Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về những lời “trái tai”
(Dân trí) - Có một thực tế là “cỏ tốt” thì ắt “lúa tàn”. Nơi nào nhiều lời nói dối thì ở đó, tất nhiên sẽ hiếm lời nói thật mà muốn có nhiều lời nói thật thì tất nhiên, nó phải được lắng nghe. Song, ở đời không phải ai cũng đủ phẩm chất cũng như năng lực để nghe những lời “trái tai” dù đó là những lời nói trung thực bởi “trung ngôn” thường “nghịch nhĩ”, “sự thật” vốn dễ “mất lòng”.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và trao Huân chương Lao động hạng ba cho Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (GSTCQG) ngày 6/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Nhiều khi các bộ, ngành nghe những lời nói trái tai nhưng là những lời báo động, cần lắng nghe từ Ủy ban GSTCQG. Lời nói trung thực thường là tốt, cần thiết đối với mọi cán bộ, tổ chức".
Đây là những điều rất đúng không chỉ với riêng UB GSTC QG mà còn đúng trọng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhất là từ nhiều năm qua, tình trạng “nói một đằng, làm một nẻo”, nói không đi đôi với làm, thậm chí nói ở hội trường khác, nói ở cầu thang khác đang xuất hiện với tần số ngày một nhiều.
Có một thực tế là “cỏ tốt” thì ắt “lúa tàn”. Nơi nào nhiều lời nói dối thì ở đó, tất nhiên sẽ hiếm lời nói thật mà muốn có nhiều lời nói thật thì tất nhiên, nó phải được lắng nghe. Song, ở đời không phải ai cũng đủ phẩm chất cũng như năng lực để nghe những lời “trái tai” dù đó là những lời nói trung thực bởi “trung ngôn” thường “nghịch nhĩ”, “sự thật” vốn dễ “mất lòng”.
Nhớ lại có lần người viết bài này phỏng vấn GS Hoàng Tụy, một người nổi tiếng về tài năng và cốt cách, ông đã nói thẳng “Sự giả dối đang là mối nhục lớn”.
Sinh thời, Nhà báo Hữu Thọ cũng bảo thời nào cũng có người nói dối và sự dối trá có mặt trên mọi ngõ ngách thế gian. Chỉ có điều, nó xuất hiện với tần số và dung lượng như thế nào thôi.
Ông Thọ còn bảo người nói dối đương nhiên là xấu nhưng vấn đề là “có một nhu cầu muốn nghe nói dối từ phía người nghe”. Vả lại, muốn nghe một sự thật cũng không dễ vì sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác.
“Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát. Để bệnh nói dối tràn lan chủ yếu là tại người nghe”. Ông Thọ kết luận.
Rồi như để tâm sự, giọng ông chợt trầm xuống: “Tâm lý con người rất phức tạp. Khi anh còn là cấp dưới thì anh muốn “cãi” cấp trên, nhưng khi có quyền lực thì anh lại không muốn người ta cãi lại mình”.
Nhìn lại gần đây, những vụ vi phạm nghiêm trọng của không ít cán bộ thậm chí những người ở vị trí rất cao khiến người viết bài này đặt câu hỏi, đó là không biết họ có “may mắn” được nghe những lời nói “trái tai”, “nghịch nhĩ” không nhỉ? Và nếu có, họ có đủ phẩm cách để nghe những lời này?
Có lẽ là “không” bởi nếu như “có”, họ chắc chắn sẽ tránh được con đường tha hóa mà giờ đây, họ phải gánh chịu.
Mong rằng sẽ có ngày càng nhiều hơn những lời nói trái tai trên tinh thần xây dựng và cần hơn là những đôi tai biết lắng nghe những lời “nghịch nhĩ” bời “lời nói trung thực thường là tốt, cần thiết đối với mọi cán bộ, tổ chức” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bùi Hoàng Tám