"Tấm áo thầy tu", "giáo sư cả đời" và... "giáo sư cả nước"!
(Dân trí) - “Y phục xứng kỳ đức”, nếu khoác trên mình tấm áo mà mình không xứng với nó thì không chỉ làm xấu bản thân mà còn làm hoen ố chiếc áo. Trong khi đó, với sự tiến bộ từng giờ và phân rạch của khoa học hiện nay, có lẽ cũng không nên “giáo sư suốt đời” và “giáo sư cả nước”.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Một thông tin có thể nói là “rúng động làng giáo sư Việt Nam” khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và cả ngoài nhà trường (nếu họ có nhu cầu).
Theo thông tin trên báo Pháp luật TP HCM, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển KH&CN Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết thì việc này được triển khai trên cơ sở tìm hiểu, vận dụng cách thức các trường đại học uy tín trên thế giới vào tình hình thực tế của trường với mục đich nhằm phân công nhiệm vụ các thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng hơn, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường.
Ngay lập tức, dư luận có hai luồng ý kiến trái ngược nhau.
Một ý kiến được coi như là “chính thống” cho rằng giáo sư là một danh hiệu cao quý, được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bình xét rất khắt khe nên không thể có chuyện một trường đại học công nhận mà được.
Trên báo điện tử VnExpress, bài “Trường đại học tự bổ nhiệm chức danh giáo sư cho giảng viên”, một lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước do Thủ tướng quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
"Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước căn cứ nghị quyết của Hội đồng ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, chức danh phó giáo sư cho các nhà giáo", vị lãnh đạo này cho hay.
Như vậy, việc các trường “tự ý” phong tặng chức danh giáo sư sẽ làm làm “tầm thường hóa” danh dự cao quý này.
Song, một trong những người có ý kiến mạnh mẽ nhất về vấn đề này có thể kể đến ông Chu Hảo, một nhà khoa học có uy tín và từng được phong tặng danh hiệu giáo sư từ năm 1983, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ.
Từ nhiều năm này, ông Chu Hảo đã hơn một lần phản đối “giáo sư suốt đời, giáo sư cả nước”.
Theo ông Hảo, giáo sư là một nhiệm vụ nên khi không còn giảng dạy nữa thì coi như nhiệm vụ đó đã hoàn thành và tất nhiên, không còn giáo sư nữa. Những người thôi giảng dạy nhiều, thậm chí hàng chục năm nhưng vẫn được coi (và tự coi) mình là giáo sư là điều không hợp lý.
Vả lại, mỗi giáo sư thuộc một chuyên ngành riêng, nằm trong phạm vi hẹp nên càng không thể là “giáo sư cả nước”.
Đây cũng là một ý kiến đáng lưu ý bởi trên Wikipedia (Từ điển mở), giáo sư là tên gọi một chức danh dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu.
Nói cách khác, giáo sư chỉ là một chức vụ giảng dạy chứ không phải là một học hàm hay một chức danh được bổ nhiệm và thường do các trường đại học tự chọn lựa và quyết định.
Trả lời báo chí, PGS-TS Nguyễn Đình Như, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho biết: “Đối với trường ĐH ở các nước, việc phong GS, PGS tùy theo ngành nhỏ hay lớn mà có 1-3 GS, PGS/môn. Người giữ các chức vụ này khi không hoàn thành nhiệm vụ, giải tán ngành hoặc nghỉ việc sẽ bãi nhiệm”
Với người viết bài này, có lẽ không thể “thoát” khỏi lời cổ nhân, đó là “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Tài năng, nhân cách, những công trình khoa học và sự cống hiến, đặc biệt là đối với sự nghiệp phát hiện, bồi dưỡng thế hệ trẻ sẽ làm nên tên tuổi và lưu danh tên tuổi.
Vả lại cũng lời người xưa, “Y phục xứng kỳ đức”, nếu khoác trên mình tấm áo mà mình không xứng với nó thì không chỉ làm xấu bản thân mà còn làm hoen ố chiếc áo.
Trong khi đó, với sự tiến bộ từng giờ, từng phút và phân rạch hết sức chi tiết của khoa học hiện nay, có lẽ cũng không nên “giáo sư suốt đời” và “giáo sư cả nước”.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!