộ làm sai sẽ trúng và thực chất hơn” bởi nếu không có những qui định chặt chẽ thì sẽ dễ dàng dẫn tới cán bộ công quyền sẽ có thể vô tình và có thể cố ý… “yên tâm vững bước mà… sai” còn dân thì è vai ra trả.

“Yên tâm vững bước mà… sai” - 1

Một lần nữa, hai con số 33 tỉ và 166 triệu đồng lại được ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước nhắc lại.

Có lẽ cũng cần nói thêm cho rõ, 33 tỉ đồng là số tiền nhà nước phải bỏ ra để đền bù cho những vụ án oan sai. Còn 166 triệu đồng là con số bồi thường, hoàn trả cho nhà nước của những người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại trong năm 2017.

Tuy nhiên, có lẽ đây cũng là con số “khả quan” nhất bởi trước đây, không có chuyện người bị oan sai được bồi thường. Sau khi có qui định bồi thường thì đây cũng là con số có lẽ là cao nhất từ trước đến nay.

Song, nhìn vào con số bồi hoàn và con số nhà nước phải trả, không khỏi giật mình vì độ chênh lệch quá lớn. 166 triệu/33 tỉ, tức là chỉ cỡ… 0,5%.

Trên báo Dân trí, ông Trần Việt Hưng cho biết Luật tố tụng hình sự quy định cán bộ, công chức không phải hoàn trả khoản tiền nhà nước đã bồi thường oan sai, trừ khi mắc lỗi cố ý. “Nếu cố ý dẫn tới oan sai và bị xử lý bằng bản án hình sự thì cán bộ, công chức đó phải hoàn trả 100% số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra bồi thường. Còn lỗi vô ý thì có thể bị từ 1-36 tháng lương”.

Rất may là sau đó, ông Trần Việt Hưng cho biết tới đây, việc này sẽ thay đổi. “Tới đây việc hoàn trả của cán bộ làm sai sẽ trúng và thực chất hơn. Số liệu thuyết phục hơn”. Ông Hưng nói.

Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cũng khẳng định: “Đây là thực tế thời gian qua và sắp tới việc triển khai Luật mới thì tỷ lệ hoàn trả sẽ có cải thiện”.

Nhìn lại quá khứ, đã một thời không tồn tại khái niệm nhà nước (cụ thể là các cán bộ công quyền) sai mà chỉ có dân sai. Vì thế, không có chuyện nhà nước phải bồi thường cho cá nhân.

Từ khi có Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, quan niệm này đã thay đổi và nhờ đó, sự bình đẳng trước pháp luật được nâng lên.

Tuy nhiên, nhìn vào những con số trên thì không khó để nhận thấy, sự bình đẳng mà cụ thể ở đây là mối quan hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ công quyền chưa có sự tương đồng.

Nói gì thì nói, cái tỉ lệ 166 triệu/33tỉ đồng nó… sai sai thế nào ấy!

Mong rằng tới đây, việc “việc hoàn trả của cán bộ làm sai sẽ trúng và thực chất hơn” như lời ông Hưng bởi nếu không có những qui định chặt chẽ thì sẽ dễ dàng dẫn tới cán bộ công quyền sẽ có thể vô tình và có thể cố ý… “yên tâm vững bước mà… sai” còn dân thì è vai ra trả.

Bùi Hoàng Tám