Vì sao Thủ tướng phải thốt lên: “Tôi rất buồn!”

(Dân trí) - Vâng, đó là câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ gần một tháng sau ngày ông nhậm chức. Vì sao Thủ tướng phải thốt lên những lời xót xa như vậy?

Vì sao Thủ tướng phải thốt lên: “Tôi rất buồn!” - 1

Trước hết, xin trích nguyên văn phần Thủ tướng nói tại phiên họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ bàn về tháo gỡ vướng mắc trong thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ngày 25/4 vừa qua.

Hôm đó, Thủ tướng nói: “Tôi rất buồn! Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ. Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm, quá nhiều thủ tục rườm rà. Qua lần này phải tháo gỡ vướng mắc và quản lý rất chặt về môi trường, đất đai công. Đây là vấn đề rất đau đầu của đất nước hiện nay”.

Qua câu nói, nhận thấy có mấy ý kiến Thủ tướng “rất buồn”.

Thứ nhất, Thủ tướng buồn vì chuyện phải lót tay mới có sổ đỏ. Con số này là 44% do PAPI đưa ra qua quá trình khảo sát mới đây (bạn đọc Dân trí thì cho rằng… hơn chứ làm gì đến!).

Điều thứ hai khiến Thủ tướng “rất buồn” là việc tạo điều kiện cho dân làm ăn hãy còn “mờ nhạt lắm”. Điều này thì không chỉ “mờ nhạt”, thưa Thủ tướng. Có doanh nghiệp nói rằng họ thậm chí không cần Nhà nước phải giúp đỡ hay hỗ trợ mà chỉ cần cán bộ, công chức đừng “hành” là may mắn cho họ lắm rồi, là đất nước phát triển lắm rồi.

Trong bản Báo cáo PCI 2015 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 31/3/2016 cũng cho biết, các doanh nghiệp phải chi trả chi phí “ngoài luồng” tăng dần qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Trong đó, 65% doanh nghiệp cho biết "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến".

Vế ý thứ ba, thủ tục rườm rà cũng chính xác 101% luôn. Trước thực trạng có tới 7.000 giấy phép con đang ngáng chân, giăng bẫy doanh nghiệp, người dân, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ví von: “Một doanh nghiệp 40 cân gánh 3-4 tạ khó khăn thì sống sao nổi?”.

Song, Thủ tướng nói không phải để than vãn mà nói ra để hành động. Tại phiên họp ngày 25/4 nói trên bàn về tháo gỡ vướng mắt trong thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, sau khi nghe Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục báo cáo việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh có nguy cơ tạo ra "khoảng trống pháp lý", người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo: "Chúng ta một mặt phải giữ kỷ cương phép nước, nhưng mặt khác cần xoá bỏ những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Các bộ ngành không thể vì quyền hạn của bộ mình mà làm trái, làm mất hiệu lực của hai đạo luật Quốc hội đã ban hành".

Có thể nói trong chưa đầy một tháng qua, Chính phủ mới đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Riêng về kinh tế, quý I/2016 đã có hơn hơn 22.0000 danh nghiệp đóng cửa. Đây là con số cực kỳ cao so với các năm.

Về môi trường, vụ cá chết hàng loạt ở ven biển các tỉnh miền Trung là cảnh báo nghiêm trọng.

Song, theo người viết bài này, có lẽ điều khiến Thủ tướng không chỉ “rất buồn” mà còn đáng lo ngại, đó là năng lực yếu kém và phương cách hành xử của cán bộ, công chức. Xin đơn cử một vụ thực chất chỉ “nhỏ như cái móng tay” là vụ quán cà phê “Xin chào”. Thế nhưng bởi sự “nhũng loạn” của một số cá nhân khiến Thủ tướng cũng phải trực tiếp chỉ đạo thì không thể nói là buồn mà lo ngại, rất lo ngại.

Nhớ lại khi còn là Phó Thủ tướng Thường trực, ông Phúc đã từng phải thốt lên: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

Công việc thì nhiều thế, đội ngũ công chức thì vậy, hỏi Thủ tướng không “rất buồn” sao được?

Song, điều đáng phấn khởi là từ những ngày đầu, đã thấy một không khí hành động lan tỏa trong nội các Chính phủ mới mà tân Thủ tướng là người tiên phong.

Ngay tại giờ phút đầu tiên vừa nhậm chức, Thủ tướng đã nhận lời đề nghị của Phòng Công nghiệp & Thương mại có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp cả nước vào ngày 29.4 này để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn.

Đây là một hi vọng lớn không chỉ cho giới doanh nhân mà là niềm tin, sự hi vọng của nhân dân cả nước luôn biết “rất buồn” để hành động.

Bùi Hoàng Tám