Lại “lệ cho quan - luật cho dân” & “biểu giá tù” ở Đồng Nai
(Dân trí) - Chuyện “lệ cho quan – luật cho dân” ở nước mình không lạ. Có thể ra kể ra nhiều, thậm chí rất nhiều vụ việc mà đối với dân thì nghiêm khắc đến… hà khắc. Ngược lại, đối với quan thì vẫn bài ca quen thuộc: Phê bình, kiểm điểm, khiển trách, rút kinh nghiệm… và giờ đây, còn có hình thức mang tên “nhận thiếu sót, khuyết điểm”.
Điển hình là mới đây, với ly do phá rừng để kịp thi hoa hậu, UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép phá sạch 116 ha rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa.
Đây là sai phạm nghiêm trọng, không chỉ tàn nhẫn với thiên nhiên mà còn vi phạm qui định của Chính phủ trong lĩnh vực quản lý đất đai bởi đối với 20ha rừng trở lên, phải được sự đồng ý của Thủ tướng.
Thế nhưng ngạc nhiên thay, theo báo Pháp luật TP HCM thì ngày 31-10-2016, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh từng đến tận khu rừng đã bị triệt hạ tặng Bằng khen cho hai doanh nghiệp này và chủ đầu tư.
Tại cuộc họp giao ban thực địa ngày 10-1-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến còn yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với cơ quan liên quan đến ngày 10-2 phải hoàn tất việc chặt cây phi lao trong phạm vi các hạng mục đang thi công.
Càng ngạc nhiên hơn nữa, sau khi báo chí phát hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo báo cáo kết quả thì mới đây, lãnh đạo tỉnh Phú Yên nhận khuyết điểm… thiếu sót.
Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho biết: “Tỉnh sẽ báo cáo, nhận khuyết điểm trước Thủ tướng đồng thời trình bày cụ thể để Thủ tướng xem xét, quyết định. Thủ tướng cho làm hay không rồi tính tiếp”.
Ấy chết thật! Phá sạch hơn một trăm ha rừng phòng hộ ven biển mà chỉ nhận “khuyết điểm” thì nguy thật bởi không biết phá bao nhiêu ngàn ha rừng để “được” nhận mức “khiển trách” và bao nhiêu vạn ha rừng thì “cảnh cáo”…?
Nhớ lại dịp này cách đây 2 năm (4/2015), Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 8 người ở địa phương này về tội “hủy hoại tài sản” do đã chặt 12 cây tràm của Trung tâm Lâm trường Biên Hòa (TTLNBH).
Cụ thể, 5 người bị phạt 5 tháng 4 ngày (bằng thời gian giam giữ), 3 người bị phạt mỗi người 6 tháng tù treo. Như vậy, tổng cộng mức án cho việc chặt phá 12 cây tràm là 43 tháng 20 ngày hay nói cách khác, mỗi cây tràm “có giá” tới hơn 3,5 tháng tù.
Thật tình, cũng khó so sánh giá trị của một cây tràm với một cây phi lao (rừng phòng hộ chủ yếu là phi lao) và cũng không biết với 116ha rừng thì họ chặt phá bao nhiêu cây này nên không thể lấy “đơn giá” hơn 3,5 tháng tù/một cây tràm để tính toán mà so sánh với vụ phá ở Phú Yên được. Song chắc chắn, nếu như áp dụng “biểu giá” của Đồng Nai thì số năm tù có lẽ hàng… thiên niên kỉ?
May cho vụ này xảy ra ở Phú Yên chứ nếu mà ở Đồng Nai thì… thì nói thế thôi chứ vụ việc chặt phá 12 cây tràm là dân, còn vụ phá 116 ha rừng phòng hộ ven biển này là theo “lệnh quan”.
Mà ở ta, có lẽ bởi “luật cho dân – lệ cho quan” cho nên lãnh đạo Phủ Yên mới “hồn nhiên” nhận thiếu sót, khuyết điểm và chắc chắn là sẽ xin… rút kinh nghiệm một cách nghiêm khắc.
Không biết sự việc sẽ được xử lý thế nào, đành nói như trong truyện “Tam quốc”, thôi thì đành chờ “hồi sau” may ra “sẽ rõ”.
Bùi Hoàng Tám