Kỳ tích 6,81 và “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”

(Dân trí) - Vẫn còn đó những hình thức kỉ luật “phê bình, phê bình nghiêm khắc”, “rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm sâu sắc”… “5C, 4 ệ”, “Sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Vẫn còn đó những cái “lò” trên nóng, dưới lạnh. Vẫn còn đó “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Vẫn còn đó “Người ta ăn không từ thứ gì”…

Kỳ tích 6,81 và “Kẻ ăn không hết, người lần không ra” - 1

Nói gì thì nói với năm 2017, 6,81 là con số ấn tượng nhất, có giá trị nhất và thuyết phục nhất bởi nó là hiện thân, là kết quả, là thước đo của tất cả các cụm từ “quyết tâm”, “quyết liệt”, “đẩy mạnh”… và là minh chứng rõ nhất cho một Chính phủ liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân như cam kết tại Lễ nhậm chức của Người đứng đầu Chính phủ.

Bởi từ cổ chí kim, điều người dân dưới “gầm giời” này đều mong ước, đó là cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mọi tôn giáo, chủ nghĩa gì gì thì cuối cùng là để đạt tới sự ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Người xưa nói: “Đạo làm dân lấy ăn làm gốc” hay “Có thực mới vực được đạo”… Còn giờ đây, là sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vì thế, dù còn rất nhiều những tệ nạn, nhiều bức xúc, thậm chí cả bất công, song những ngày này, đất nước như được tiếp thêm niềm sinh khí. Một tinh thần phấn khởi, lạc quan đang hiện hữu mỗi ngày.

Nhất là nhìn vào bối cảnh của sự tăng trưởng, chúng ta càng thấy giá trị hơn của con số 6,81 này.

Thứ nhất, sự tăng trưởng kinh tế 2017 không phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu mà mặt hàng chính là dầu thô và khoáng sản như nhiều năm trước. Với kim ngạch kỳ tich 400 tỉ USD, phần chủ yếu thuộc về hàng nông sản và các mặt hàng công nghiệp sản xuất.

Đây sự sự nỗ lực của toàn dân, của Chính phủ, song không thể không kể đến vai trò của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Nhờ những chính sách hợp lý về mô hình sản xuất của ngành Nông nghiệp cũng như công cuộc “cải tổ” của ngành Công thương đã xóa đi những rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát huy năng lực của mình.

Thứ hai, sự tăng trưởng trên nằm trong bối cảnh chúng ta kiên quyết không tăng trưởng nóng bằng mọi giá mà trên cơ sở phát triển bền vững. Những dự án ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tơi môi trường đều bị kiên quyết từ chối. Những lo ngại rằng nếu làm chặt chẽ về môi trường sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đã không là thực tế. Đây là sự kiên quyết của Chính phủ và nỗ lực của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Thứ ba, công cuộc phòng chống tham nhũng đang ở giai đoạn cao trào. Sự quyết liệt trên mặt trận này không những không ảnh hưởng đến sự phát triển như từng có ý kiến lo ngại mà ngược lại, nó đã trở thành động lực cho sự phát triển.

Tiến trình xây dựng một Chính phủ liêm chính đã từng bước xóa bỏ những thủ tục không cần thiết để từ đó ngăn chặn một số cán bộ, công chức lợi dụng gây nhũng nhiễu. Việc phòng chống tham nhũng không chỉ hạn chế thất thoát do tham ô, lãng phí mà quan trọng hơn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư nước ngoài.

Kết quả là năm qua, hàng trăm ngàn doanh nghiệp mới được thành lập, người dân tin tưởng, đầu tư nước ngoài tăng và chỉ số tín nhiệm của Việt Nam với thế giới tăng đáng kể so với năm 2016.

Song, nếu chúng ta có nền quản trị tốt hơn, nếu chúng ta có đội ngũ công chức mẫn cán và thạo việc hơn, nếu như không có sự nhũng nhiễu và tham ô, tham nhũng, chắc chắn kinh tế Việt Nam chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn nữa rất nhiều.

Vẫn còn đó những hình thức kỉ luật “phê bình, phê bình nghiêm khắc”, “rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm sâu sắc”…

Vẫn còn đó “5C, 4 ệ”. Vẫn còn đó một đội ngũ công chức hùng hậu về số lượng nhưng kém hiệu quả với “Sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

Vẫn còn đó những cái “lò” trên nóng, dưới lạnh. Vẫn còn đó những thanh “củi tươi” chưa bị đưa vào lò hoặc vào “lò” nhưng chưa bị cháy.

Vẫn còn đó “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Vẫn còn đó “Người ta ăn không từ thứ gì”…

Mong rằng năm 2018, những khiếm khuyết, yếu kém trên được khắc phục và mong lắm những chiếc “lò” sẽ tiếp tục nóng, đủ sức lan tỏa từ Trung ương xuống các địa phương.

Hãy hành động thực sự theo tinh thần 10 chữ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.

Bùi Hoàng Tám