Niềm tin vào bản lĩnh và khả năng xử lý của Chính phủ

(Dân trí) - Trước kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XII vừa rồi, một trong số thành viên Chính phủ cũ được người dân khá yêu mến-cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tỏ ý rất lo lắng cho việc triển khai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi trong thời gian tới.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong một cuộc họp của Tổ công tác thi hành 2 luật này, tỏ ý lo ngại một số bộ, ngành khác có xu hướng đặt ra thêm nhiều điều kiện kinh doanh, ban hành thêm nhiều giấy phép "con", "cháu"..., ông còn yêu cầu soạn nhanh một bản báo cáo để tự tay ông ký, trình Quốc hội, với mong muốn, Quốc hội kỳ họp cuối sẽ làm gì đó, để ngăn chặn tình trạng này.

Nhưng có vẻ như điều lo lắng của cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã thừa. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ mới đã họp riêng một buổi về việc thi hành 2 luật quan trọng này và đã có những kết luận, yêu cầu đẩy mạnh thực thi những cải cách như chấn chỉnh, không để ban hành thêm giấy phép con, đẩy nhanh việc ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn 2 luật trên theo qui trình rút gọn, buộc phải xong trước tháng 7/2016.

Cùng với một loạt động thái mới: Đối thoại với cộng đồng DN, nghe các kiến nghị, phản ánh về khó khăn để giải quyết, chỉ đạo xử lý cả những việc khá cụ thể như: yêu cầu không hình sự hoá, không khởi tố với chủ quán cà phê" Xin chào"... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy Chính phủ mới do ông đứng đầu, đã nhận được những thiện cảm bước đầu của cộng đồng DN.

Nhưng dù sao, đó cũng mới chỉ là bước đầu. Sau một thời gian được cho là "bắt đầu phục hồi" kể từ năm 2014, khi tăng trưởng GDP bắt đầu theo hướng đi lên, lạm phát được kiềm chế, các chỉ số về sản xuất công nghiệp, sức tiêu thụ... tăng, thị trường ngoại hối ổn định... thì từ đầu cuối năm 2015 đến nay, nền kinh tế lại bắt đầu có những chỉ dấu không tích cực. Đó là những dấu hiệu: tăng trưởng GDP chững lại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng, cân đối thu-chi ngân sách khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thế, ngừng hoạt động gia tăng một cách không bình thường... mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc họp cuối tuần trước, phải nói rằng: Chính phủ mới đi vào hoạt động chưa lâu, đã gặp nhiều vấn đề lớn, thách thức mới.

Cho dù, có một số vấn đề mới, đã và đang được giải quyết khá nhanh và tích cực, nhưng thực sự, có những vấn đề lớn, càng trở lên khó hơn rất nhiều, do cách tiếp cận, do trước đây xử lý chưa thật ổn. Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay: Tăng trưởng theo bề rộng, thâm dụng vốn, nhân công, tài nguyên nặng nề, lãng phí năng lượng, nặng về xuất khẩu thô, sử dụng công nghệ lạc hậu... được cho là đã rất lạc hậu nhưng chưa rõ giải pháp chuyển đổi. Nền kinh tế VN vẫn bị một số quốc gia chưa thừa nhận là nền kinh tế thị trường do có quá nhiều định hướng, can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của DN. Thị trường vẫn tràn lan kinh doanh độc quyền... không thúc đẩy cạnh tranh, tự do kinh doanh, phát huy sức sản xuất, sáng tạo của người dân.

Các đề án tái cơ cấu đã triển khai mấy năm nhưng kết quả chưa như mong đợi. Đề án tái cơ cấu khu vực DNNN, trong đó nòng cốt là đẩy mạnh cổ phần hoá thì kế hoạch cổ phần hoá hơn 400 DNNN 2 năm 2014-2015 đến thời điểm này, khoảng gần 100 DN không thực hiện được theo kế hoạch; Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng chỉ thực hiện được phần nào khi các ngân hàng được tái cơ cấu, sáp nhập vẫn khá yếu ớt, nợ xấu-cục máu đông trong mạch máu tài chính-tiền tệ mới giảm chút ít. Việc tái cơ cấu đầu tư công cũng khó có thể ghi nhận là đã thành công khi người dân vẫn nhận thấy đầu tư nhà nước vẫn còn dàn trải, lãng phí: Những ví dụ đầu tư về sân bay Lai Châu (8000 tỉ đồng), đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông trì trệ, những dự định đầu tư tượng đài hàng ngàn tỉ đồng... trong khi ngân sách nhà nước đang rất căng thẳng. Tái cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp gần như ít chuyển động.

Tất cả cho thấy, Chính phủ mới sẽ có quá nhiều việc phải làm và đều là những việc rất khó khăn, thách thức không chỉ về quyết tâm, ý chí mà đòi hỏi tầm tư duy, năng lực mới. Nền kinh tế Việt Nam rõ ràng đang ở "ngã ba đường", nếu có hướng đi đúng, giải pháp đúng, sẽ có bước phát triển mới, nhưng nếu chọn hướng đi sai, có thể sẽ tiếp tục đình trệ, thụt lùi.

Trong cuộc họp với các Bộ trưởng, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố lớn để bàn, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của các DN cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chính phủ vừa được kiện toàn mới 20 ngày đã gặp nhiều việc lớn thử thách bản lĩnh của Chính phủ, của Thủ tướng, nhưng tôi nghĩ chúng ta đủ bản lĩnh, đủ khả năng để xử lý”. Ông cũng đã thừa nhận: "Chúng ta không còn nhiều dư địa tăng trưởng với cách làm cũ".

Có thể nói, Thủ tướng mới và Chính phủ mới đã có một số việc làm tốt. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn nói rằng, bà thấy thú vị khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn trực tiếp chỉ đạo những việc tưởng như "cỏn con" như vụ chủ quán cà phê "Xin chào", nhưng thực ra nó lại có ý nghĩa lớn. Nhưng liệu sắp tới, có nhiều quyết sách lớn, chính sách mới làm thay đổi cơ bản tình hình, đưa nền kinh tế phát triển lên tầm cao mới hay không, chúng ta hãy đặt niềm tin vào bản lĩnh và khả năng xử lý của Chính phủ.

Mạnh Quân